Nga và Mỹ đấu trí nghẹt thở tại Ukraine trước khi ông Trump nhậm chức
Trong khoảng 2 tháng trước khi ông Trump nhậm chức tổng thống Mỹ, chính quyền Tổng thống Biden và chính quyền Nga có nhiều động thái nhằm tác động lên kết quả xung đột Nga - Ukraine. Hai bên có những màn đấu trí và đấu sức nghẹt thở nhằm tranh giành lợi thế tại Ukraine.
Nga ra tay giành ưu thế sớm, Mỹ xuất chiêu ngăn chặn
Người ta có thể cảm nhận rõ Nga đang nỗ lực tối đa hóa thành quả của mình trên chiến trường Ukraine trong khi chính quyền ông Biden từ bỏ nhiều điều cấm kỵ trước khi ông Trump lên nắm quyền và triển khai chấm dứt cuộc xung đột Ukraine “trong vòng 24 tiếng đồng hồ”.
Dựa trên “tín hiệu đèn xanh” của Tổng thống Mỹ Biden, Ukraine đã lần đầu tiên phóng tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS vào lãnh thổ Nga (vào ngày 19/11/2024). Khi Kiev gặp khó khăn trong phòng thủ lãnh thổ phía Đông Ukraine, ông Biden cũng lần đầu tiên cam kết cung cấp cho Ukraine mìn chống bộ binh. Lý do chủ yếu mà ông Biden đưa ra cho quyết định gỡ rào tên lửa tầm xa là cáo buộc liên quân Nga - Triều Tiên được triển khai tới tỉnh Kursk của Nga nhằm đối đầu với quân Ukraine.
Nga ngày 19/11 lập tức đáp trả động thái của Mỹ bằng việc phê chuẩn học thuyết an ninh sửa đổi, trong đó ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân được hạ xuống.
Vào đầu tuần này, Nga cũng tiến hành loạt không kích lớn nhất của mình nhằm vào Ukraine trong gần như 3 tháng qua. Lo sợ sẽ có một đợt không kích nữa, một số đại sứ quán phương Tây ở Kiev đã đóng cửa.
Mykhaylo Samus - trưởng “Mạng lưới Nghiên cứu địa chính trị mới” ở Ukraine nhận định: “Tất cả đều có sự liên hệ với nhau”. Ông này cho rằng Nga đã và đang tích trữ hàng trăm tên lửa Iskander và Kinzhal trong nhiều tuần lễ cho những cuộc không kích như thế này với khả năng tác động tâm lý trước thời điểm chuyển giao quyền lực ở thủ đô nước Mỹ.
Samus nói tiếp: “Mọi thứ Nga làm đều nhằm chuẩn bị tạo thế mạnh trong đàm phán với ông Trump, để gửi đi thông điệp rằng Nga không thỏa thiệp và mọi thứ tùy thuộc vào Tổng thống Zelensky”.
Jade McGlynn thuộc Khoa nghiên cứu chiến tranh tại Đại học King’s College London bình luận: “Rõ ràng phía Nga có một nỗ lực lớn trước lễ nhậm chức của ông Trump, để tối đa hóa thế đứng của họ”. Bà McGlynn hoài nghi cao độ về khả năng ông Trump đạt được một thỏa thuận với ông Putin, và do vậy mục tiêu của phía Nga sẽ là chinh phục thật sớm mục tiêu mà họ đã đề ra.
Nếu gặp trở ngại lớn, Nga sẵn sàng tung ngón đòn hiểm hóc?
Tatiana Stanovaya thuộc Trung tâm Nga Á-Âu Carnegie cho rằng tâm trạng ở Moscow vào lúc có vẻ như là chiến thắng đã nằm trong tầm với của họ, vấn đề chỉ còn là thời gian.
Bà Stanovaya cho rằng với thông điệp cứng rắn gần đây về hạt nhân, không phải là Tổng thống Putin muốn kích hoạt Thế chiến III mà là ông ấy muốn nhắc nhở giới cầm quyền phương Tây rằng họ “đang chơi với lửa”.
Tổng thống Putin khẳng định Ukraine sẽ phải trung lập trong mọi mối quan hệ, ngay cả khi Hiến pháp Ukraine có nội dung quy định về việc gia nhập NATO và Liên minh châu Âu.
Một bài báo của Reuters hôm 20/11 dẫn lời giới chức Nga cho biết ông Putin có thể để ngỏ khả năng rút quân khỏi những vạt đất tương đối nhỏ nhưng sẽ không thể nhượng bộ thêm.
Trong một diễn biến mới đáng chú ý, không quân Ukraine cho biết, Nga ngày 21/11/2024 đã phóng một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) vào cơ sở hạ tầng trọng yếu tại thành phố Dnipro của Ukraine. Không quân Ukraine cho rằng quả tên lửa chiến lược này được phóng đi từ tỉnh Astrakhan của Nga.
Nếu thông tin về vụ phóng trên là đúng thì đây là lần đầu tiên ICBM được sử dụng trong thực chiến và đây cũng là một bước leo thang đáng kể trong xung đột Nga - Ukraine sau khi Ukraine tập kích vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa của Mỹ và Anh bất chấp cảnh báo từ Moscow.
Hãng truyền thông Ukrainska Pravda (trụ sở tại Kiev) cho biết, ICBM mà Nga vừa phóng vào Dnipro là tên lửa RS-26 Rubezh sử dụng nhiên liệu rắn, với tầm bắn lên tới 5.800km. RS-26 được thử nghiệm thành công lần đầu tiên vào năm 2012. Theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, có trụ sở ở Mỹ), ước tính tên lửa này dài 12m và nặng 36 tấn, có thể mang đầu đạn hạt nhân nặng 800kg.
Trong khi đó, cùng ngày 21/11, phát biểu trên truyền hình nhà nước, Tổng thống Nga Putin cho biết, quân đội Nga đã phóng tên lửa đạn đạo tầm xa Oreshnik phiên bản mới nhất vào một cơ sở công nghiệp quốc phòng ở Ukraine nhằm đáp trả việc Kiev dùng tên lửa Mỹ và Anh để đánh vào lãnh thổ Nga.
Ông Putin khẳng định rằng tại thời điểm hiện tại không có biện pháp nào có thể đánh chặn được tên lửa Oreshnik của Nga. Oreshnik là tên lửa đạn đạo tầm xa siêu vượt âm. Nó được cho là có tốc độ lên tới 12.300 km/h (tức 3,4km trên giây).
Nhà lãnh đạo Nga cũng khẳng định việc Ukraine dùng vũ khí tầm xa của phương Tây để tập kích sâu vào lãnh thổ Nga sẽ không thay đổi được tiến trình “chiến dịch quân sự đặc biệt” do Nga tiến hành ở Ukraine.
Tuy nhiên, theo bà Stanovaya, từ tháng 1/2025 tới đây, Tổng thống Nga Putin sẽ phải xem xét cả những nhân tố khác. “Ông ấy sẽ phải đối diện với thực tế là ông Trump sẽ quản lý nước Mỹ và chịu trách nhiệm về tình hình Ukraine. Nếu ông Putin leo thang xung đột, điều đó có thể làm giảm cơ hội đạt được một thỏa thuận. Ông ấy sẽ phải linh hoạt hơn, cởi mở hơn với những lựa chọn khác”. Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra sau tháng 1/2025 tới.
Khi Tổng thống Biden phá rào vũ khí tầm xa cho Ukraine, đội ngũ ông Trump cảm nhận rõ điều đó và đã đưa ra nhiều phản ứng.
Mặc dù bản thân ông Trump chưa phát biểu gì nhưng ứng viên của ông cho vị trí Cố vấn An ninh quốc gia, Mike Waltz, đã lên tiếng nói về “một bước leo thang nữa và chẳng ai biết chuyện này sẽ đi tới đâu”.
Donald Trump Jr (con trai của Tổng thống đắc cử Mỹ Trump) than phiền rằng đương kim Tổng thống Mỹ Biden đang cố gắng “khơi mào Thế chiến III” trước khi cha ông trở lại Nhà Trắng.
Phản ứng trước các tuyên bố này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller tuyên bố rằng “tại mỗi thời điểm chỉ có một tổng thống và khi nào tổng thống kế tiếp nhậm chức, ông ấy có thể đưa ra quyết định của riêng mình”.
Đáng chú ý, có một số đảng viên Cộng hòa ủng hộ động thái của Tổng thống Biden thuộc phe Dân chủ.