Nếu xảy ra 'sốt' đất: Liên bộ sẽ điều tiết
Nghị định 96/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh Bất động sản có hiệu lực từ 1/8, trong đó nêu rõ trách nhiệm các bộ, ngành trong điều tiết thị trường bất động sản nếu có biến động 'bất thường'. Cụ thể, các bộ, ngành sẽ phải đề xuất biện pháp nhằm điều tiết thị trường nếu như chỉ số giá giao dịch bất động sản tăng hoặc giảm trên 20% trong 3 tháng.
Nhiều nơi giá tăng bất thường
Số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy, giá chào bán căn hộ chung cư bình quân toàn thị trường có xu hướng tăng từ cuối năm 2023 đến thời điểm hiện tại, đặc biệt là ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM. Nhà ở riêng lẻ và đất nền, giá giao dịch cũng có xu hướng tăng. Nguyên nhân được cho là giá chung cư tăng cao và nguồn cung khan hiếm khiến giá bán ở phân khúc này tăng mạnh.
Từ đầu năm đến nay, tại Hà Nội đã diễn ra những cơn “sốt giá” chung cư. Theo đó, giá nhà chung cư tại vùng ven phía Tây, Tây Nam, phía Đông của TP Hà Nội tăng từ 17 - 25% so với đầu năm.
Chung cư đã qua sử dụng giá rao bán cũng tăng trong vòng 3 năm nay. Một căn hộ chung cư 54 m2 tại Vinsmart (Nam Từ Liêm, Hà Nội) được chào bán gần 3 tỷ đồng, tăng 400 triệu đồng so với năm 2023, tăng gần 700 triệu đồng so với năm 2022.
Không chỉ chung cư, nhiều phân khúc bất động sản khác như nhà đất, biệt thự, liền kề cũng tăng giá. Nhà trong ngõ ở trung tâm Hà Nội hiện tại giá tăng 5-15% so với cuối năm ngoái. Một căn nhà 4 tầng, đầy đủ nội thất, có diện tích 35 m2 tại phố Nam Dư (quận Hoàng Mai) được bán với giá 4,7 tỷ hồi đầu tháng 5 nhưng đến nay, căn này được bán lại với giá 6 tỷ đồng. Như vậy, chỉ hơn 2 tháng, giá của căn nhà này đã tăng tới hơn 1 tỷ đồng. Điều đáng nói, căn nhà nằm trong ngõ rộng khoảng 4 mét, chứ không phải nằm trên mặt phố.
Trong khi đó, biệt thự, liền kề đã lập mặt bằng giá mới, trung bình lên tới 178 - 188 triệu đồng/m2. Tương tự, giá trúng đấu giá đất nền tại các huyện vùng ven Hà Nội cũng tăng so với cuối năm 2023.
Mỗi bộ đều có chính sách, công cụ điều tiết
Trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, theo điều 34, Nghị định 96 quy định cụ thể một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ Xây dựng sẽ căn cứ vào chỉ số giá, số lượng giao dịch bất động sản và các chỉ số, số liệu thống kê về kinh tế - xã hội thuộc các ngành, lĩnh vực khác liên quan (hoặc theo chỉ đạo của Chính phủ) để đánh giá tình hình thị trường bất động sản và đề xuất thực hiện điều tiết thị trường. Nghiên cứu, tổng hợp báo cáo đánh giá tình hình và đề xuất thực hiện các biện pháp điều tiết thị trường bất động sản được cơ quan chức năng thực hiện khi: Chỉ số giá giao dịch bất động sản (nhà đất, căn hộ, đất nền) tăng hoặc giảm quá 20% trong 3 tháng; Thị trường bất động sản có biến động ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội. Biện pháp điều tiết thị trường bất động sản sẽ được đưa ra trong 15 ngày khi biến động giá thị trường xảy ra.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, quy định mới đã tăng vai trò quản lý của các bộ, ngành nhằm ứng phó khi thị trường địa ốc biến động mạnh.
Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh tổng hợp, đánh giá tình hình thị trường và đưa ra biện pháp điều tiết. Đồng thời, bộ này cũng sẽ: Đề xuất Chính phủ ban hành biện pháp điều tiết thị trường bất động sản liên quan pháp luật về quy hoạch đô thị, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, chương trình, kế hoạch phát triển đô thị, nhà ở, bất động sản, cơ cấu sản phẩm trên thị trường; Liên thông với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đề xuất các biện pháp điều tiết thị trường bất động sản thông qua pháp luật về đầu tư, đấu thầu; Liên thông với Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất các biện pháp điều tiết thị trường bất động sản thông qua thực hiện pháp luật về đất đai; Bộ Tài chính đề xuất các biện pháp điều tiết thị trường bất động sản thông qua sử dụng chính sách pháp luật về thuế, tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước sẽ đề xuất biện pháp điều tiết thị trường bất động sản thông qua tín dụng. UBND các tỉnh sẽ rà soát việc triển khai thực hiện dự án bất động sản tại các địa phương và đề xuất biện pháp điều tiết cụ thể.
Sau khi các bộ, ngành, địa phương liên quan đề xuất biện pháp điều tiết thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp, báo cáo đánh giá tình hình, đề xuất biện pháp điều tiết thị trường bất động sản, trình Chính phủ quyết định. Trường hợp các biện pháp điều tiết thị trường bất động sản vượt thẩm quyền Chính phủ, Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/neu-xay-ra-sot-dat-lien-bo-se-dieu-tiet-post1663220.tpo