Nga tung đòn đáp trả gói trừng phạt của EU

Ngày 22/7, Bộ Ngoại giao Nga thông báo về các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các thành viên Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia phương Tây khác nhằm đáp trả các gói trừng phạt thứ 17 và 18 của EU.

Nga-EU liên tục áp các đòn trừng phạt lẫn nhau. (Nguồn: Getty Images)

Nga-EU liên tục áp các đòn trừng phạt lẫn nhau. (Nguồn: Getty Images)

Theo hãng thông tấn RIA, Nga sẽ cấm nhập cảnh đối với nhân viên các cơ quan an ninh, tổ chức nhà nước và tư nhân, cũng như công dân các nước thành viên EU và một số quốc gia phương Tây khác có liên quan việc hỗ trợ quân sự cho Kiev.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga xác nhận: “Để đáp trả các hành động không thân thiện, Moscow đã mở rộng đáng kể danh sách các đại diện của các thể chế châu Âu, các quốc gia thành viên EU và một số nước châu Âu khác đi theo chính sách chống Nga của EU".

Danh sách còn bao gồm các quan chức trong các cơ quan EU và chính phủ các nước châu Âu liên quan việc truy cứu trách nhiệm các quan chức Nga vì cáo buộc “bắt giữ và di dời trái phép người từ các vùng lãnh thổ Ukraine”; những người thúc đẩy thành lập “tòa án” xét xử lãnh đạo Nga, kêu gọi tịch thu tài sản nhà nước Nga và sử dụng lợi nhuận từ các tài sản đó để hỗ trợ chính quyền Ukraine.

Những người liên quan các biện pháp trừng phạt, làm tổn hại quan hệ của Nga với các nước khác, các nhà hoạt động xã hội dân sự và giới học thuật nổi bật với lập trường chống Nga, nghị sĩ các nước EU và thành viên Nghị viện châu Âu từng bỏ phiếu ủng hộ các nghị quyết, dự luật chống Nga cũng nằm trong danh sách cấm nhập cảnh.

Theo bộ trên, các hành động chống Nga sẽ không ảnh hưởng đến chính sách của nước này và Moscow sẽ tiếp tục bảo vệ lợi ích của mình, đồng thời, các quyết định trừng phạt tiếp theo của EU cũng sẽ nhận được phản ứng “kịp thời và thích đáng”.

Trước đó, ngày 18/7, Hội đồng EU đã thông qua gói trừng phạt thứ 18 nhằm vào Nga, trong đó đưa hơn 50 cá nhân và tổ chức vào danh sách đen, bao gồm 22 ngân hàng Nga, các đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc, cùng nhà máy lọc dầu của công ty Rosneft tại Ấn Độ.

Gói trừng phạt cũng hạ mức trần giá dầu xuất khẩu của Moscow từ 60 USD xuống còn 47,60 USD/thùng, đồng thời cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ có nguồn gốc từ dầu thô Nga.

Bộ Ngoại giao Nga đã lên án động thái này, cho rằng EU “tiếp tục áp đặt các biện pháp đơn phương bất hợp pháp, vi phạm luật pháp quốc tế và làm suy yếu vai trò của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”.

Bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nga-tung-don-dap-tra-goi-trung-phat-cua-eu-321904.html