Nga có thể cho dừng hoạt động các lò phản ứng hạt nhân của Mỹ. Hai nhà nghiên cứu Matt Bowen và Paul Dabbar tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu Đại học Columbia đã viết về điều này trong một bài báo gửi cho tờ The Hill.
Ngày nay, các chính trị gia phương Tây nhận thức rõ họ phụ thuộc vào nguồn cung cấp dầu và khí đốt của Nga như thế nào. Tuy nhiên, ít người chú ý đến vai trò quan trọng của Nga trong thị trường năng lượng hạt nhân toàn cầu.
Chính vì vậy, có một số phân đoạn của chuỗi thương mại mà Liên bang Nga được dự báo là đủ khả năng gây ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân.
Nhiều đồng minh của Mỹ có các lò phản ứng do Nga sản xuất, chúng đang hoạt động hoặc đang được xây dựng, bao gồm Phần Lan, Cộng hòa Séc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước tình hình chính trị căng thẳng, nhiều nước có nguy cơ mất nguồn cung cấp nguyên liệu thành phần cho các lò phản ứng hạt nhân từ Liên bang Nga.
Kịch bản như vậy dự báo sẽ dẫn đến việc ngừng hoạt động của nhiều nhà máy điện hạt nhân ở Mỹ và châu Âu, hai chuyên gia viết. Tuy nhiên đây chưa phải là mối nguy hiểm chính đe dọa phương Tây.
“Các công ty sản xuất khác nhau có thể thay thế những bộ phận linh kiện theo thời gian. Một vấn đề quan trọng hơn là chuỗi cung ứng nhiên liệu uranium”, bài báo viết.
Hiện tại Nga chỉ chiếm 6% sản lượng uranium trên thế giới. Tuy nhiên quốc gia này kiểm soát 40% thị trường chuyển đổi uranium, cụ thể là biến đổi uranium oxide thành uranium hexafluoride, dạng khí cần thiết cho quá trình làm giàu.
Trong uranium tự nhiên, hàm lượng của đồng vị U-235 là 0,7%, và quá trình làm giàu tăng giá trị này lên 3 - 5% - mức cần thiết cho hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân. Thật không may cho Mỹ và các đồng minh, Nga chiếm tới 46% năng lực làm giàu uranium của thế giới.
Như hai chuyên gia Bowen và Dabbar đã viết, phần lớn trong số 439 lò phản ứng trên toàn thế giới yêu cầu nhiên liệu từ uranium đã được làm giàu, bao gồm cả những lò phản ứng tại Mỹ.
“Thực tế phũ phàng là nếu Nga ngừng cung cấp uranium đã làm giàu cho các công ty năng lượng của Mỹ, thì Washington có thể phải đối mặt với hậu quả liên quan đến hoạt động của các lò phản ứng, có thể là trong năm nay hoặc năm sau".
"Điều này có thể dẫn đến việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân. Trong trường hợp này, giá điện sẽ thậm chí còn tăng cao hơn mức chúng ta thấy hiện nay với mức lạm phát kỷ lục”, ấn phẩm The Hill cho biết.
Washington cần phải có hành động khẩn cấp để giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga. Ví dụ, một nhà máy chuyển đổi ở Mỹ đã ngừng hoạt động trong nhiều năm vừa nhận kế hoạch hoạt động trở lại với một nửa công suất của nó.
Tuy nhiên đây mới chỉ là một nửa của trận chiến, vì uranium vẫn cần được làm giàu. Để đạt được mục tiêu đó, Mỹ và các công ty năng lượng tư nhân có thể khám phá chiến lược mở rộng sản xuất và công nghệ để thay thế nguồn cung cấp của Nga càng nhanh càng tốt.
Ngoài ra, Mỹ cần dây chuyền nhiên liệu 100% uranium của riêng mình cho vũ khí hạt nhân cũng như các lò phản ứng trên hàng không mẫu hạm của Hải quân Mỹ.
Các chuyên gia viết rằng hiện nay Lầu Năm Góc dựa vào nguồn dự trữ uranium được làm giàu của chính mình, "Đây là một phần mong manh khác trong nguồn cung cấp nhiên liệu hạt nhân của Mỹ cần được xem xét lại".
Bạch Dương