Nga, Ukraine và Istanbul 2.0: Từng bước đến hòa đàm trực tiếp
Việc cả Nga và Ukraine cùng đang nhắm đến mục tiêu hòa đàm trực tiếp tại Istanbul thắp lên hy vọng về hòa bình giữa sau nhiều năm xung đột.
Nếu mọi việc theo đúng dự kiến và kỳ vọng, hòa đàm trực tiếp giữa Nga với Ukraine sẽ diễn ra ở thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15-5, theo đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 11-5.
Từng bước đến đàm phán trực tiếp
Ukraine và Nga đang chuẩn bị cho đợt đàm phán hòa bình trực tiếp đầu tiên kể từ mùa xuân năm 2022 - thời điểm đợt đàm phán đầu tiên hai nước xúc tiến sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine, nhưng đã nhanh chóng bị gãy đổ. Một điều được chú ý là quá trình dẫn dắt đến cuộc đàm phán dự kiến ở Istanbul vào ngày 15-5 tới lại diễn ra nhanh chóng và bất ngờ.
Ngày 7-5, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance khẳng định rằng đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine là ưu tiên hàng đầu. Ba ngày sau, vào ngày 10-5, các lãnh đạo châu Âu (Anh, Pháp, Đức) sang Kiev gặp Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky và đồng loạt kêu gọi một lệnh ngừng bắn 30 ngày bắt đầu từ ngày 12-5, cảnh báo rằng Nga sẽ đối mặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc nếu không đồng ý, theo tờ The Kyiv Independent.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: GETTY IMAGES
Trong một cuộc họp báo vào sáng sớm 11-5, Tổng thống Putin đề xuất nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp với Ukraine vào ngày 15-5 tại Istanbul. Theo đài RT, ông Putin nhấn mạnh rằng Nga sẵn sàng khởi động lại các cuộc đàm phán mà Kiev đã từ chối vào năm 2022.
Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng Moscow sẵn sàng cho các cuộc đàm phán nghiêm túc với Ukraine nhằm giải quyết triệt để những nguyên nhân gốc rễ của xung đột, hướng tới việc thiết lập nền hòa bình bền vững và lâu dài. Ông Putin không loại trừ khả năng trong quá trình đàm phán có thể đạt được một số giải pháp mới, bao gồm lệnh ngừng bắn và chấm dứt các hành động thù địch - một lệnh ngừng bắn thực sự mà cả Nga và Ukraine đều sẽ tuân thủ.
Đáp lời, Tổng thống Zelensky đồng ý cho biết Ukraine sẵn sàng gặp mặt tại Istanbul sắp tới, tuyên bố rằng ông “sẽ đợi ông Putin ở Thổ Nhĩ Kỳ” vào ngày 15-5 để đối thoại trực tiếp.
Phía Ukraine cho biết đã mời Tổng thống Mỹ Donald Trump - người hiện đang có chuyến công du Trung Đông - tới cuộc đàm phán, cho rằng sự có mặt của ông Trump sẽ tạo động lực cho ông Putin đến Istanbul.
Hiện vẫn không hoàn toàn chắc chắn liệu hai bên có tổ chức đàm phán trực tiếp vào ngày 15-5 hay không, khi nhà lãnh đạo Ukraine tuyên bố chỉ đàm phán trực tiếp với ông Putin chứ không gặp bất kỳ nhân vật nào khác từ Moscow. Điện Kremlin đến nay vẫn im lặng về khả năng Tổng thống Putin tham gia, song xác nhận rằng một đoàn đại biểu của Nga sẽ có mặt tại Istanbul vào cuối tuần này để tham gia các cuộc đàm phán.
Nghị sĩ người Pháp tại Nghị viện châu Âu Thierry Mariani nhận định rằng đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine là cách duy nhất để giải quyết xung đột, đảm bảo không chỉ một lệnh ngừng bắn mà còn mang lại hòa bình lâu dài. Ông nhấn mạnh “đã đến lúc làm điều chúng ta từng làm ở Helsinki năm 1975, tạo ra một thỏa thuận toàn diện về hòa bình và an ninh ở châu Âu”.
Cục diện chiến trường, sức ép ngoại giao
Ông Putin đưa ra đề xuất đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine trong bối cảnh giao tranh giữa hai bên vẫn rất căng thẳng.
Trong các bản cập nhật tình hình chiến sự hằng ngày, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết quân Kiev tiếp tục ngăn chặn sức ép mạnh mẽ từ quân đội Nga trên khắp các mặt trận, gồm Donetsk, Kherson, Kharkiv, Zaporizhia,... Khốc liệt nhất là tại TP Pokrovsk (Donetsk), nơi quân Ukraine phải đối phó với hàng chục đòn tiến công của Nga mỗi ngày. Tại mặt trận Kursk, quân Nga thực hiện hàng loạt cuộc không kích và pháo kích, gia tăng sức ép lên các cứ điểm của Ukraine.
Mỗi ngày, Bộ Quốc phòng Nga cũng thông báo liên tục chặn đứng các mũi đánh của Kiev, gây tổn thất nặng cho quân Ukraine. Quân Nga trên nhiều mặt trận gây ra hàng trăm thương vong cho đối phương, phá hủy hàng loạt xe cơ giới, pháo dã chiến và trạm tác chiến điện tử. Nga cũng liên tiếp tấn công các cơ sở sản xuất và kho đạn của Ukraine, đồng thời bắn hạ nhiều UAV và vũ khí hạng nặng của Kiev, theo hãng thông tấn TASS.
Trước tình hình trên, quốc tế liên tục lên tiếng kêu gọi hai bên ngồi lại với nhau tìm lối thoát cho cuộc chiến đã kéo dài hơn ba năm qua.
Tổng thống Trump đã nhiều lần gây sức ép buộc Moscow và Kiev đàm phán. Ngày 13-5, ông Steve Witkoff - đặc phái viên của ông Trump - cho biết tổng thống Mỹ đã đưa ra tối hậu thư cho cả Nga và Ukraine liên quan vấn đề đàm phán hòa bình. Theo ông Witkoff, Tổng thống Trump đã nhấn mạnh rằng Nga và Ukraine cần sớm ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp, nếu không Washington sẽ rút vai trò trung gian hòa giải.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại diễn đàn đầu tư ở Saudi Arabia ngày 13-5. Ảnh: AFP
Trung Quốc đã bày tỏ sự ủng hộ với đề xuất của Tổng thống Putin về tổ chức đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ. Theo tờ China Daily, Bắc Kinh hy vọng Nga và Ukraine sẽ tìm ra một con đường hướng tới “một thỏa thuận hòa bình công bằng, bền vững, có tính ràng buộc và được tất cả các bên chấp nhận thông qua đối thoại và đàm phán”.
Trong bài phát biểu đầu tiên sau khi được bầu làm người đứng đầu Giáo hội Công giáo, Giáo hoàng Leo XIV đã kêu gọi một “nền hòa bình thực sự và lâu dài” ở Ukraine, theo hãng tin Reuters.
Tuy có khác nhau về lập trường liên quan hòa đàm trực tiếp giữa Nga và Ukraine, song các nước châu Âu, châu Á, Mỹ Latinh và Caribe đều bày tỏ kỳ vọng rằng Moscow và Kiev có thể tìm tiếng nói chung, từ đó thiết lập nền hòa bình lâu dài cho Ukraine.
Những vấn đề Nga sẽ nêu trong đàm phán với Ukraine ở Istanbul
Thứ trưởng Ngoại giao Nga - ông Sergey Ryabkov cho biết Moscow muốn thảo luận “giải pháp ổn định lâu dài” với Kiev trong cuộc đàm phán trực tiếp dự kiến diễn ra ngày 15-5 tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), đài RT ngày 13-5 đưa tin.
Theo ông Ryabkov, các vấn đề mà Moscow mong muốn thảo luận tại cuộc gặp lần này về cơ bản không có gì mới, vẫn xoay quanh những mục tiêu đã được nêu ra trước đó, chủ yếu liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Thứ trưởng Nga nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là tìm kiếm một giải pháp bền vững, có khả năng duy trì ổn định lâu dài, đồng thời giải quyết triệt để nguyên nhân gốc rễ của xung đột Nga-Ukraine.
Ông Ryabkov cũng nêu rõ các vấn đề trọng tâm như “phi phát xít hóa” chính quyền Kiev theo quan điểm của Moscow, công nhận các tiến triển thực địa, bao gồm việc sáp nhập các vùng lãnh thổ mới vào Nga.
Ông Ryabkov dường như đang ám chỉ việc Moscow yêu cầu công nhận chủ quyền đối với bán đảo Crimea (sáp nhập vào Nga năm 2014) và bốn khu vực Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia (sáp nhập vào năm 2022).
Nguồn PLO: https://plo.vn/nga-ukraine-va-istanbul-20-tung-buoc-den-hoa-dam-truc-tiep-post849661.html