Nga có thể đã tịch thu 50 tỷ USD tài sản của doanh nghiệp nước ngoài trong 3 năm
Theo tờ báo kinh tế Kommersant của Nga, trong 3 năm qua, nhà chức trách Nga có thể đã tịch thu số tài sản trị giá tổng cộng 3,9 nghìn tỷ rúp - tương đương khoảng 50 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại - của các công ty nước ngoài đang hoạt động tại nước này...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters
Doanh nghiệp nước ngoài tại Nga đối mặt nguy cơ bị tịch thu tài sản kể từ khi Moscow bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine vào tháng 2/2022. Tuy nhiên, với lý do vì sự ổn định chiến lược và an ninh nội địa, Chính phủ Nga được cho là đang chú ý tới cả tài sản của doanh nghiệp trong nước.
Quy mô tịch thu tài sản lớn như vậy cho thấy Moscow đang dịch chuyển nền kinh tế từ trạng thái tương đối mở sang mô hình “pháo đài”
NSP Law Firm khuyên các chủ doanh nghiệp nên tìm cách xử lý mọi điểm yếu tiềm năng có thể được nhà chức trách dùng để làm cơ sở tịch thu tài sản, bao gồm hộ chiếu hoặc có mối liên hệ kinh tế với các quốc gia mà Nga phân loại là “không thân thiện” - nói chung là gần như toàn bộ các nền kinh tế phương Tây.
Công ty luật này cũng khuyến nghị các chủ doanh nghiệp cân nhắc việc hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp quốc doanh.
Trong số tài sản bị tịch thu 3 năm qua, khoảng 1,54 nghìn tỷ rúp bị tịch thu thuộc về các công ty chiến lược, 1,07 nghìn tỷ rúp bị tịch thu trong các vụ tham nhũng, 385 tỷ rúp vì cáo buộc vi phạm luật tư nhân hóa và 621,5 tỷ rúp của các vụ khiếu nại về quản lý kém hiệu quả.
Sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991 mở ra kỳ vọng rằng Nga sẽ chuyển đổi trở thành nền kinh tế thị trường mở tự do, hội nhập vào nền ninh tế toàn cầu. Trong 8 năm đầu lãnh đạo đất nước, Tổng thống Nga Vladimir Putin ủng hộ hoạt động kinh tế định hướng thị trường, đặt kỳ vọng vào doanh nghiệp tư nhân và đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.
Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2008, kinh tế Nga đạt quy mô 1,8 nghìn tỷ USD, tăng từ chỉ 200 tỷ USD vào năm 1999. Trong giai đoạn từ năm 2008-2022, kinh tế tăng lên quy mô 2,3 nghìn tỷ USD trong bối cảnh nước này chịu nhiều biện pháp trừng phạt của phương Tây sau khi Moscow tiến hành sáp nhập vùng Crimea của Ukraine vào năm 2014.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine đầu năm 2022, nước này hứng chịu một loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây và trải qua giai đoạn suy giảm kinh tế ngắn. Sau đó, chi tiêu quân sự lớn và nguồn thu ổn định từ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ đã giúp nền kinh tế Nga duy trì mức tăng trưởng cao và trụ vững.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nền kinh tế này bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu báo động về sự suy yếu trong bối cảnh lạm phát cao và ngân sách chịu áp lực lớn do các khoản chi quân sự khổng lồ.