Theo ông Marzhetsky, vấn đề Transnistria trở nên căng thẳng từ cuối thời kỳ Liên Xô, sau khi liên bang Xô viết tan rã đã dẫn tới việc Moldova giành được độc lập, nhưng đi kèm với cuộc xung đột gây ra nhiều thương vong tại Transnistria.
Những người ủng hộ ly khai tại Transnistria tuyên bố thành lập Cộng hòa Moldavian Pridnestrovian (PMR). Giao tranh giữa Chisinau và Tiraspol bắt đầu từ năm 1992 và chỉ tạm lắng khi Nga gửi lính gìn giữ hòa bình tới, bất chấp việc không được chính quyền Moldova cho phép.
Mặc dù từ ngày 1/8/1992, xung đột cơ bản lắng dịu nhưng vẫn có nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào, khi Moldova và Transnistria là hai xã hội độc lập về kinh tế và hệ thống chính trị, hai bên hướng về phương Tây và phương Đông.
An ninh tại Transnistria hiện được đảm bảo bởi Quân đội Nga cũng như quan sát viên từ nhiều quốc gia khác. Nhưng vấn đề lớn với Moskva là Nga không có biên giới chung với Moldova, trong khi Transnistria bị ngăn cách bởi Ukraine thù địch.
Tình hình trở nên căng thẳng khi Tổng thống mới của Moldova - bà Maia Sandu có quan điểm cứng rắn và kiên quyết yêu cầu Quân đội Nga phải rút khỏi Transnistria:
"Tôi nghĩ rằng ngay sau khi thành lập chính phủ, chúng ta cần thảo luận về các vấn đề tồn tại như sự hiện diện của Quân đội Nga tại Transnistria", bà Sandu nói rõ.
Trên thực tế, lập trường của Moldova và Nga về Transnistria hoàn toàn trái ngược nhau. Ngay sau khi bà Sandu được bầu làm Tổng thống, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã khẳng định: "Chúng tôi khó có thể chấp nhận lời yêu cầu khá vô trách nhiệm như vậy".
Nhưng Tổng thống Sandu tỏ ra nghiêm túc. Nếu 6 tháng trước bà chỉ có thể nói ra những sáng kiến như vậy, thì bây giờ đã nhận được đòn bẩy chính trị đích thực.
Sau chiến thắng của đảng cầm quyền Hành động và Đoàn kết (PAS) trong cuộc bầu cử quốc hội, cộng sự của Tổng thống Sandu là bà Natalia Gavrilitsa đã được bổ nhiệm làm người đứng đầu chính phủ Moldova.
Hai phụ nữ này được nhận xét đều là những chính trị gia thân phương Tây. Bà Maia Sandu có bằng Thạc sĩ của Học viện Hành chính Công Harvard. John F. Kennedy tại Cambridge, Mỹ, nơi bà nghiên cứu tất cả những điều phức tạp của quản lý.
Trong khi đó bà Gavrilitsa tốt nghiệp trường Quản lý John F. Kennedy tại Đại học Harvard, sau đó làm việc cho Công ty tư vấn quốc tế Oxford Policy Management, từng làm việc tại Ngân hàng Thế giới cũng như Ủy ban Châu Âu.
Theo ông Marzhetsky, đây là cặp bài trùng ăn ý và giờ họ đã nắm toàn bộ quyền lực ở Moldova. Chính sách ưu tiên trong đối ngoại của họ sẽ là hợp tác cùng Romania, Ukraine, Mỹ rồi mới đến Nga, nhưng vấn đề tiếp theo là gì?
Vị chuyên gia người Nga cho rằng họ sẽ phải giải quyết bằng vấn đề Transnistria, nơi đang là rào cản trên con đường hội nhập của Moldova với Romania, cũng như xóa bỏ sự hiện diện của Quân đội Nga.
Hai bà Sandu và Gavrilitsa theo nhận xét khó có thể được coi là các chính trị gia hoàn toàn độc lập, các quyết định của họ bị cho là chịu nhiều ảnh hưởng từ Berlin và đặc biệt là từ Washington.
Xét đến bản chất của mối quan hệ giữa Nga và Mỹ, ông Marzhetsky cho rằng nên mong đợi sự gia tăng áp lực chung của Moldova và Ukraine đối với Transnistria - từ phong tỏa kinh tế hoàn toàn, đến một hoạt động quân sự sử dụng Quân đội Ukraine.
Mặc dù khó xảy ra, nhưng kịch bản quân sự vẫn hiện hữu. Transnistria hiện là "gót chân Achilles" thực sự đối với Điện Kremlin, bởi vì không giống như Donbass, nơi này không có biên giới chung với Nga, và Bộ Quốc phòng Nga không có khả năng nhanh chóng hỗ trợ.
Chuyên gia Marzhesky nhận xét thêm, kịch bản quân sự ngay khi không chứng tỏ mức độ hiệu quả thì tự nó cũng là một đòn bẩy mạnh mẽ của áp lực chính trị.
Vốn đã công khai thân phương Tây, Ukraine và Moldova giờ đây sẽ bắt đầu sử dụng "quân bài Transnistria", liên tục kiểm tra xem họ có thể đi bao xa mà không gây hậu quả cho bản thân.
Vậy có cách nào để ngăn chặn điều này? Theo ông Marzhesky, Điện Kremlin sẽ cần phải xem xét lại thái độ của mình đối với Ukraine để có được quyền tiếp cận đáng tin cậy tới Transnistria.
Nga có thể quay lại chương trình nghị sự kế hoạch cũ là liên bang hóa Moldova thông qua việc trao quyền tự trị cho PMR và Gagauzia cũng như tiếp tục triển khai quân đội để đảm bảo an ninh trong khu vực.
Việt Dũng