Nga mong muốn Ấn Độ quay trở lại chương trình Su-57E
Sau khi New Delhi rút khỏi dự án phát triển tiêm kích tàng hình Su-57E vào năm 2018, Nga vẫn hy vọng Ấn Độ sẽ quay trở lại chương trình này.
Tại triển lãm hàng không quân sự ở Ấn Độ chuẩn bị diễn ra, đã có những thông tin từ phía Nga rằng, rằng nếu các đối tác Ấn Độ quyết định tiếp tục tham gia dự án và đặt hàng, họ sẽ có thể nhanh chóng nhận được máy bay chiến đấu mới.
Hơn nữa, việc sản xuất Su-57E có thể được thực hiện tại doanh nghiệp Ấn Độ Hindustan Aeronautics Limited (HAL), nơi Su-30MKI hiện đang được sản xuất.
Đề xuất của phía Nga không chỉ bao gồm việc chuyển giao công nghệ nhanh chóng và tổ chức lắp ráp tại các cơ sở của Ấn Độ mà còn bao gồm việc tham gia phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm AMCA (Máy bay chiến đấu hạng trung tiên tiến) của Ấn Độ.
Moscow sẵn sàng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ cho dự án đầy tham vọng này, vốn có tầm quan trọng chiến lược đối với Ấn Độ.
Nga và Ấn Độ có lịch sử hợp tác quốc phòng lâu dài, nhưng chương trình xây dựng máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm chung đã gặp phải nhiều khó khăn.
Chương trình hợp tác nghiên cứu và chế tạo (FGFA) Su-57E giữa Nga và Ấn Độ đã chính thức đổ vỡ vào năm 2018, khi không quân Ấn Độ cho rằng loại máy bay này không đáp ứng được các yêu cầu kỹ - chiến thuật cần thiết.
Ấn Độ nhiều lần phàn nàn rằng đặc tính kỹ chiến thuật của PAK FA (nay là Su-57) không được như quảng cáo, thậm chí số lỗi kỹ thuật mà Nga che giấu còn lớn hơn cả F-35 trong khi năng lực tác chiến còn xa mới tương đương với F-35 chưa chưa nói tới F-22 của Mỹ.
Ấn Độ cho rằng bỏ ra một khoản ngân sách lớn đầu tư cho chương trình này là không xứng đáng và “quá đắt đỏ”.
Tháng 6/2013, Nga đã hoàn thành hợp đồng giai đoạn đầu trị giá 295 triệu đô la phác thảo các đặc điểm kỹ thuật cùa FGFA.
Thời điểm đầu năm 2017 là triển khai hợp đồng giai đoạn hai. Nội dung hợp đồng này là thiết kế máy bay tiêm kích theo những yêu cầu của phía Ấn Độ. Giá trị hợp đồng giai đoạn hai được đánh giá vào khoảng 4 tỷ đô la Mỹ đối với mỗi bên tham gia dự án.
Đến cuối năm 2017, bắt đầu rộ lên tin đồn New Delhi sắp hết kiên nhẫn khi công việc thiết kế FGFA gần như đứng yên tại chỗ trong khi chi phí đã lên tới mức không thể kiểm soát.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân cực kỳ quan trọng khác khiến Ấn Độ chán nản chính là Nga không rõ ràng trong việc chia sẻ thành tựu nghiên cứu, bất chấp việc New Delhi mới là nhà tài trợ chính.
Điều này trái ngược với tiêm kích F-35 khi Mỹ sẵn sàng chia sẻ công nghệ và cho các nhà tài trợ được sản xuất loại máy bay này ngay trong nước.
Trước đó, ngày 9/3/2017, Ấn Độ đã ra một tối hậu thư bất ngờ cho phía Nga. Trong thư, Ấn Độ thông báo sẽ chỉ tiếp tục tham gia vào dự án chung chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ 5 FGFA trị giá nhiều tỷ đô la Mỹ với Nga trong trường hợp Nga chấp nhận 2 điều kiện.
Thứ nhất, phía Nga phải chuyển giao toàn bộ công nghệ để sau đó Ấn Độ tự mình hiện đại hóa những máy bay trên nhằm tích hợp với các loại vũ khí mới. Thứ hai phía Nga phải hỗ trợ Ấn Độ trong dự án máy bay chiến đấu AMCA hiện đang do các chuyên gia công nghiệp hàng không Ấn Độ thực hiện.
Mọi việc tưởng như đã được giải quyết khi sau đó giới chức quốc phòng hai nước có cuộc làm việc để thống nhất các điều khoản bổ sung.
Tuy nhiên sau đó có vẻ yêu cầu 50 cải thiện khác nhau đối với FGFA từ Ấn Độ, bao gồm việc trang bị radar quan sát 360 độ và động cơ mạnh mẽ hơn nữa là quá sức của Moscow vào thời điểm này.
Đỉnh điểm là sau màn thể hiện của Su-57 khi nó được mang sang Syria "thử lửa" năm 2017. Việc chỉ góp mặt có vỏn vẹn 2 ngày rồi rút về nước theo nhận định là vì máy bay đã phát sinh nhiều lỗi.
Sau khi rút khỏi dự án, Ấn Độ muốn Nga tự phát triển FGFA một mình và họ sẽ cân nhắc trong thời gian tiếp theo, hoặc mua những tiêm kích này sau khi nó đã được biên chế trong không quân Nga.
Hiện nay phía Nga nhấn mạnh rằng Su-57E đã vượt qua giai đoạn tinh chỉnh và sẵn sàng cho sản xuất hàng loạt và giao hàng xuất khẩu.