Nga phát triển UAV chiến đấu dựa trên tiêm kích 'độc nhất vô nhị' Su-47

Nga đang có kế hoạch chế tạo một dòng UAV hoạt động trên tàu sân bay dựa trên nguyên mẫu tiêm kích nổi tiếng thời Liên Xô Su-47 'Berkut' hay còn gọi là 'Đại bàng vàng cánh ngược'.

Tiêm kích Su-47 "Berkut", sở hữu thiết kế cánh ngược độc đáo và độ cơ động cao, từng được coi là tiền thân của máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 Su-57. Tập đoàn Rostec - một tập đoàn quốc phòng thuộc sở hữu của Nhà nước Nga đã tiết lộ rằng, chiến đấu cơ này đang giúp các kỹ sư quân sự Nga chế tạo máy bay không người lái (UAV) song không cung cấp bất cứ thông tin cụ thể nào.

Tiêm kích Su-47 "Berkut" cất cánh lần đầu tiên vào tháng 9/1997, do phi công thử nghiệm Igor Votintsev của Viện Thiết kế Sukhoi điều khiển. Sau đó nó được ra mắt công chúng tại triển lãm hàng không MAKS-1999 – tại đây Su-47 đã thực hiện một chuyến bay thử nghiệm.

Tiêm kích Su-47. Ảnh: Eurasian Times

Tiêm kích Su-47. Ảnh: Eurasian Times

Quân đội Liên Xô nảy sinh ý tưởng phát triển một phiên bản tiêm kích có thiết kế đặc biệt này sau khi thu giữ được một nguyên mẫu máy bay ném bom cánh ngược Ju-287 của phát xít Đức. Để Su-47 ra đời, Viện Thiết kế Sukhoi đã phải giải quyết hàng loạt bài toán về công nghệ vật liệu, khí động học, động cơ.

Tiêm kích này đã chứng minh cách thức những thiết kế kỳ lạ trong quá khứ có thể được thực hiện có thể được kết hợp với các vật liệu hiện đại. Nga chỉ chế tạo duy nhất 1 chiếc Su-47 ‘Berkut’ và chưa từng đưa nó vào dây chuyền lắp ráp để sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, chiến đấu cơ này lại cung cấp một kho dữ liệu quan trọng cho các kỹ sư hàng không của Nga.

Hãng thông tấn TASS cho biết, kiến thức về thiết kế cánh ngược được chế tạo bằng vật liệu composite thu được trong các cuộc thử nghiệm đối với Berkut đã được sử dụng để chế tạo thiết bị bay không người lái.

So với cánh xuôi truyền thống, thiết kế cánh ngược mang lại ưu thế về lực nâng, gia tăng khả năng cơ động và phạm vi bay cận âm, cũng như giảm độ dài của đường băng cất, hạ cánh. Berkut có trần bay 18km với tốc độ leo cao 14 km/phút. Kết cấu khí động cánh liền thân cũng giúp máy bay có tỷ số nâng lớn. Thiết kế khí động dạng này sau đã trở thành tiêu chuẩn của các dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 trên thế giới.

Tuy nhiên, báo cáo không đề cập đến mức độ kỹ thuật được sử dụng trong quá trình phát triển máy bay không người lái của Nga. Nhiều người cho rằng, quá trình chế tạo Su-47 đã sản sinh ra những kiến thức giúp ích rất nhiều cho ngành hàng không Nga trong việc tạo ra các máy bay hiện đại.

Trước đây, Berkut nhận được rất nhiều sự quan tâm của giới truyền thông và các chuyên gia quốc phòng phương Tây trong quá trình phát triển. Nhiều chuyên gia quân sự từng cho rằng, Berkut sẽ trở thành máy bay chiến đấu của thế kỷ XXI và các báo cáo về kế hoạch sản xuất hàng loạt chiến đấu cơ này đã được công bố rộng rãi.

“Berkut là một máy bay thử nghiệm được thiết kế để tìm ra cách bố trí, các giải pháp kỹ thuật và công nghệ như một phần công việc phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới”, TASS lưu ý.

Hạn chế của tiêm kích Su-47

Hầu hết khung thân Su-47 sử dụng vật liệu composite được xử lý đặc biệt, cho phép máy bay giữ những tính năng khí động học ưu việt và khả năng tàng hình. Việc sử dụng vật liệu composite cho phép tạo ra những bộ phận có độ cứng cao. Ngày nay composite được sử dụng rộng rãi trong sản xuất máy bay. Vào thời điểm đó, Berkut đã thiết lập nền tảng để phát triển các công nghệ này, đây là một cột mốc thực sự theo tiêu chuẩn của những năm 1990.

Su-47 sử dụng vật liệu tổng hợp composite được xử lý kỹ để chống lại hiện tượng momen xoắn rất lớn tại góc chữ V giữa cánh và thân máy bay. Tuy vậy, cánh của Su-47 vẫn tiềm ẩn nguy cơ gãy rời khỏi thân bất cứ lúc nào nếu bay với tốc độ quá cao.

Bên cạnh đó, cánh quét ngược cũng có một số nhược điểm đáng kể. Máy bay cánh quét ngược có đặc điểm là khó giữ ổn định khi bay. Khi nó bay với tốc độ cao, đôi cánh sẽ chịu áp lực lớn. Dù cực kỳ linh hoạt trong việc cua nhanh, nhưng máy bay lại dễ gặp vấn đề khi giữ đà ở những đoạn cua dài.

Máy bay được dự đoán sẽ di chuyển với vận tốc Mach 2, song đến thời điểm hiện đại tốc độ nhanh nhất của nó được ghi nhận là Mach 1.65. Dù còn nhiều hạn chế như thiếu ổn định về thiết kế và giá thành đắt đỏ, nhưng công nghệ của Su-47 đã đóng góp đáng kể vào việc phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Su-57 của Nga. Tiêm kích này cũng cho phép các nhà sản xuất máy bay Nga thử nghiệm các khái niệm quan trọng và thu thập thông tin.

Theo VOV

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nga-phat-trien-uav-chien-dau-dua-tren-tiem-kich-doc-nhat-vo-nhi-su-47-2067744.html