Nga: Điều kiện đàm phán hòa bình Ukraine có từ năm 2022
Điện Kremlin cho biết, cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp với Ukraine dựa trên dự thảo thỏa thuận từ năm 2022.
Điện Kremlin ngày 11/5 cho biết, đề xuất đàm phán hòa bình mới giữa Nga và Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin sẽ dựa trên dự thảo thỏa thuận từng bị hủy bỏ năm 2022 và tình hình thực tế hiện nay, trong đó Nga kiểm soát gần 20% lãnh thổ Ukraine.
Theo cố vấn chính sách đối ngoại của Điện Kremlin, ông Yuri Ushakov, dự thảo năm 2022, còn gọi là "Tuyên bố Istanbul", được soạn thảo trong các cuộc đàm phán ban đầu sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine tháng 2 năm đó.
Dự thảo này đề xuất Ukraine chấp nhận trạng thái trung lập vĩnh viễn và từ bỏ việc gia nhập NATO để đổi lấy các đảm bảo an ninh quốc tế từ năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ) cùng với các quốc gia khác như Belarus, Canada, Đức, Israel, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Toàn cảnh điện Kremlin nhìn từ xa. (Ảnh: Reuters)
Thỏa thuận này về cơ bản nhằm ngăn Ukraine gia nhập các khối quân sự, đồng thời buộc các quốc gia bảo trợ can thiệp nếu Nga tấn công – điều có thể kéo cả Mỹ và đồng minh vào đối đầu trực tiếp với Moskva.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đổ vỡ vào tháng 5/2022. Các quan chức Nga từ lâu đã lập luận rằng một thỏa thuận có thể đạt được dựa trên các điều khoản của Tuyên bố Istanbul. Ông Steve Witkoff, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng đã đề cập đến dự thảo năm 2022 như một hướng khả thi cho các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai.
Các quan chức Ukraine bày tỏ sự nghi ngờ về ý định của Moskva, nhấn mạnh rằng Nga phải chấm dứt mọi hành động thù địch và cho thấy cam kết thực sự đối với hòa bình trước khi bất kỳ bước ngoại giao nào có thể tiến hành.
Cũng trong hôm nay 11/5, Giáo hoàng Leo XIV có bài phát biểu đầu tiên trước công chúng tại Quảng trường Thánh Peter. Ông kêu gọi "nền hòa bình đích thực và lâu dài" ở Ukraine và lệnh ngừng bắn ở Gaza. Giáo hoàng Leo XIV kêu gọi các cường quốc trên thế giới "không còn chiến tranh nữa".
Tân Giáo hoàng cho biết ông mang trong lòng “nỗi đau khổ của người dân Ukraine thân yêu” và kêu gọi đàm phán để đạt được “hòa bình đích thực, công bằng và lâu dài”, tiếp nối truyền thống của cố Giáo hoàng Francis, người đã kêu gọi đàm phán giữa Ukraine và Nga để chấm dứt chiến tranh và nhiều lần lên án cái chết vô nghĩa của thường dân.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nga-dieu-kien-dam-phan-hoa-binh-ukraine-co-tu-nam-2022-ar942676.html