Nga sẵn sàng làm trung gian hòa giải xung đột Ấn Độ - Pakistan

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định Moscow sẵn sàng hỗ trợ giải quyết căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan nếu cả hai bên đồng thuận.

Thông cáo từ Bộ Ngoại giao Nga ngày 4/5 cho biết Ngoại trưởng Sergey Lavrov có cuộc điện đàm với người đồng cấp Pakistan Ishaq Dar, theo đề nghị từ phía Islamabad. Trong cuộc trao đổi, ông Sergey Lavrov nhấn mạnh Nga sẵn sàng “hỗ trợ một giải pháp chính trị nhằm làm dịu căng thẳng sau vụ tấn công ngày 22/4 tại khu vực Pahalgam, nếu cả Islamabad và New Delhi đều bày tỏ thiện chí”.

Theo RT, một ngày trước đó, Ngoại trưởng Sergey Lavrov cũng đã điện đàm với Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar. Phía Moscow kêu gọi Ấn Độ và Pakistan nên “giải quyết bất đồng thông qua con đường chính trị và ngoại giao,” dựa trên các khuôn khổ song phương đã tồn tại như Hiệp định Simla năm 1972 hay Tuyên bố Lahore năm 1999, vốn từng là nền tảng cho các nỗ lực hòa giải trước đây.

Ngoại trưởng Sergey Lavrov tại Uzbekistan ngày 23/4. Ảnh: Anadolu

Ngoại trưởng Sergey Lavrov tại Uzbekistan ngày 23/4. Ảnh: Anadolu

Căng thẳng mới nhất giữa Ấn Độ - Pakistan bùng lên sau vụ xả súng 22/4 tại khu nghỉ dưỡng Pahalgam thuộc khu vực Jammu và Kashmir - vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan, hiện do New Delhi quản lý. Vụ xả súng khiến 26 thường dân thiệt mạng, bao gồm 25 công dân Ấn Độ và một công dân Nepal.

Giới chức Ấn Độ cáo buộc các phần tử vũ trang thân Pakistan đứng sau vụ việc – cáo buộc mà Ngoại trưởng Pakistan Ishaq Dar đã nhanh chóng bác bỏ. Theo Reuters, Ấn Độ đã đình chỉ Hiệp ước Nước sông Ấn năm 1960 từ ngày 23/4 “cho đến khi Pakistan từ bỏ hỗ trợ chủ nghĩa xuyên biên giới một cách đáng tin cậy và không thể đảo ngược”.

Hiệp ước nước sông Ấn, do Ngân hàng Thế giới (WB) làm trung gian, chia đôi sông Ấn và các nhánh của dòng sông giữa hai nước và điều chỉnh việc chia sẻ nguồn nước. Hiệp ước này đã tồn tại ngay cả khi hai bên từng xảy ra chiến tranh.

Pakistan phụ thuộc lớn vào nguồn nước từ hệ thống sông Ấn chảy từ khu vực Kashmir để phục vụ nhu cầu thủy điện và tưới tiêu. Việc đình chỉ Hiệp ước sẽ cho phép Ấn Độ từ chối chia sẻ nguồn nước với Pakistan.

Lực lượng vũ trang của Ấn Độ tại khu vực Jammu và Kashmir. Ảnh: AFP

Lực lượng vũ trang của Ấn Độ tại khu vực Jammu và Kashmir. Ảnh: AFP

Về phía Pakistan, Islamabad cảnh báo rằng bất kỳ hành động nào nhằm can thiệp vào dòng chảy của các con sông theo hiệp ước nước sông ký từ nhiều thập niên trước sẽ bị xem là “tuyên chiến”.

“Bất kỳ hành động nào nhằm chiếm đoạt, ngăn chặn hoặc chuyển hướng dòng nước dành cho hạ lưu Pakistan đều sẽ bị coi là hành động chiến tranh và sẽ bị đáp trả bằng toàn bộ sức mạnh,” Đại sứ Pakistan tại Nga, ông Muhammad Khalid Jamali chia sẻ với RT ngày 3/5.

Tùng Dương

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/nga-san-sang-lam-trung-gian-hoa-giai-xung-dot-an-do-pakistan-41118.html