Nga cậy lợi thế chiếm lĩnh thị trường hydro toàn cầu, châu Âu gọi tên Azerbaijan, hành động ngay lập tức

Nga có kế hoạch tận dụng các lợi thế như trung tâm lục địa Á-Âu, trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn, cơ sở hạ tầng sẵn có và mối quan hệ với các đối tác nước ngoài để nắm thị phần lớn trên thị trường hydro toàn cầu. Châu Âu nên làm gì?

Châu Âu phải hành động ngay để tránh kế hoạch dồn ép thị trường hydro của Nga. (Nguồn: Euronews)

Châu Âu phải hành động ngay để tránh kế hoạch dồn ép thị trường hydro của Nga. (Nguồn: Euronews)

Hydro xanh, với đặc tính được sản xuất từ gió hoặc theo các phương pháp bền vững khác, có thể là một phần giải pháp cho an ninh năng lượng trong tương lai của châu Âu. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraine (từ tháng 2/2022) đã vẽ lại bản đồ năng lượng châu Âu cũng như cách châu lục này nhìn nhận về mối quan hệ với Moscow.

Sự phụ thuộc quá mức của châu Âu vào hydrocarbon từ Nga về dầu, than và trên hết là khí đốt trở nên rõ ràng hơn vào thời điểm xung đột Moscow-Kiev nổ ra.

Vào thời điểm nào đó, sau khi xung đột kết thúc, Nga chắc chắn sẽ cố gắng lấy lại vị thế kinh tế thông qua hàng hóa, trong đó có năng lượng. Điện Kremlin đang dựa vào lợi thế vị trí ở trung tâm lục địa Á-Âu, điều sẽ khiến họ trở thành trung tâm địa kinh tế của thế kỷ XXI.

Chọn xe tăng chiến đấu hay hydro?

Nga vốn đã có một số lựa chọn về vấn đề này. Ví dụ, Moscow có kế hoạch sản xuất 1/3 lượng khí heli của thế giới.

Nổi tiếng với việc được sử dụng trong khinh khí cầu, khí heli có tầm quan trọng đặc biệt. Nó là một mặt hàng mang tính chiến lược đến mức ngay từ những năm 1920, Mỹ đã bắt đầu dự trữ sản phẩm này.

Hiện tại, ít nhất Nga đã đặt mục tiêu vào một mặt hàng thay thế hoàn toàn. Nước này có kế hoạch tận dụng trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn, cơ sở hạ tầng hiện có và mối quan hệ với các đối tác nước ngoài để nắm giữ cổ phần lớn trong thị trường hydro toàn cầu.

Với mục tiêu chiếm 1/5 thị trường toàn cầu vào năm 2030, Moscow đang đồng thời tăng cường sản xuất cả vũ khí và hydro.

Hydro xanh, với đặc tính được sản xuất từ gió hoặc theo các phương pháp bền vững khác, có thể là một phần giải pháp cho an ninh năng lượng trong tương lai của châu Âu.

Trong bối cảnh này, lục địa già nên lo ngại bởi các nước thành viên còn hạn chế về năng lực sản xuất. Một nghiên cứu gần đây của Liên minh châu Âu (EU) đã đặt câu hỏi liệu việc sản xuất hydro xanh ở Đức có khả thi hay không?

Ở những nơi khác trong khối, rõ ràng, đầu tư cho hydro xanh đã bị tụt hậu. Một nghiên cứu cho thấy, mục tiêu hydro xanh của Vương quốc Anh sẽ yêu cầu sử dụng một nửa công suất năng lượng gió ngoài khơi của quốc gia này.

Trong khuôn khổ Tuần lễ hydro (ngày 20-24/11) tại Brussels, Bỉ, ngày 21/11, Ủy ban châu Âu (EC) đã ra mắt ngân hàng hydro. Mục tiêu là hỗ trợ sự phát triển bền vững của nguồn tài nguyên này nhằm bổ sung và phát triển cơ cấu năng lượng của châu Âu.

EC đang đề xuất huy động 800 triệu Euro (871 triệu USD) từ quỹ của EU để phát triển hydro xanh và thúc đẩy các nhà sản xuất sử dụng nguồn năng lượng này.

Tuy nhiên, tất cả mới đang ở giai đoạn khởi đầu, vì vậy, nhập khẩu vẫn là giải pháp khả thi duy nhất hiện nay. Dù vậy, mua từ đâu mới là câu hỏi cần được quan tâm.

Azerbaijan có thể cung cấp giải pháp thay thế?

Đầu năm nay, một công ty năng lượng của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và công ty dầu khí quốc gia Azerbaijan - SOCAR, đã ký một thỏa thuận năng lượng quan trọng.

Cả hai đều là những nhà sản xuất dầu và khí đốt nổi tiếng, nhưng điều bất thường là thỏa thuận này chỉ tập trung vào năng lượng gió ngoài khơi và hydro xanh. Khi bao gồm các dự án năng lượng Mặt trời và gió trên bờ, dự án sẽ tạo ra 4 gigawatt điện.

Azerbaijan đã chứng tỏ mình là đối tác đáng tin cậy của châu Âu về khí đốt tự nhiên, vì vậy, việc trở thành đối tác cho nhu cầu đa dạng hóa nguồn năng lượng cũng như nhu cầu hydro xanh của châu lục cũng có ý nghĩa đối với quốc gia này.

Đất nước vùng Kavkaz vốn là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên quan trọng và với kinh nghiệm có được, Azerbaijan nhanh chóng tìm kiếm thị trường cho nguồn cung điện gió ngoài khơi.

Đường dây truyền tải điện ngầm qua Biển Đen sẽ đưa điện của Azerbaijan tới Georgia, Romania và Hungary. Để xuất khẩu hydro xanh, mạng lưới đường ống rộng khắp nối Azerbaijan với châu Âu đã được xây dựng.

Tầm quan trọng của dầu sẽ giảm

Ngược lại, UAE tìm cách khẳng định mình là quốc gia dẫn đầu trong số các thành viên Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) giàu dầu mỏ trong quá trình chuyển đổi hậu carbon. Quốc gia này đã khởi động Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) với tư cách là chủ nhà và cam kết đầu tư 300 tỷ USD vào các dự án nhằm tăng gấp ba lần sản lượng năng lượng tái tạo.

Công ty Năng lượng tương lai Abu Dhabi (Masda), một công ty năng lượng tái tạo thuộc sở hữu nhà nước UAE dự kiến sản xuất 1 triệu tấn hydro xanh vào năm 2031 và 0,4 triệu tấn hydro xanh còn lại được sản xuất bằng khí tự nhiên.

COP28 cũng đáng chú ý vì đưa hydro xanh vào chương trình nghị sự toàn cầu. Chủ tịch được chỉ định của COP28, ông Sultan Al Jaber, đồng thời là chủ công ty dầu khí quốc gia Adnoc, đã công bố kế hoạch toàn cầu nhằm tăng gấp đôi sản lượng hydro xanh vào năm 2030. Châu Âu nên hành động ngay bây giờ để tránh chi phí cao hơn sau này.

Người ta không cần phải là một nhà kinh tế dầu mỏ mới hiểu được rằng, nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, dầu mỏ sẽ ngày càng trở nên ít quan trọng hơn về mặt địa chính trị.

Suy cho cùng, phần lớn nền kinh tế thế kỷ XIX đều dựa vào dầu cá voi - từng là nhiên liệu thắp sáng chủ yếu của Mỹ và châu Âu. Tương tự, thế kỷ XX đã chứng kiến nhiều “cú sốc dầu mỏ” tàn phá các nền kinh tế trên khắp châu Âu.

Và trong thế kỷ XXI, hydro xanh sẽ được gọi tên. Châu lục này cần chuẩn bị cho điều đó ngay bây giờ.

(theo Euronews)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nga-cay-loi-the-chiem-linh-thi-truong-hydro-toan-cau-chau-au-goi-ten-azerbaijan-hanh-dong-ngay-lap-tuc-252966.html