Nga tìm ra điểm yếu xe tăng Abrams mà Mỹ chuyển cho Ukraine

Ukraine ngày 25/9 thông báo nước này đã nhận được lô xe tăng chiến đấu Abrams đầu tiên của Mỹ trong bối cảnh quân đội đang tìm cách xuyên thủng các tuyến phòng thủ kiên cố của Nga.

Abrams là loại xe tăng mới nhất trong số ba mẫu xe tăng hạng nặng mà Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chuyển giao cho Ukraine đến thời điểm hiện tại. Trước đó, Ukraine đã nhận được xe tăng Leopard do Đức sản xuất và Challenger do Anh sản xuất.

Nga có những công cụ gì để vô hiệu hóa Abrams?

Cuộc phản công của Ukraine đã mang lại cho lực lượng Nga nhiều kinh nghiệm để hiểu điều gì sẽ hiệu quả và điều gì không khi nhắm vào xe tăng hạng nặng của NATO như Abrams.

Đầu tiên, về mặt chiến lược, cuộc phản công cho thấy chỉ cần dụ xe tăng vào bãi mìn dày đặc là gần như sẽ thành công. Nhiều cuộc tấn công bằng thiết giáp của Ukraine đã thất bại sau khi xe tăng lao vào bãi mìn và hệ thống phòng thủ răng rồng.

Thứ hai, là ưu thế về số lượng và chất lượng của pháo binh và không quân. Điều này cho phép lực lượng Nga sử dụng trực thăng tấn công Ka-52 và Mi-28 để săn lùng xe tăng Ukraine bằng tên lửa dẫn đường laser.

Thứ ba, là thiết giáp của Nga với các dòng xe tăng T-72B, T-72B3M, T-80 và T-90M có sức mạnh vượt trội so với các loại thiết giáp thời Liên Xô của Ukraine và xe tăng chiến đấu chủ lực của NATO. Nga cũng có ưu thế về số lượng xe tăng, và khả năng gây nhiễu GPS có thể ngăn chặn các loại đạn dẫn đường chính xác cũng như máy bay không người lái chiến đấu của đối phương.

Thứ tư, bộ binh Nga có khả năng xuyên giáp ưu việt với các hệ thống tên lửa chống tăng vác vai như Kornet, được thiết kế đặc biệt để nhắm mục tiêu vào thế hệ xe tăng chiến đấu chủ lực mới nhất của NATO, bao gồm cả Abrams.

Rất lâu trước khi cuộc phản công của Ukraine bắt đầu, Sputnik đã cảnh báo về hiệu quả của Kornet đối với xe tăng Leopard 2A4 của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, xe chiến đấu bộ binh Abrams và Bradley của quân đội Mỹ ở Iraq và xe tăng Merkava của Israel ở Li-băng.

Xe tăng Abrams. Ảnh: AP

Xe tăng Abrams. Ảnh: AP

Điểm yếu của xe tăng Abrams là gì?

Xe tăng Abrams mà Ukraine nhận được không đạt tiêu chuẩn giống như xe tăng được quân đội Mỹ sử dụng. Chúng không được trang lớp giáp DU siêu dày để tăng cường khả năng bảo vệ cho xe tăng và tổ lái. Do đó, lực lượng Nga sẽ không gặp vấn đề gì khi sử dụng các hệ thống vũ khí nêu trên để nhắm vào chúng.

Các bên và phía sau tháp pháo, khoang động cơ của Abrams dễ bị tấn công bởi các hệ thống chống tăng vác vai, bao gồm cả Kornet đã nói ở trên, cùng với các hệ thống tương tự như Konkurs, Shturm-S và Khrizantema.

Giáp trước và đỉnh tháp pháo của Abrams rất dễ bị trực thăng Ka-52 và Mi-28 trang bị tên lửa chống tăng Shturm, Ataka và Vikhr tấn công.

Sergey Suvorov, một đại tá quân đội Nga đã nghỉ hưu cho biết bất kỳ vũ khí chống tăng hiện đại nào được trang bị cho quân đội Nga, bắt đầu từ súng phóng lựu chống tăng RPG-7, cũng đều có thể gây ra mối đe dọa cho xe tăng Abrams của Ukraine. Tương tự với bất kỳ loại pháo xe tăng nào của Nga được trang bị đạn xuyên giáp và bất kỳ tên lửa chống tăng hiện đại nào. Ông nói thêm: “Rất có khả năng máy bay không người lái sẽ có thể đánh bại những chiếc xe tăng này”.

Cuối cùng theo ông Suvorov, xe tăng Abrams – với trọng lượng lớn, khoảng 70 tấn – sẽ dễ dàng mắc kẹt dưới bùn khi trời bắt đầu mưa, và trở thành mục tiêu cho quân đội Nga.

Minh Hạnh

Theo Sputnik

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nga-tim-ra-diem-yeu-xe-tang-abrams-ma-my-chuyen-cho-ukraine-post1573045.tpo