New Zealand đóng cửa biên giới, khuyến cáo công dân không đi du lịch nước ngoài
Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters ngày 19/3 đã ra thông báo khuyến cáo tất cả công dân nước này không nên đi du lịch nước ngoài do lo ngại dịch COVID-19 đang bùng phát trên khắp thế giới.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Đại dương, ông Peters cho biết đây lần đầu tiên Chính phủ New Zealand ra khuyến cáo trên do mức độ nghiêm trọng của tình hình dịch bệnh tại thời điểm hiện nay.
Ngoài khuyến cáo trên, Chính phủ New Zealand cũng ra lệnh cấm ngay lập tức các cuộc tụ họp trong nhà với quy mô lên tới trên 100 người, ngoại trừ nơi làm việc, trường học, trường đại học, siêu thị và giao thông công cộng.
Bộ trưởng Peters cũng kêu gọi tất cả người dân New Zealand hiện đi du lịch nước ngoài xem xét trở về nước ngay lập tức khi nhiều nước đang đóng cửa biên giới để đối phó với tình trạng bệnh dịch.
Cũng trong nỗ lực phòng chống dịch COVID-19 lây lan nhanh trong nước, ngày 19/3, New Zealand thông báo đóng cửa biên giới đối với tất cả người nước ngoài kể từ đêm 19/3. Thủ tướng Jacinda Ardern, tại cuộc họp báo, đã khẳng định công dân và những người cư trú dài hạn có thể trở về, song phải cân nhắc trước khi các hãng hàng không trên thế giới quyết định hủy các chuyến bay.
Sáng 19/3, New Zealand đã xác nhận thêm 8 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số các ca mắc COVID-19 tại nước này lên 28. Tất cả các trường hợp này đều trở về từ nước ngoài trong thời gian gần đây và hiện chưa có ca nhiễm chéo nào trong cộng đồng nào được phát hiện.
Cùng ngày, Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) cho biết hệ thống ngân hàng nước này có đủ tiền mặt để đáp ứng nhu cầu trong bất kỳ tình huống nào, giải quyết những lo ngại về tiền mặt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang hoành hành.
Trong một tuyên bố, Trợ lý Thống đốc ngân hàng RBNZ Christian Hawkesby khẳng định ngân hàng dự trữ đủ lượng tiền mặt thay thế trong hai năm để bơm vào hệ thống trong trường hợp cần thiết.
Theo quan chức này, các ngân hàng và các công ty của New Zealand giao dịch tiền mặt cũng như các công ty cung cấp thiết bị chuyển tiền đều sẵn sàng hoạt động trong mọi tình huống, kể cả những "môi trường bất thường" mà dịch bệnh COVID-19 có thể gây ra.
Ngân hàng Trung ương Australia hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục
Ngày 19/3, Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) đã hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục là 0,25%. Đây là lần thứ hai RBA hạ lãi suất trong tháng này.
Trong thông báo đưa ra sau cuộc họp, RBA nêu rõ ngân hàng sẽ không siết chặt chính sách cho đến khi đạt được mục tiêu về lao động và lạm phát. Ưu tiên hiện nay của RBA là hỗ trợ việc làm, thu nhập và các doanh nghiệp để khi cuộc khủng hoảng y tế bị đẩy lùi, Australia sẽ sẵn sàng cho sự phục hồi mạnh mẽ. Bên cạnh đó, RBA cũng sẽ hỗ trợ tín dụng cho các ngân hàng ở mức cố định là 0,25% trong 3 năm. Số tiền này ước tính vào khoảng 90 tỷ USD.
Trước đó, nhằm giảm bớt khó khăn về thành khoản trên thị trường trái phiếu, RBA cũng đã bơm lượng tiền kỷ lục lên tới 12,7 tỷ AUD (tương đương 7,37 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng. Ngân hàng này cũng tái khẳng định sẽ tiếp tục bơm tiền vào các thị trường tài chính. Tuy nhiên, những nỗ lực của RBA đã không ngăn được đồng AUD giảm xuống 0,5510 AUD đổi được 1 USD, mức thấp nhất kể từ cuối năm 2002. Kể từ đầu năm đến nay, đồng AUD đã mất hơn 20% giá trị, trong khi cổ phiếu sụt tới 27% trong cùng kỳ. Đây là mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khi thị trường chứng khoán bị mất tới 41% giá trị.
Các quyết định hạ lãi suất và hỗ trợ tài chính nói trên của chính quyền Australia tiếp nối hàng loạt các biện pháp kích cầu lớn do các ngân hàng trung ương, chính phủ trên khắp thế giới thực hiện từ đầu tuần này nhằm giảm nhẹ tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Cuối tuần qua, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã hạ lãi suất xuống gần mức bằng 0% thông qua việc mua lại tài sản, bơm tiền vào hệ thống. Nhiều ngân hàng trung ương cũng đã áp dụng các biện pháp tương tự.
Theo phóng viên TTXVN tại Australia, ngày 18/3 vừa qua, Chính phủ Australia tuyên bố sẽ tiến hành một gói kích cầu thứ hai nhằm hỗ trợ quốc gia sớm vượt qua cơn khủng hoảng do COVID-19 gây ra.
Theo các chuyên gia kinh tế, để tránh nguy cơ suy thoái, nền kinh tế Australia sẽ cần thêm khoảng 78 tỷ AUD (tương đương 46,8 tỷ USD), ngoài số tiền 17,6 tỷ AUD (tương đương 10,56 tỷ USD) mà Canberra đã sử dụng cho gói kích thích kinh tế ban hành vào tuần trước.
Cùng ngày, Bộ Y tế Australia thông báo trong 24 giờ qua, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này đã tăng thêm 111 ca lên 565 trường hợp, với có 6 ca tử vong và 46 trường hợp đã hồi phục. Trong bối cảnh dịch bệnh lây lan trên toàn quốc, Phó Giám đốc Cơ quan Y tế Australia Paul Kelly đã thông báo về quyết định hạn chế mua thuốc men.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds đã kêu gọi triển khai quân đội để hỗ trợ cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, khẳng định bộ sẵn sàng cử các chuyên gia làm việc với Bộ Y tế và hỗ trợ sản xuất khẩu trang.