Nga ứng phó với các lệnh trừng phạt như thế nào?

Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và một số nước khác đã tung những đòn trừng phạt chưa từng có nhằm vào Nga sau khi nước này triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Theo hãng tin RT của Nga, trong thời điểm khó khăn, Moscow đã nhanh chóng đưa ra một số biện pháp ứng phó.

Biện pháp thứ nhất là sử dụng hệ thống thanh toán quốc gia Mir thay thế hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Sau khi bị ngắt kết nối khỏi SWIFT, các ngân hàng lớn của Nga gặp khó khăn khi tiếp cận thị trường quốc tế. Tuy nhiên, Nga hiện đã chấp nhận giao dịch điện tử thông qua Mir-hệ thống thanh toán thay thế của Nga và làm việc với các ngân hàng, doanh nghiệp nước ngoài để vượt qua những lệnh hạn chế của phương Tây.

Hệ thống Mir cũng cung cấp một giải pháp thay thế trong thanh toán giống như Visa và MasterCard khi hai công ty thanh toán thẻ này ngừng cung cấp dịch vụ giao dịch quốc tế cho khách hàng Nga.

Nga đang thúc đẩy sử dụng đồng ruble. Ảnh: RIA Novosti

Nga đang thúc đẩy sử dụng đồng ruble. Ảnh: RIA Novosti

Thúc đẩy sử dụng đồng ruble và mở rộng các điểm xuất khẩu mới là biện pháp thứ hai. Các lệnh trừng phạt đã nhắm vào các khoản dự trữ bằng euro và USD của Nga để loại bỏ khả năng giao dịch thương mại quốc tế của nước này.

Tuy nhiên, Moscow đang thiết lập các cơ chế thương mại cho phép thanh toán bằng đồng ruble với đối tác thương mại nước ngoài. Nga và Trung Quốc đã có cơ chế thanh toán bằng đồng ruble-nhân dân tệ. Vào đầu tháng này, Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ sẵn sàng giao dịch bằng đồng ruble.

Ngoài ra, một kế hoạch giao dịch bằng đồng ruble-rupee đã được công bố dành cho xuất khẩu dầu của Nga sang Ấn Độ. Ấn Độ đang muốn tăng cường mua dầu từ Nga. Serbia cũng vậy. Đó là dấu hiệu cho thấy Nga có những lựa chọn thay thế cho hàng xuất khẩu.

Thứ ba là bán phá giá đồng USD. Để hỗ trợ đồng ruble vốn đã bị giảm giá mạnh so với các đồng tiền chính của thế giới trong tháng này, các doanh nghiệp Nga có hoạt động kinh doanh với nước ngoài đã được lệnh bán 80% thu nhập ngoại tệ của họ và chuyển sang đồng ruble. Biện pháp này được kỳ vọng sẽ giúp ổn định đồng ruble và khuyến khích đầu tư nhiều hơn vào Nga thay vì chuyển vốn ra nước ngoài.

Thứ tư là cấm xuất khẩu để bảo đảm nguồn cung trong nước. Nga đã tạm thời cấm xuất khẩu ngũ cốc sang các nước thuộc Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU). Các hạn chế xuất khẩu bao gồm việc chuyển hàng đến các quốc gia có chung khu vực tự do hải quan với Nga như Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan. Biện pháp này nhằm mục đích duy trì dự trữ cho thị trường lương thực trong nước và kiềm chế tăng giá.

Thứ năm là tăng lãi suất để hỗ trợ đồng ruble. Vào cuối tháng 2 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Nga đã khẩn cấp nâng lãi suất cơ bản từ 9,5% lên mức kỷ lục 20% mỗi năm. Bước đi này được thực hiện để bù đắp cho rủi ro mất giá và lạm phát ngày càng tăng, hoặc đơn giản là để giúp duy trì ổn định giá cả và bảo vệ khoản tiết kiệm của công dân khỏi bị mất giá.

Cơ quan này cũng đưa ra các biện pháp bổ sung để hỗ trợ các tổ chức tín dụng, đồng thời khuyến nghị các ngân hàng không tính lãi và tiền phạt đối với các khoản vay cũng như cho phép cơ cấu lại các khoản thanh toán và tạm hoãn trả nợ.

Thứ sáu là thanh toán nợ bằng đồng ruble. Nga đã ủy quyền hai khoản thanh toán cho những người mua trái phiếu với tổng trị giá 117 triệu USD bằng ruble nếu phương án thanh toán bằng USD không được chấp thuận. Số tiền này đến từ các tài khoản của Nga đang bị đóng băng ở nước ngoài. Việc chấp thuận chuyển giao còn tùy thuộc vào Mỹ và các đồng minh.

Nếu họ không chấp thuận, Chính phủ Nga sẽ ra lệnh thanh toán khoản nợ bằng đồng ruble theo tỷ giá hối đoái chính thức của Ngân hàng Trung ương tại thời điểm chuyển tiền.

Thứ bảy là hỗ trợ công dân. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh áp dụng các biện pháp mới để hỗ trợ công dân Nga trong bối cảnh giá cả tăng cao, tỷ lệ thất nghiệp và các vấn đề nguồn cung bị ràng buộc bởi các lệnh trừng phạt. Các bước đi này sẽ tập trung vào việc bảo vệ các gia đình có trẻ em và người già.

Thứ tám là hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp. Chính phủ Nga đã thông qua dự thảo kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính quyền các địa phương đã được hướng dẫn cung cấp cho các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân và cá nhân tự kinh doanh một số biện pháp hỗ trợ, bao gồm trợ cấp và tín dụng.

Thứ chín là khuyến khích các nhà xuất khẩu chuyển hướng sang thị trường nội địa. Tổng thống V.Putin đã kêu gọi các nhà xuất khẩu của Nga không giảm sản lượng để đáp trả các lệnh trừng phạt mà hãy cung cấp cho thị trường nội địa. Điều này sẽ giữ cho giá xăng, dầu diesel, kim loại và các mặt hàng khác trong nước không tăng cao.

Biện pháp thứ mười là tìm cách giữ chân các doanh nghiệp nước ngoài. Trước sức ép trừng phạt, một số công ty nước ngoài đã thông báo tạm thời rút khỏi Nga, bao gồm IKEA, Microsoft, Volkswagen, Apple, Shell, McDonald’s, H&M và các công ty khác. Các đề xuất đã được đưa ra ở Moscow, trong đó có quốc hữu hóa các doanh nghiệp nước ngoài, để duy trì hoạt động của họ tại Nga.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu hôm 16-3, Tổng thống V. Putin cho biết, Nga sẽ tôn trọng quyền sở hữu tư nhân của các công ty nước ngoài. Trước đó, ông Putin lên tiếng ủng hộ một ý tưởng khác là giới thiệu quản lý bên ngoài. Giải pháp này sẽ tạo điều kiện để các đối tác ở Nga điều hành công ty nước ngoài.

Lâm Anh / Báo QĐND

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/quoc-te/nga-ung-pho-voi-cac-lenh-trung-phat-nhu-the-nao-55935.html