Nga, Mỹ là những nước chịu ảnh hưởng lớn từ Đạo luật hạn chế khí metan của EU

Luật hạn chế khí metan đối với hoạt động nhập khẩu dầu khí từ năm 2030 có thể tác động đến các quốc gia xuất khẩu khí đốt lớn như Mỹ, Algeria và Nga.

Ảnh: AP

Ảnh: AP

Nhằm cụ thể hóa các cam kết bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua luật hạn chế khí metan đối với hoạt động nhập khẩu dầu khí từ năm 2030. Đây được xem là động thái vô cùng quan trọng, góp phần giảm thiểu lượng khí thải nhà kính tác động tiêu cực đối với môi trường.

Khí metan, thành phần chính của khí tự nhiên, là một trong những khí thải nhà kính mạnh nhất, có khả năng gây hiệu ứng nhà kính cao gấp 25 lần so với khí CO2 trong vòng 100 năm đầu tiên sau khi thải ra khí quyển. Việc rò rỉ khí metan từ các đường ống dẫn dầu khí, cơ sở hạ tầng và hoạt động khai thác là nguồn phát thải khí metan đáng kể, góp phần gia tăng hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Nhận thấy tác hại đặc biệt nghiêm trọng của khí metan, EU đã thống nhất thông qua luật mới nhằm kiểm soát hiệu quả lượng khí thải này. Theo quy định hiện tại, từ năm 2030, các nước EU sẽ áp đặt giới hạn "giá trị mật độ khí metan" đối với nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.

Ngoài ra, Ủy ban châu Âu (EC) cũng sẽ chịu trách nhiệm xác định mức giới hạn cụ thể. Các nhà nhập khẩu vi phạm quy định có thể phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt tài chính. Bên cạnh việc kiểm soát nguồn nhập khẩu, các quy định hiện hành cũng yêu cầu các nhà sản xuất trong khu vực EU thực hiện kiểm tra định kỳ hoạt động sản xuất để phát hiện và khắc phục kịp thời rò rỉ khí metan.

Đạo luật vừa được EU thông qua được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích cho môi trường và an ninh năng lượng của EU. Việc giám sát chặt chẽ lượng khí metan thải ra sẽ góp phần đáng kể vào mục tiêu chung của EU trong việc chống biến đổi khí hậu.

Trên thực tế, đạo luật kể trên của EU cũng gián tiếp tác động đến các quốc gia xuất khẩu khí đốt lớn trên thế giới như Mỹ, Algeria và Nga... Các nhà cung cấp sẽ cần áp dụng các biện pháp kiểm soát khí metan hiệu quả hơn để đáp ứng tiêu chuẩn của EU, đồng thời đảm bảo an ninh nguồn cung cho khu vực.

Phía Mỹ được cho là đã hoan nghênh luật mới của EU, cũng như đặt ra quy định riêng yêu cầu các công ty dầu khí hạn chế lượng khí thải metan.

Sự hợp tác quốc tế trong việc kiểm soát khí metan là vô cùng quan trọng. Việc EU tiên phong trong việc áp dụng luật hạn chế khí metan sẽ tạo động lực cho các quốc gia khác cùng chung tay hành động, góp phần bảo vệ môi trường.

Bình An

REU

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/nga-my-la-nhung-nuoc-chiu-anh-huong-lon-tu-dao-luat-han-che-khi-metan-cua-eu-711987.html