Nga 'thất thế' ở Bắc Cực sau khi Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO?
Nga nhận thấy mình gặp bất lợi do 7 quốc gia trong Hội đồng Bắc Cực đều là thành viên NATO.
Sau khi Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, 7 trong số 8 thành viên của Hội đồng Bắc Cực sẽ "cùng phe" trong cuộc cạnh tranh với Nga ở khu vực này, nơi Moskva có lợi thế quân sự đáng kể trong nhiều thập kỷ qua.
Thực tế, Nga đã có ưu thế quân sự ở Bắc Cực trong nhiều thập kỷ nhưng NATO hy vọng rằng việc gia nhập gần đây của Thụy Điển và Phần Lan có thể giúp liên minh quân sự này nhanh chóng bắt kịp.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Moskva có khả năng phòng thủ tầm xa “đáng kể” và “chắc chắn là một thách thức” với NATO ở Bắc Cực. Như báo cáo của Reuters và Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), 8 trong số 11 tàu ngầm mà Nga sở hữu có khả năng phóng vũ khí hạt nhân tầm xa đều đóng tại Bán đảo Kola ở Bắc Cực.
Nga đang “đi trước” các quốc gia Bắc Cực còn lại về mặt quân sự hóa khu vực, theo Nima Khorrami, cộng tác viên nghiên cứu tại Viện Bắc Cực. Tuy nhiên, NATO đang thu hẹp khoảng cách này, ông Khorrami nói.
Là những nước chủ chốt ở Vòng Bắc Cực, Thụy Điển và Phần Lan đã và đang phát triển năng lực quân sự và phòng thủ của mình. Việc họ gia nhập NATO – vào tháng 3/2024 đối với Stockholm và vào tháng 4/2023 đối với Helsinki – có nghĩa là 7 trong số tám thành viên của Hội đồng Bắc Cực, diễn đàn liên chính phủ hàng đầu thúc đẩy hợp tác ở Bắc Cực, đều nằm trong liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu. Hội đồng Bắc Cực hiện gồm Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Anh, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ.
Đến nay, NATO vẫn chưa soạn thảo kế hoạch đưa hai thành viên mới nhất của mình vào chiến lược Bắc Cực nhưng “Nga nhận thấy mình gặp bất lợi do 7 quốc gia trong Hội đồng Bắc Cực đều là thành viên NATO”, chuyên gia Khorrami lưu ý.
Ông nói thêm: “Tư cách thành viên này cho phép họ phát triển nhận thức chung về mối đe dọa ở Bắc Cực, từ đó tạo điều kiện cho sự phối hợp tốt hơn và nhanh chóng hơn. NATO có thể triển khai các nguồn lực nhanh hơn, từ đó trở thành lực lượng hiện diện an ninh mạnh ở Bắc Cực”.
Thụy Điển và Phần Lan đến nay cũng đã phát triển “các năng lực quan trọng ở Bắc Cực”, Sophie Arts, chuyên gia thuộc Quỹ Marshall Đức của Mỹ, nói, nhấn mạnh rằng Stockholm đang tăng ngân sách quốc phòng và cân nhắc cách tăng số lượng nhân sự do căng thẳng leo thang trong khu vực. Bà Arts lưu ý thêm, trước khi gia nhập NATO, hai nước đã hợp tác với các đồng minh như Na Uy ở Bắc Cực.
Năm 2022, Thụy Điển, Phần Lan và Na Uy đã ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng với trọng tâm đặc biệt là Bắc Cực. Theo thỏa thuận, các nước đồng ý tăng cường các quy trình hoạt động chung ở vùng cực Bắc và cho phép lực lượng vũ trang của họ đẩy mạnh hợp tác.
Vùng Bắc Cực của Thụy Điển là chìa khóa cho sự phát triển của châu Âu. Công ty khai thác mỏ quốc doanh LKAB chịu trách nhiệm sản xuất khoảng 80% quặng sắt ở châu Âu. Thụy Điển cũng có tổ hợp phóng vệ tinh quỹ đạo duy nhất của EU, Esrange, đưa khối châu Âu đến gần hơn với việc cạnh tranh trong cuộc đua không gian giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga. Thụy Điển còn đang xây dựng một trung tâm dữ liệu lớn ở phía bắc nước này.
Tuy nhiên, một trong những thách thức chính của NATO trong tương lai là việc thiếu nhận thức về tình hình ở Bắc Cực khiến liên minh có nguy cơ gặp phải các mối đe dọa tiềm tàng, chuyên gia Arts cho biết. Bà nêu rõ: Một trong những câu hỏi lớn là “làm thế nào NATO có thể tích hợp các lực lượng và kế hoạch phòng thủ của mình trên các chiến trường và lĩnh vực khác nhau để đảm bảo tạo ra cách tiếp cận an ninh đa chiều (360 độ)”.
NATO “cảnh giác” với Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực
Vào tháng 10/2023, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, Đô đốc Rob Bauer, đã cảnh báo về những thách thức tiềm tàng từ Nga và Trung Quốc ở khu vực Bắc Cực, đồng thời kêu gọi liên minh tiếp tục “cảnh giác” trước những động thái bất ngờ của các đối thủ.
“Sự cạnh tranh và quân sự hóa ngày càng gia tăng ở khu vực Bắc Cực, đặc biệt là của Nga và Trung Quốc, là điều đáng lo ngại. Băng tan ở Bắc Cực đang tạo ra các tuyến đường biển mới tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của các tàu lớn và rút ngắn thời gian di chuyển. Chúng ta không thể ngây thơ và bỏ qua những kế hoạch tiềm ẩn của một số tác nhân trong khu vực”, Đô đốc Bauer nói trong Hội nghị Vòng Bắc Cực.
Ngoài những thách thức từ Nga, Trung Quốc còn tìm kiếm ảnh hưởng ở vùng cực Bắc. Bắc Kinh tự nhận mình là một quốc gia gần Bắc Cực và đang xích lại gần Nga để mở rộng khả năng tiếp cận. Năm ngoái, hai nước đã công bố hợp tác nhằm thúc đẩy phát triển Tuyến đường biển phía Bắc, một trong những tuyến đường vận chuyển chính ở Bắc Cực.
Trung Quốc và Nga cũng đã khởi động các dự án khí đốt tự nhiên chung ở Bắc Cực, mang lại cho thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) khổng lồ của Bắc Kinh một nguồn khí đốt mới. Năm 2022, tàu chiến của hai nước đã tiến hành tập trận chung ở biển Bering, nơi ngăn cách Alaska và Nga. Vào tháng 10 năm đó, Na Uy đã nâng mức cảnh báo quân sự.
Liselotte Odgaard, thành viên cấp cao tại Viện Hudson nhận định, việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sẽ mang lại lợi ích cho liên minh ở Biển Baltic nhiều hơn Bắc Cực. Do yếu tố địa lý ở Bắc Cực, các quốc gia khác như Na Uy và Đan Mạch có “trách nhiệm tuần tra hợp pháp” ở những khu vực mà Nga có thể mở rộng ảnh hưởng.
Chuyên gia Odgaard cảnh báo rằng hiện không quốc gia NATO nào có tàu ở Bắc Cực có khả năng phòng không và chống ngầm mạnh. Các tàu ngầm hạt nhân của Nga, có khả năng tiến hành một cuộc tấn công tới Bắc Mỹ, có thể di chuyển từ Biển Barents đến Greenland (Đan Mạch) mà không bị phát hiện. Điều này để lại những lỗ hổng lớn trong thế trận phòng thủ của NATO.