Nga không dùng USD trong giao dịch thương mại

Ngoại trưởng Nga khẳng định Mỹ không còn đảm bảo vai trò của đồng tiền quốc gia trên thị trường toàn cầu.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố hôm thứ Sáu rằng Moscow sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ thương mại với các nước “thân thiện” và tăng cường sử dụng tiền tệ quốc gia, cắt giảm tỷ trọng của đồng đôla Mỹ.

Theo nhà ngoại giao hàng đầu, Moscow không có ý định làm suy yếu vai trò toàn cầu của đồng tiền Mỹ, nhưng chính Washington đang làm điều đó.

 Ảnh minh họa: RT.

Ảnh minh họa: RT.

“Rõ ràng là chúng tôi không phát triển đường lối của mình theo hướng chống lại Mỹ, chống lại phương Tây. Không phải là chúng tôi muốn “nhấn chìm” vị thế của USD. Mỹ không còn đảm bảo vai trò toàn cầu của nội tệ của mình”, ông Lavrov chia sẻ với các sinh viên tại Viện Quan hệ Quốc tế Nhà nước Moscow (MGIMO).

Ông lưu ý rằng trước các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga đã bắt đầu rời xa thanh toán bằng đôla và ngày càng sử dụng tiền tệ quốc gia. Ông Lavrov nhấn mạnh, hiện tại, không có loại tiền tệ dự trữ nào - đồng euro, đồng yên và đồng đôla - là đáng tin cậy.

Ông cũng nói với khán giả rằng kim ngạch thương mại của Liên minh kinh tế Á-Âu (EEU) do Nga đứng đầu, bao gồm Kazakhstan, Belarus, Armenia và Kyrgyzstan, đang tăng lên, với tỷ trọng tiền tệ quốc gia và các loại tiền tệ 'thân thiện' khác ở đó lên tới 76% vào năm 2022. Tỷ lệ đó dự kiến sẽ tăng hơn nữa, đạt 90% trong năm nay.

Tóm lại, Bộ trưởng nói rằng Nga sẽ phát triển hợp tác với những quốc gia “sẵn sàng cho điều đó, trên cơ sở quyền bình đẳng và tìm kiếm sự cân bằng công bằng về lợi ích”. Ông chỉ rõ rằng các tổ chức như CSTO, CIS, EEU, BRICS và SCO nói riêng, hoạt động “trên cơ sở đồng thuận”.

Theo nhiều nguồn tin, đồng USD đang duy trì một xu hướng tăng giá mạnh, không chỉ đi ngược lại các dự báo ở Phố Wall hồi đầu năm cho rằng bạc xanh sẽ suy yếu trong năm nay, mà còn phản bác những lời kêu gọi về phi đôla hóa nổi lên gần đây...

Theo nhiều chuyên gia, đồng USD không bị mất giá như dự báo. Đồng USD được hỗ trợ thêm sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell - tại hội nghị ngân hàng trung ương thường niên ở Jackson Hole - để ngỏ khả năng tiếp tục tăng lãi suất nhằm đưa lạm phát về mục tiêu 2%.

Sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ sau 11 lần nâng lãi suất của Fed là cơ sở để thị trường không loại trừ khả năng Fed sẽ giữ lãi suất cao hơn lâu hơn, và kỳ vọng này chính là động lực phía sau xu hướng tăng của đồng USD thời gian qua.

Trước đó, trong năm nay, đồng bạc xanh đã có những đợt giảm giá do kỳ vọng rằng Fed sắp dừng thắt chặt chính sách tiền tệ và xoay trục sang nới lỏng vì lạm phát ở Mỹ bắt đầu xuống thang sau khi lập đỉnh ở mức hơn 9% vào mùa hè năm ngoái.

Những đợt giảm giá đó của USD diễn ra trong bối cảnh những đối thủ địa chính trị của Mỹ như Trung Quốc và Nga có nhiều nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc vào USD trong giao dịch thương mại, thanh toán quốc tế và dự trữ ngoại hối.

Tuy nhiên, dữ liệu do tổ chức thanh toán quốc tế SWIFT công bố vào tuần trước cho thấy đồng USD chưa bao giờ giữ vai trò quan trọng trong thương mại và thanh toán quốc tế như hiện nay.

Theo số liệu của tổ chức này, 46% thanh toán thực hiện qua nền tảng SWIFT trong tháng 7 năm nay là thanh toán bằng USD, một tỷ lệ cao kỷ lục. Cũng theo SWIFT, tỷ lệ thanh toán quốc tế bằng Nhân dân tệ tăng nhẹ, trong khi tỷ lệ của đồng Euro giảm.

Cũng trong tuần trước, nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - đã họp thượng đỉnh ở Nam Phi, với một trong những nội dung được đề cập là thiết lập một đồng tiền chung của nhóm nhằm thay thế cho đồng USD. Tuy nhiên, tuyên bố của hội nghị cho thấy các nước thành viên BRICS bất đồng về việc thiết lập một đồng tiền như vậy.

Trên thực tế, cuộc tranh luận về phi đôla hóa không phải là một hiện tượng mới, nhưng gần đây thu hút sự chú ý lớn hơn khi Trung Quốc, Nga và một số quốc gia khác đẩy mạnh nỗ lực nhằm giảm bớt việc sử dụng USD trong giao dịch thương mại và thanh toán quốc tế.

Lê Na (Theo RT)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nga-khong-dung-usd-trong-giao-dich-thuong-mai-post262982.html