New York cấm DeepSeek trên các thiết bị chính phủ
New York cấm DeepSeek trên thiết bị chính phủ, chặn AI Trung Quốc số 1 App Store giữa lo ngại giám sát và kiểm duyệt.
Chính quyền bang New York vừa ban hành lệnh cấm ứng dụng trí tuệ nhân tạo DeepSeek của Trung Quốc trên các thiết bị chính phủ, viện dẫn lo ngại về kiểm duyệt nội dung cũng như nguy cơ bị giám sát bởi chính phủ nước ngoài.
![Hình minh họa ứng dụng DeepSeek trên một thiết bị di động. Ảnh: NBC](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_197_51457136/d8a1480e7f40961ecf51.jpg)
Hình minh họa ứng dụng DeepSeek trên một thiết bị di động. Ảnh: NBC
Thống đốc Kathy Hochul đưa ra chỉ thị này hôm thứ Hai, nhấn mạnh rằng "an toàn công cộng là ưu tiên hàng đầu" và cam kết sẽ "bảo vệ người dân New York trước các mối đe dọa trong và ngoài nước". Bà cho biết bang sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp nhằm chống lại nguy cơ tấn công mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân và ngăn chặn tình trạng kiểm duyệt do nhà nước hậu thuẫn.
DeepSeek, một sản phẩm của phòng nghiên cứu thuộc quỹ đầu tư High-Flyer có trụ sở tại Trung Quốc, đã nhanh chóng vươn lên vị trí số một trên Apple App Store vào tháng 1, đẩy ChatGPT xuống hạng hai. Sự trỗi dậy bất ngờ của ứng dụng này gây xôn xao giới công nghệ Thung lũng Silicon và làm rung chuyển thị trường chứng khoán, trong bối cảnh cuộc đua trí tuệ nhân tạo giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gay gắt.
DeepSeek được chú ý nhờ khả năng vượt trội so với một số mô hình AI hàng đầu do các công ty Mỹ phát triển, trong khi chi phí vận hành được cho là thấp hơn đáng kể. Tuy nhiên, việc một ứng dụng đến từ Trung Quốc đại lục nhanh chóng thu hút sự quan tâm lớn cũng dấy lên quan ngại từ phía các quan chức Mỹ về tính an toàn của nó.
Theo quy định pháp luật Trung Quốc, các công ty trong nước có nghĩa vụ hợp tác với chính quyền trong các hoạt động tình báo, đồng nghĩa với việc dữ liệu do các công ty này nắm giữ có thể bị giám sát bởi nhà nước. Điều này khác biệt với Mỹ, nơi các cơ quan chính phủ thường phải có trát tòa hoặc lệnh khám xét để tiếp cận dữ liệu của các công ty công nghệ.
Văn phòng Thống đốc Hochul cho biết quyết định cấm DeepSeek xuất phát từ nghi ngại ứng dụng này có thể thu thập dữ liệu người dùng và đánh cắp bí mật công nghệ. Lệnh cấm cũng là một phần trong Đạo luật Giám sát Quy trình Ra quyết định Tự động của Chính phủ (LOADinG Act) mà bà Hochul ký vào tháng 12 năm ngoái.
Đạo luật trên thiết lập các tiêu chuẩn nghiêm ngặt đối với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong các cơ quan nhà nước, bao gồm yêu cầu về giám sát của con người, tính minh bạch và đánh giá rủi ro.
Chỉ một tuần trước, Quốc hội Mỹ cũng đã giới thiệu một dự luật lưỡng đảng nhằm cấm DeepSeek trên các thiết bị của chính phủ liên bang, với lý do lo ngại về nguy cơ gián điệp. Hạ nghị sĩ Darin LaHood (Đảng Cộng hòa - Illinois), người đề xuất dự luật cùng với Hạ nghị sĩ Josh Gottheimer (Đảng Dân chủ - New Jersey), tuyên bố:
"Cuộc đua công nghệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc không phải là điều nước Mỹ có thể chấp nhận thất bại. Mối đe dọa an ninh quốc gia từ DeepSeek - một công ty có liên hệ với chính quyền Trung Quốc, là điều đáng báo động".
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Josh Hawley (Đảng Cộng hòa - Missouri) đã đề xuất một dự luật khác vào cuối tháng 1 nhằm cấm hoàn toàn người Mỹ tải xuống các mô hình AI của Trung Quốc như DeepSeek. Ông cho rằng: "Mỗi USD và mỗi gigabyte dữ liệu chảy vào AI Trung Quốc đều có thể trở thành công cụ chống lại nước Mỹ".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản bác những lo ngại này, cho rằng đây là sự tiếp nối của những tranh cãi trước đó xung quanh TikTok - nền tảng mạng xã hội thuộc sở hữu của ByteDance (Trung Quốc), vốn đã bị Mỹ thông qua một lệnh cấm còn nhiều điểm chưa rõ ràng.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Quách Gia Khôn, tuyên bố trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh hôm thứ Năm: "Chính phủ Trung Quốc luôn coi trọng và bảo vệ hợp pháp quyền riêng tư cũng như an ninh dữ liệu. Trung Quốc chưa từng và sẽ không bao giờ yêu cầu các công ty hay cá nhân thu thập hoặc lưu trữ dữ liệu trái pháp luật".