Nga - Thổ Nhĩ Kỳ tái hợp, 'dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ' sẽ được khơi thông!?
Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Erdogan và Tổng thống Putin diễn ra vào ngày 9/8 sẽ mở ra một trang mới trong quan hệ 2 nước. Đồng thời, cuộc gặp này kỳ vọng sẽ khơi thông 'dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ', vốn bị ngưng trệ trong thời gian qua.
Cuộc gặp lịch sử đưa quan hệ Nga – Thổ sang trang mới
Cuộc gặp gỡ song phương giữa Tổng thống Erdogan và Tổng thống Putin diễn ra vào 9/8 tại Saint Petersburg được kỳ vọng sẽ mở ra một trang mới trong quan hệ 2 nước Nga – Thổ, sau nhiều tháng “chiến tranh lạnh” vì vụ máy bay Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi hồi tháng 11 năm ngoái.
Tổng thống Erdogan khẳng định, chuyến công du của ông tới Nga lần này là một chuyến thăm lịch sử, đánh dấu một trang mới trong trong quan hệ Nga – Thổ.
Giới phân tích cũng đánh giá tầm quan trọng của cuộc gặp này, không những quyết định “số phận” của Moskva và Ankara và còn tác động mạnh tới tình hình trong khu vực cũng như mối quan hệ giữa 2 nước với phương Tây.
Tháng 6 vừa qua, Tổng thống Erdogan đã viết 2 lá thư xin lỗi Nga, sau một khoảng thời gian “nếm đủ” vì bị Moscow áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế. Tổng thống Putin sau đó đã chỉ thị cho các cơ quan chức năng xem xét nới lỏng lệnh trừng phạt mà Nga đã ban hành.
Đặc biệt, sau cuộc đảo chính bất thành đêm 15/7, quan hệ Nga – Thổ lại có những bước tiến gần nhau hơn, trong bối cảnh, Ankara liên tục chịu sự chỉ trích của phương Tây do các hoạt động truy quét và trấn áp hậu đảo chính. Việc ông Erdogan khẩn trương xúc tiến cuộc gặp với người đồng cấp Nga Putin cho thấy, Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn tìm kiếm sự ủng hộ từ phía Nga.
Chuyến thăm lần này của ông Erdogan vào thời điểm này cũng ít nhiều cho các đối tác phương Tây và cả Mỹ thấy rằng, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ lựa chọn chiến lược khác.
Đối với Nga, cuộc gặp lần này có nhiều ý nghĩa về kinh tế, vì Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác kinh tế - thương mại chủ chốt, là khách hàng tiêu thụ năng lượng quan trọng hàng đầu của Nga. Việc ngừng hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua cũng khiến Nga chịu thiệt hại đáng kể do sức ép kinh tế khá nặng nề từ phương Tây cũng như giá dầu mỏ lao dốc thảm hại.
Khơi thông dòng chảy năng lượng, nâng cao vị thế
Tờ Reuters nhận định, giới chức ngoại giao liên minh Châu Âu sẽ dõi theo từng bước trong chuyến thăm lịch sử này của ông Erdogan. Rất có thể, 2 bên sẽ đạt thỏa thuận "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ", vốn được Nga đặt rất nhiều kỳ vọng.
"Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" hay còn được coi là “vòng tránh Ukraine” là một bước ngoặt từ dự án “Dòng chảy phương Nam” (South Stream) - một trong những dự án cải thiện cơ cấu năng lượng ở châu Âu. Tuy nhiên, Nga đã buộc phải hủy dự án này vào năm 2014 do sức ép từ phía EU. Quan hệ Nga - Thổ thời điểm đó vô cùng tốt đẹp, vì thế Nga đặt nhiều kỳ vọng vào dòng chảy này.
Sở dĩ Nga kỳ vọng nhiều vào “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” vì, nó có thể sẽ chấm dứt sự phụ thuộc của Nga vào Ukraine. Nếu “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” được khai thông, Ukraine sẽ mất cơ chế và nguồn lợi từ việc trung chuyển khí đốt sang Châu Âu, kéo theo sự phụ thuộc của EU vào Gazprom sẽ tăng lên, và nguồn cung cấp khí đốt thay thế từ khu vực Caspian sẽ bị chặn, một quan chức cấp cao giấu tên của EU nhận định.
“Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” dài 1.100km gồm 4 đường ống chạy song song với công suất 63 tỷ mét khối/năm. Hệ thống đường ống này nối vào phần đường ống Nga đã xây dựng dưới đáy Biển Đen trước đây, nhưng thay vì chạy sang phía tây, vào đất Bulgarria thì nó tiếp tục chạy xuống phía nam, tới Thổ Nhĩ Kỳ rồi rẽ sang Hy Lạp, và được chuyển tới người tiêu dùng ở phía tây nam châu Âu.
Bên cạnh đó, dự án này sẽ có thêm một tuyến đường ống song song khác dành riêng cho Ankara. Trả lời phỏng vấn trên kênh Rossiya 24, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexandr Novak cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ rất quan tâm tới việc khí đốt sẽ được cung cấp trực tiếp mà không cần phải qua các nước trung chuyển, vì thế, giá khí đốt sẽ được giảm đi đáng kể.