Nga tuyên bố xây vùng đệm an ninh dọc biên giới Ukraine, Kiev chuẩn bị cho cuộc trao đổi lớn nhất, G7 đã sẵn sàng 'sức ép tối đa' lên Moscow
Trong khi quân đội Nga đang tập trung vào nhiệm vụ xây dựng vùng đệm an ninh dọc theo toàn bộ biên giới với Ukraine, Kiev cũng đang chuẩn bị cho cuộc trao đổi tù nhân theo công thức '1.000 đổi 1.000' với Moscow.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: TASS)
Hãng thông tấn TASS ngày 22/5 đưa tin, tại cuộc họp với chính phủ, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, ông đã ra quyết định thiết lập vùng đệm an ninh cần thiết dọc biên giới.
Ông cũng xác nhận, các tỉnh Belgorod, Bryansk và Kursk của Nga vẫn đang bị pháo kích, thiết bị bay không người lái và những kẻ phá hoại tấn công.
Về phía Ukraine, trong thông báo đăng tải trên kênh Telegram ngày 22/5, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho hay, ông đã chủ trì cuộc họp chuẩn bị cho cuộc trao đổi tù nhân theo công thức “1.000 đổi 1.000” với Nga.
Theo Tổng thống Zelensky, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov đang giám sát quá trình thực thi thỏa thuận trao đổi tù binh đã đạt được với phía Nga tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hôm 16/5.
Theo ông, nhiều cơ quan của Ukraine - bao gồm Văn phòng Tổng thống, Cơ quan tình báo quốc phòng và Cơ quan an ninh - đang tham gia quá trình này.
Ông Zelensky viết: “Chúng tôi đang làm rõ thông tin chi tiết về từng cá nhân có trong danh sách do phía Nga đưa ra”, đồng thời nhấn mạnh, mục tiêu đưa những người lính Ukraine đang bị giam giữ ở Nga trở về vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Kiev.
Kể từ tháng 3/2022, Ukraine và Nga đã thực hiện 64 cuộc trao đổi tù binh, trong đó, hơn 4.700 binh sĩ Ukraine đã được trao trả.
Trong diễn biến liên quan đàm phán Nga-Ukraine, cùng ngày, Hội đồng An ninh Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nước này sẽ tiếp tục nỗ lực hòa giải và quá trình giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine đã bước vào giai đoạn "nhạy cảm".
Cuộc họp Hội đồng An ninh Thổ Nhĩ Kỳ được tổ chức dưới sự chủ trì của Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan đồng thời lưu ý rằng "Ankara - đã chủ động thúc đẩy sáng kiến để đạt được hòa bình bền vững và công bằng - sẽ tiếp tục đóng góp cho hòa bình và ổn định toàn cầu thông qua ngoại giao hòa bình và các nỗ lực hòa giải".
Trong khi đó, báo chí Canada ngày 22/5 đưa tin, Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã nhất trí sẽ “gây sức ép tối đa” đối với Nga, trong đó có việc thông qua các biện pháp trừng phạt tiếp theo, nếu Moscow phản đối những nỗ lực hướng tới lệnh ngừng bắn ở Ukraine.
Bên cạnh đó, G7 vẫn cam kết ủng hộ Ukraine bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và quyền tồn tại, cũng như sự tự do, chủ quyền và độc lập của Kiev hướng tới nền hòa bình công bằng và lâu dài.