Thông tin nói trên được Tổng giám đốc Tập đoàn đóng tàu thống nhất - ông Alexei Rakhmanov cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng thông tấn RIA Novosti, như vậy sau nhiều tranh cãi thì số phận con tàu đã được quyết định
Ban đầu Bộ Quốc phòng Nga đặt hàng nhà máy Yantar đóng mới loạt 6 khinh hạm thuộc Dự án 11356M, nhưng chỉ có 3 chiếc đã hoàn thiện để bàn giao, đó là tàu Đô đốc Grigorovich, Đô đốc Essen và Đô đốc Makarov.
Nguyên nhân bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng với Ukraine vào năm 2014 khiến kế hoạch trên bị gián đoạn, do không có động cơ vì lệnh trừng phạt từ Kiev khiến việc chế tạo 3 khinh hạm còn lại bị kẹt trong giai đoạn đóng thân tàu.
Vào năm 2018, Nga cho biết 2 trong số 3 khung thân còn lại sẽ được hoàn thiện theo cấu hình xuất khẩu của khinh hạm Dự án 11356 để bán cho Hải quân Ấn Độ, số phận chiếc cuối cùng vẫn chưa rõ ràng.
Tới tháng 2/2021, Nhà máy Yantar cho biết không loại trừ khả năng họ sẽ hoàn thiện nốt tàu còn lại để cung cấp cho Hải quân Nga bởi dù sao đây vẫn là một chiến hạm tốt và có lượng giãn nước ở mức khá.
Tổng Giám đốc Yantar - ông Ilya Samarin lưu ý rằng vỏ tàu vẫn trong tình trạng tốt, mọi thứ đều có sẵn cho việc chế tạo, chỉ trừ động cơ và quyết định hoàn thành đóng mới của Bộ Quốc phòng Nga.
"Khinh hạm Dự án 11356M là một con tàu rất tốt, chúng tôi có thể hoàn thiện nó cho Bộ Quốc phòng Nga, chúng tôi có mọi thứ chỉ trừ động cơ. Nếu vấn đề với động cơ được giải quyết dứt điểm thì cần phải hoàn thành, giá cả sẽ có lợi cho đôi bên".
Nhưng rồi Bộ Quốc phòng và Hải quân Nga đã từ chối nhận nốt chiếc khinh hạm cuối cùng thuộc lớp này, theo giới chuyên môn thì quyết định trên nhằm tập trung nguồn lực cho việc đóng mới tàu hộ vệ tên lửa tàng hình Dự án 22350 mạnh hơn nhiều.
Như vậy nhà sản xuất có thể sẽ liên hệ với Ấn Độ để bán con tàu trên, hoặc đi tìm một khách hàng mới, nhưng điều này không dễ dàng bởi giá thành của nó vẫn được "treo" ở mức khá cao.
Tàu hộ vệ tên lửa Dự án 11356M lớp Đô đốc Grigorovich là biến thể nội địa dành cho Hải quân Nga, dựa trên nguyên mẫu Dự án 11356 lớp Talwar (Krivak IV) thiết kế theo đơn đặt hàng của Ấn Độ.
Lớp chiến hạm này có lượng giãn nước tiêu chuẩn 3.620 tấn và lên tới 4.035 tấn khi mang đầy tải; chiều dài 124,8 m; chiều rộng 15,2 m; mớn nước 4,2 m; thủy thủ đoàn 200 người.
Hệ thống động lực COGAG gồm 2 động cơ turbine khí hành trình DS-71 (6.300 kW) và 2 động cơ turbine khí đẩy DT-59 (16.000 kW) cho tốc độ tối đa 30 hải lý/h (56 km/h), tầm hoạt động 4.850 hải lý (ở tốc độ 14 hải lý/h), thời gian bám biển 30 ngày.
Vũ khí của tàu gồm hải pháo A-190 cỡ 100 mm, 8 bệ phóng UKSK của tên lửa chống hạm Kalibr, 3 cụm 12 ống phóng thẳng đứng của tên lửa phòng không tầm trung Shtil-1, 2 hệ thống CIWS Kashtan, 4 ngư lôi 533 mm và 2 bệ phóng rocket RBU-6000.
Đảm nhiệm vai trò trinh sát và dẫn đường cho vũ khí là radar tìm kiếm trên không Fregat M2EM; radar điều khiển hỏa lực tên lửa chống hạm 3Ts-25E Garpun-B, radar kiểm soát bắn cho pháo JSC 5P-10E Puma FCS, radar MR-90 Orekh của tên lửa phòng không.
Bạch Dương