Nga có các lựa chọn nào thay thế cho cảng Tartus ở Syria?
Các chuyên gia nhận định chỗ đứng của Nga tại Địa Trung Hải đang trở nên không chắc chắn khi tương lai của căn cứ Tartus ở Syria vẫn còn bỏ ngỏ.
Tiến sĩ Sidharth Kaushal và Edward Black, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh (RUSI) có trụ sở tại Anh mới đây nhận định rằng, chỗ đứng của Nga tại Địa Trung Hải đang trở nên không chắc chắn khi tương lai của căn cứ Tartus ở Syria vẫn còn bỏ ngỏ.
Trong diễn biến mới nhất, chính quyền chuyển tiếp của Syria hôm 21/1 đã chính thức chấm dứt hợp đồng đầu tư 49 năm với công ty Nga Stroytransgaz tại cảng Tartus trên Địa Trung Hải. Vào năm 2019, chính quyền cũ tại Syria đã ký hợp đồng đầu tư với Stroytransgaz để mở rộng cảng Tartus. Nga cam kết đầu tư ít nhất 500 triệu USD trong vòng 4 năm, nhưng các quan chức Syria cho biết các cam kết này đã không được thực hiện đầy đủ.
Tầm quan trọng của cảng Tartus
Cảng Tartus, căn cứ hải quân duy nhất của Nga ngoài lãnh thổ Liên Xô cũ, có vai trò quan trọng trong chiến lược quân sự và địa chính trị của Moskva. Từ năm 1977, cảng này đã được Nga sử dụng làm trung tâm hậu cần, đặc biệt là trong chiến dịch can thiệp quân sự tại Syria năm 2015.
Căn cứ này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp cận khu vực, nhưng sự sụp đổ của chính quyền Assad tại Syria hồi đầu tháng 12/2024 đã đặt ra nhiều câu hỏi về số phận lâu dài liên quan đến sự hiện diện quân sự của Nga tại đây. Các lựa chọn thay thế như Libya và Algeria chỉ là giải pháp hạn chế và mang tính chính trị cao.
Căn cứ Tartus không chỉ là một điểm dừng chân cho hải quân Nga mà còn là một trung tâm hậu cần chiến lược, hỗ trợ cho các hoạt động quân sự của Nga tại Sudan và Tây Phi. Việc duy trì quyền tiếp cận tại đây là ưu tiên hàng đầu của Moskva, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với phương Tây. Dù có những lo ngại về khả năng bị buộc phải rút quân, việc hợp tác với chính quyền mới ở Syria cho thấy rằng Nga vẫn có thể duy trì sự hiện diện tại Tartus trong thời gian tới.
Sự hiện diện của Nga ở Địa Trung Hải không chỉ phụ thuộc vào căn cứ Tartus mà còn vào các yếu tố địa chính trị phức tạp. Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù có mối quan hệ tốt với Nga, lại là một trở ngại lớn trong việc tiếp cận Biển Đen thông qua eo biển Bosporus. Điều này càng làm tăng thêm nhu cầu cần có một căn cứ vững chắc ở Địa Trung Hải để hỗ trợ cho hạm đội hải quân của Nga.
Các lựa chọn thay thế cho căn cứ Tartus
Một đồng minh truyền thống của Nga sẽ là Algeria. Nước này nhận được khoảng 85% thiết bị quân sự và đào tạo từ Nga. Do đó, Algeria có thể cung cấp cơ sở hạ tầng cần thiết cho hải quân Nga. Tuy nhiên, những khó khăn chính trị gần đây liên quan đến các hoạt động của Nga ở Mali có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận. Mặc dù Algeria có 13 cảng thương mại lớn, việc thiết lập một căn cứ hải quân thường trực vẫn gặp nhiều thách thức.
Ngoài ra, Hải quân Algeria đang vận hành tàu ngầm lớp Kilo và các cơ sở được xây dựng để hỗ trợ chúng cũng có thể phục vụ cho các tài sản hải quân của Nga. Nhưng bất kỳ cơ sở bảo trì nào cũng chỉ có thể thay thế một phần cho cơ sở do Nga sở hữu ở Tartus, vì việc tiếp cận sẽ phụ thuộc vào chính sách của Chính phủ Algeria và có thể cần phải đàm phán theo từng trường hợp cụ thể.
Quan hệ với Sudan cũng có thể mở ra cơ hội cho Nga thiết lập một căn cứ ở Biển Đỏ. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán về việc này diễn ra chậm chạp và chưa có kết quả cụ thể nào. Cảng Sudan dù có thể hỗ trợ một sự hiện diện khiêm tốn của Nga nhưng cũng không thể thay thế hoàn toàn căn cứ Tartus.
Tại Libya, khu vực phía Đông nước này, dưới sự kiểm soát của Tướng Khalifa Haftar, có thể là một lựa chọn khả thi cho Nga. Việc thiết lập một chỗ đứng lâu dài hơn ở đây sẽ giúp Nga duy trì ảnh hưởng tại Bắc Phi và hỗ trợ các hoạt động quân sự. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng hạn chế và rủi ro chính trị từ các bên liên quan khác như Thổ Nhĩ Kỳ cũng là vấn đề cần cân nhắc.
Các chuyên gia tại RUSI lưu ý, nếu Nga mất quyền tiếp cận tại Tartus, họ sẽ vẫn là một thế lực lớn ở khu vực, nhưng sự hiện diện sẽ bị giảm đi đáng kể. Các thỏa thuận tiếp cận tại Algeria hay Libya sẽ chỉ là những giải pháp tạm thời và không thể thay thế được vị trí chiến lược mà Tartus mang lại. Hơn nữa, việc phụ thuộc vào các đối tác không hoàn toàn thân thiện như chính quyền cũ của Syria sẽ gia tăng rủi ro chính trị cho Moskva trong tương lai.
Nhìn chung, tương lai hiện diện quân sự của Nga ở Địa Trung Hải phụ thuộc vào khả năng duy trì quyền tiếp cận tại Tartus cũng như khả năng khai thác các lựa chọn thay thế khác trong bối cảnh địa chính trị ngày càng phức tạp.