Ngã ngửa về những tiệm bánh ăn kiêng, hóa ra khách hàng bấy lâu vừa bị 'chặt chém', vừa không giảm cân
Mới đây, phóng sự 'Ngã ngửa khi biết sự thật về những tiệm bánh 'không đường' của VTV24 ngay sau khi lên sóng đã khiến dư luận không khỏi xôn xao bàn tán bởi những chiêu trò kinh doanh 'thất đức' của một số cửa hàng gắn mác 'bánh ăn kiêng'.
"Tiền mất tật mang"... vì bánh ăn kiêng
"Bánh không đường", "Tiệm bánh ăn kiêng", không khó để tìm thấy những nơi bán hàng thế này trên mạng xã hội. Thậm chí có tiệm còn quảng cáo "bánh an toàn cho người tiểu đường, thai kỳ...".
Theo VTV, trục lợi từ xu hướng hạn chế ăn đồ ngọt, đồ ăn có đường, nhiều đơn vị bán các sản phẩm với mác "không đường" nhưng thực chất là "có đường", không chỉ khiến người dùng chẳng giảm được cân, mà còn hại cho người tiểu đường, mang thai…
Theo các con số được công bố bởi các tiệm bánh, những loại bánh này thường có mức năng lượng calo vừa phải, hoặc khá thấp. Bởi vậy bánh được tin tưởng và sử dụng bởi nhiều khách hàng. Tuy nhiên, dường như sau một thời gian, trải nghiệm của họ lại không được như mong muốn.
Đương nhiên, cân nặng có thể thay đổi do nhiều yếu tố, các loại thực phẩm hấp thụ trong ngày, trong tuần. Thế nhưng, với nhiều luồng thông tin từ người sử dụng trong việc nghi ngờ về nguồn gốc; liệu chất lượng sản phẩm có như lời quảng cáo? Nhóm phóng viên VTV24 đã kiểm nghiệm bánh mua thử từ một số cửa tiệm.
Để đảm bảo tính khách quan, công bằng, phóng viên VTV24 quay lại hành trình khi nhận bánh từ shipper, cho đến khi dán lại bằng túi loại băng dính không bóc được và gửi tới Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, đảm bảo bánh luôn xuất hiện trong khung hình. Sau 7 ngày, kết quả phóng viên nhận được khá khác biệt so với con số các tiệm bánh này đã công bố trên mạng xã hội.
Đáng nói, khi kiểm nghiệm 2 hộp bánh mua từ 2 điểm bán khác nhau do một khách hàng cung cấp: loại bánh bông lan trứng muối mochi, ngoại hình na ná nhau và mang đi kiểm nghiệm cùng lúc. Kết quả con số kiểm nghiệm của hộp bánh 290 nghìn và hộp 40 nghìn lại khá giống nhau. Lượng đường và lượng tinh bột không khác biệt nhiều và cũng khác so với con số tiệm tự công bố không phát hiện đường.
Có thể thấy, với việc gắn mác "bánh ăn kiêng", một chiếc bánh có đường bình thường đã được "thổi giá" cao gấp hơn 7 lần. Ấy vậy, khách hàng mất tiền nhưng cân không giảm, lại còn gây nguy hại cho những ai đang mang thai hay mắc bệnh tiểu đường...
Làm thế nào để giảm cân hiệu quả và an toàn?
Trao đổi với Người Lao Động, PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên phó Viện trưởng viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, giảm cân an toàn không thể quá nôn nóng đốt cháy giai đoạn, vội vàng áp dụng các biện pháp giảm cân, loại bỏ mỡ thừa chưa được kiểm chứng mà chỉ qua lời chia sẻ của bạn bè, người thân dẫn đến những kết quả không được như mong đợi.
Để giảm cân mà vẫn đảm bảo cơ thể khỏe mạnh và hoạt động bình thường, cần ăn các thực phẩm có ít tinh bột, nhiều xơ và thực phẩm giàu protein.
Hạn chế ăn những loại thực phẩm có nhiều chất béo, nhiều đường, muối…; ăn đa dạng các thực phẩm để bổ sung các loại khoáng chất, vitamin, chất xơ.
Tăng cường protein không béo (không chứa chất béo bão hòa và cholesterol) giúp đem lại cảm giác no lâu, giảm thèm ăn (giúp ăn ít, không gây tăng cân). Theo các bác sĩ protein không béo còn gián tiếp đốt cháy lượng mỡ thừa khi cơ thể vận động hay chuyển hóa năng lượng, giúp thể lực dẻo dài, bền bỉ, cơ thể săn chắc hơn.
Bên cạnh chế độ ăn như đã nói ở trên, để giúp đốt cháy calo qua đó giảm cân hiệu quả, an toàn cần kết hợp tập thể dục 30 phút/ngày, chơi những môn thể thao như bơi lội, đạp xe đạp, chạy bộ…