Nga sẽ đáp trả việc Mỹ đặt tên lửa ở Đức như thế nào?

Nga có kế hoạch triển khai tên lửa trong phạm vi có thể tấn công Tây Âu nếu Mỹ thực hiện cam kết triển khai vũ khí có năng lực tương tự ở Đức năm 2026, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay vào cuối tuần trước.

Trong khi tham dự lễ kỷ niệm Ngày Hải quân Nga vào 28/7, Tổng thống Putin cho biết Moscow sẽ tiến hành các biện pháp tương tự bằng cách triển khai những vũ khí này, vốn có thể mang đầu đạn hạt nhân khi “tính toán đến các hành động của Mỹ, các vệ tinh của nước này ở châu Âu cũng như các khu vực khác trên thế giới".

Tổng thống Putin cũng chỉ ra rằng việc Mỹ có kế hoạch triển khai tên lửa tầm trung tới Đức vào năm 2026 sẽ gây ra mối đe dọa cho Nga.

"Thời gian bay để nhắm vào các mục tiêu trên lãnh thổ chúng tôi của các tên lửa này - mà trong tương lai có thể trang bị đầu đạn hạt nhân là khoảng 10 phút", ông Putin nói.

Ảnh minh họa: Tass

Ảnh minh họa: Tass

Ngày 10/7, Nhà Trắng cho biết Mỹ đang lên kế hoạch bắt đầu triển khai theo từng giai đoạn các tên lửa theo quy ước tới Đức vào năm 2026. Tuyên bố này cũng thông báo, "các đơn vị khai hỏa tầm xa theo quy ước sẽ bao gồm SM-6, Tomahawk và các vũ khí siêu thanh có tầm hoạt động xa hơn đáng kể so với hỏa lực phóng từ mặt đất hiện tại ở châu Âu".

Hiện vẫn chưa rõ Moscow sẽ sử dụng hay triển khai loại tên lửa nào, Nikolai Sokov, một học giả cấp cao tại Trung tâm Giải trừ quân bị và Không phổ biến vũ khí Vienna, người chuyên nghiên cứu về việc kiểm soát vũ khí và tên lửa Nga nhận định với Defense News. Theo ông, tên lửa Kalibr phóng từ mặt đất là một lựa chọn "rõ ràng", đồng thời cho biết "nó sẽ dễ dàng phát triển và thử nghiệm cho kịp thời điểm năm 2026". Việc tăng tầm hoạt động của tên lửa Iskander hoặc làm hồi sinh dự án Rubezh bị gác lại có lẽ cũng sẽ được cân nhắc.

Các tên lửa Iskander đang được bố trí tại Kaliningrad và Belarus trong khi các hệ thống tầm xa hơn có thể được đặt sâu hơn trong lãnh thổ Nga, tăng thời gian cảnh báo sớm với cả hai bên.

"Ngoài ra còn có tên lửa hành trình 9M729 mà Mỹ tin rằng được đưa vào hoạt động trong những năm 2010", Michael Duitsman, học giả nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí James Martin tại California nói.

Ông chỉ ra rằng, Tổng thống Putin đã đề cập rõ ràng đến lực lượng bờ biển trong bài phát biểu ngày 28/7, trong đó bao gồm lực lượng pháo binh bờ biển.

"Quân đội Nga đã sử dụng 2 hệ thống Bal và Bastion để tấn công các mục tiêu trên mặt đất của Ukraine. Với các tên lửa Oniks-M, đơn vị Bastion đặt tại Kaliningrad về lý thuyết có thể tấn công toàn bộ Ba Lan ngoài nhiệm vụ chống hạm của nó", ông Duitsman nói, đồng thời cho rằng cả hai hệ thống có thể được nâng cấp với các tên lửa tăng tầm hoạt động.

Mỹ và Liên Xô năm 1987 đã ký Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân Tầm trung (INF), cấm các loại vũ khí có tầm hoạt động từ 500 - 5.000km. Vào năm 1991, cả hai nước đã phá hủy toàn bộ các kho vũ khí này, ước tính tổng cộng 2.692 tên lửa. Tuy nhiên, chính quyền ông Trump đã rút khỏi hiệp ước vào đầu năm 2019, cáo buộc Nga nhiều lần vi phạm. Phản ứng trước động thái này, Nga cũng dừng tham gia hiệp ước.

Trong bài phát biểu ngày 28/7, Tổng thống Putin cho biết nếu Mỹ thực hiện kế hoạch triển khai tên lửa, Nga “sẽ tự giải phóng mình khỏi lệnh cấm đơn phương được áp đặt trước đây đối với việc phát triển vũ khí tấn công tầm trung và tầm ngắn”. Ông nói, việc tạo ra những hệ thống như vậy đang “ở giai đoạn cuối”.

"Chúng ta đang bước vào cuộc khủng hoảng tên lửa mới ở châu Âu", nhà quan sát Nikolai Sokov cho hay. Ông nhận định, không giống như ông Gorbachev, người đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của hiệp ước INF, Tổng thống Putin ít có khả năng nhượng bộ hơn. Chuyên gia Sokov nói: “Có nhiều khả năng xảy ra bế tắc và ít có khả năng đạt được thỏa thuận hơn so với trường hợp những năm 1980”.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Defense News

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/nga-se-dap-tra-viec-my-dat-ten-lua-o-duc-nhu-the-nao-post1111358.vov