Nga-Ả Rập Saudi 'hài lòng' về hợp tác giữ ổn định thị trường dầu toàn cầu
Hai bên đã nhất trí tăng cường trao đổi trong các lĩnh vực hợp tác cụ thể và xem xét 'triển vọng hợp tác giữa Ả Rập Saudi và nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS).
Theo đài RT, ngày 21/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman đã có cuộc điện đàm, thảo luận về quan hệ song phương cũng như thỏa thuận của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) nhằm hạn chế sản lượng dầu.
Thông báo của Điện Kremlin nêu rõ hai bên đã bày tỏ hài lòng về mức độ hợp tác song phương nhằm mang lại sự ổn định cho thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Điện Kremlin nhấn mạnh cuộc trao đổi mang tính xây dựng và nhiều thông tin. Hai bên đã nhất trí tăng cường trao đổi trong các lĩnh vực hợp tác cụ thể và xem xét “triển vọng hợp tác giữa Ả Rập Saudi và nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS).
Cuộc điện đàm diễn ra sau khi đầu tháng này, nhóm OPEC+ đã bất ngờ quyết định tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu khoảng 1,16 triệu thùng/ngày để phòng ngừa những bất ổn trên thị trường thế giới.
Theo đó, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Kuwait, Iraq, Oman và Algeria lần lượt thông báo tự nguyện cắt giảm 144.000 thùng/ngày, 128.000 thùng/ngày, 211.000 thùng/ngày, 40.000 thùng/ngày và 48.000 thùng/ngày kể từ tháng 5 đến hết năm nay.
Trong khi đó, Ả Rập Saudi tuyên bố giảm sản lượng dầu thô thêm 500.000 thùng/ngày kể từ tháng 5 tới cho đến hết năm 2023.
Nga cũng tuyên bố rằng mức cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày mà nước này đang thực hiện trong giai đoạn tháng 3-6/2023 sẽ được tiếp tục cho đến cuối năm nay. Động thái của Nga đưa tổng lượng cắt giảm của OPEC+ lên hơn 1,66 triệu thùng/ngày.
Trước đó vào tháng 10/2022, OPEC+ đã quyết định cắt giảm sản lượng tổng cộng 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11/2022 đến hết năm 2023 nhằm hỗ trợ cho giá dầu vốn ngày một sụt giảm trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu yếu đi.
Quyết định hôm 2/4 đưa tổng mức giảm sản lượng của OPEC+ lên khoảng 3,66 triệu thùng/ngày, chiếm khoảng 3,6% trong tổng nhu cầu dầu toàn cầu.
Giới phân tích quốc tế đánh giá nguyên nhân then chốt đằng sau động thái mới nhất của OPEC+ là việc giá dầu đã lao dốc nhanh chóng vào đầu năm 2023, do thị trường lo ngại chính sách thặt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và nguy cơ kinh tế thế giới rơi vào suy thoái.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo việc OPEC+ cắt giảm sản lượng sâu có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt nguồn cung dầu và gây tổn hại cho người tiêu dùng. Cụ thể, người tiêu dùng phải đối mặt với tình trạng tăng giá nhu yếu phẩm cơ bản và những hạng mục có giá trị cao hơn như ôtô, nhà đất…