Nga mở lại chuỗi cửa hàng 'Beryozka' huyền thoại thời Liên Xô

Ngày 3/8, Chính phủ Nga đã thông qua quyết định mở lại các cửa hàng miễn thuế đặc biệt nổi tiếng thời Liên Xô tại thủ đô Moskva và thành phố St. Petersburg.

Một cửa hàng Beryozka huyền thoại thời Liên Xô. Ảnh: RT

Một cửa hàng Beryozka huyền thoại thời Liên Xô. Ảnh: RT

Hãng tin RT cho biết Chính phủ Nga đã quyết định mở hai cửa hàng đặc biệt như thế tại thủ đô Moskva, thành phố St. Petersburg và những người có một số giấy tờ phù hợp theo qui định có thể mua hàng.

Các cửa hàng này bán rượu, thuốc lá, bánh kẹo, đồ mỹ phẩn, đá quí, điện thoại thông minh và đồng hồ đeo tay. Tại đó, khách hàng có thể sử dụng cả đồng ruble lẫn ngoại tệ để thanh toán.

Theo RT, các cửa hàng này gợi nhớ lại chuỗi cửa hàng “Beryozka” huyền thoại thời Xô Viết.

Quyết định của Chính phủ Nga được thông qua ngày 27/7 và các phương tiện truyền thông công bố rộng rãi thông tin này hôm 3/8. Quyết định sẽ có hiệu lực từ ngày 27/8, song hiện chưa rõ các cửa hàng này sẽ khai trương vào thời điểm đó hay muộn hơn. Địa điểm chính xác của hai cửa hàng mô hình “Beryozka” huyền thoại vẫn đang được nhà chức trách cân nhắc.

Phát biểu với tờ Parliamentary Gazette, Thượng nghị sĩ Nga Vladimir Dzhabarov hồi tưởng: “Thời Liên Xô, những người bạn của tôi làm việc ở nước ngoài, có những cửa hàng dành riêng cho các nhà ngoại giao được hưởng những mức giảm giá nhất định. Các cửa hàng này cho phép giới ngoại giao thỏa sức mua những mặt hàng mà hạ không thể nhập khẩu hay mua ngoài thị trường”.

Các nhà ngoại giao nước ngoài, thành viên gia đình họ, nhân viên làm cho các tổ chức quốc tế có thể mua đồ tại những cửa hàng miễn thuế này, miễn là họ có thể chứng minh được giấy tờ phù hợp theo qui định của Bộ Ngoại giao Nga. Giá cả sẽ được niêm yết bằng đồng ruble, đồng euro và đôla Mỹ.

Ý tưởng mở các cửa hàng nói trên làm nhiều người nhớ lại chuỗi cửa hàng bán lẻ huyền thoại “Beryozkas” xuất hiện tại Liên Xô những năm 1960. Những cửa hàng “Beryozkas” đầu tiên được mở năm 1961 tại các sân bay Sheremetyevo và Vnukovo ở thủ đô Moskva, tiếp theo là tại các khách sạn nổi tiếng “Ukraine” and “Leningrad”.

Sau đó, chuỗi cửa hàng Beryozkas xuất hiện tại hầu hết thủ đô các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây, cũng như tại các khu du lịch nghỉ dưỡng hàng đầu như Sochi, Sevastopol và Yalta... Các cửa hàng này bán đa dạng hàng hóa, bao gồm cả hàng hóa xa xỉ thời đó, như rượu ngoại, quần áo, đồ trang sức. Tuy nhiên, không giống hiện nay, các cửa hàng Beryozkas thời Liên Xô không chấp nhận thanh toán bằng đồng ruble. Sau khi Liên Xô sụp đổ, chuỗi cửa hàng Beryozkas được tư nhân hóa và dần tuyên bố phá sản vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước do làm ăn không hiệu quả.

Cơ sở của dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Cơ sở của dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Thông tin trên xuất hiện trong bối cảnh kinh tế Nga đã trải qua giai đoạn khó khăn, chủ yếu bởi các đòn trừng phạt của phương Tây. Một báo cáo dài 118 trang của các chuyên gia kinh doanh và nhà kinh tế từ Đại học Yale của Mỹ, được công bố vào cuối tháng 7, cho thấy nền kinh tế Nga đã bị tổn hại nặng nề bởi các lệnh trừng phạt, cũng như việc Nga bị loại khỏi hoạt động kinh doanh quốc tế kể từ khi diễn ra cuộc xung đột tại Ukraine.

Theo báo cáo trên, mặc dù Moskva đã có thể thu về hàng tỷ USD từ việc bán năng lượng với giá cao, nhưng các dữ liệu chưa được công bố cho thấy nhiều hoạt động kinh tế trong nước của Nga đã sụt giảm kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2. Báo cáo cho biết: “Những phát hiện trong phân tích kinh tế toàn diện của chúng tôi về Nga là rất mạnh mẽ và không thể chối cãi: nền kinh tế Nga đã bị tê liệt hoàn toàn ở mọi cấp độ”.

Trong phiên giao dịch sáng 1/8 tại thị trường Moskva, đồng ruble của Nga đã giảm giá xuống mức thấp nhất trong 3 tuần qua so với đồng USD. So với đồng euro, đồng ruble giảm tới 1,9% và giao dịch ở mức 63,66 ruble/euro. Mặc dù giá dầu thô cao và thặng dư tài khoản vãng lai lớn trong tuần trước nhưng đồng ruble vẫn mất khoảng 7% giá trị so với "đồng bạc xanh".

Người đứng đầu bộ phận đầu tư tại công ty môi giới Locko Invest, ông Dmitry Polevoy, cho biết đồng ruble suy yếu dần là do kết thúc kỳ tính thuế và cổ tức. Kỳ nộp thuế này - khi mà các doanh nghiệp xuất khẩu thường chuyển đổi nguồn thu ngoại tệ để thanh toán các khoản nợ trong nước - đã kết thúc vào tuần trước.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nga-mo-lai-chuoi-cua-hang-beryozka-huyen-thoai-thoi-lien-xo-20220804074320843.htm