Nga và Ukraine 'lệch pha' trong đàm phán, Mỹ đối mặt thách thức lớn
Trong khi cộng đồng quốc tế đang mong ngóng cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/5, Tổng thống Putin đã gửi thông điệp rõ ràng, Nga đang giành lợi thế trên chiến trường vì vậy cần phải được đáp ứng các điều khoản mà nước này đưa ra.
Lập trường cứng rắn của Nga
Hồi cuối tháng 3/2025, Tổng thống Putin khẳng định quân đội Nga có lợi thế trên toàn bộ mặt trận, đồng thời cho rằng lực lượng Ukraine sắp bị đánh bại: "Chúng tôi có lý do để tin chúng tôi sẽ đánh bại họ. Người dân Ukraine cần nhận thức rõ những gì đang diễn ra".
Lập trường cứng rắn của Nga đã đặt ra thách thức lớn cho chính quyền Tổng thống Trump. Trong các cuộc đàm phán với các quan chức Mỹ, Nga nhấn mạnh rằng Ukraine phải cắt giảm quy mô quân đội, trong đó có việc giảm số lượng binh lính và các loại vũ khí, chấp nhận quyền kiểm soát của Nga với 4 khu vực miền Đông Ukraine mà Moscow đã sáp nhập.

(Ảnh Reuters)
Một số nhà quan sát cho rằng, mặc dù lực lượng Nga đang có lợi thế khi giành quyền kiểm soát thêm một số vùng lãnh thổ trong thời gian gần đây, nhưng Moscow đã phải chịu nhiều tổn thất và vẫn chưa thể đánh bại hoàn toàn Ukraine.
Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với Fox News hồi đầu tháng 4, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance cho biết: “Nga không thể mong đợi được trao lãnh thổ mà họ thậm chí còn chưa kiểm soát hoàn toàn”.
Theo giới phân tích, thành công của chính quyền Tổng thống Trump trong các cuộc đàm phán sẽ phụ thuộc vào việc liệu họ có thể thuyết phục Tổng thống Putin rằng Nga sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ mối quan hệ nồng ấm với Mỹ, thay vì đổ nguồn lực cho các cuộc giao tranh.
Trong các cuộc xung đột tiêu hao, việc đạt được thành quả gia tăng có thể báo hiệu một bước đột phá lớn. Nếu đối phương cạn nguồn nhân lực và đạn dược thì các tuyến phòng thủ của họ cuối cùng sẽ sụp đổ. Đây có thể là điều mà Nga đang trông đợi. Ukraine - quốc gia có dân số chưa bằng 1/4 dân số của Nga trong thời chiến, đã mất số lượng lớn binh sỹ trên tiền tuyến và gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng tân binh.
Trái lại, Nga có nguồn nhân lực dồi dào và khả năng sản xuất vũ khí tương đối lớn. Hơn nữa, Moscow được cho là sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, mặc dù Tổng thống Putin nhiều lần khẳng định Moscow chưa có nhu cầu sử dụng vũ khí này. Nếu nguồn viện trợ quân sự của Mỹ dành cho cho Ukraine bị cạn kiệt, cán cân sức mạnh có thể nghiêng hoàn toàn về phía Nga.
“Lệch pha” trong đàm phán
Ngày 14/5, các quan chức Liên minh châu Âu đã có bước đi cụ thể hướng tới việc thông qua lệnh trừng phạt bổ sung đối với Nga, trong đó có kế hoạch phá vỡ mạng lưới tàu thuyền “ngầm” chuyên vận chuyển dầu mỏ của nước này. Mỹ vẫn chưa áp đặt các lệnh trừng phạt mới với Nga dù Tổng thống Trump đã đưa ra lời cảnh báo. Ông Putin dường như “phớt lờ” các mối đe dọa từ phương Tây.
Bà Tatiana Stanovaya, thành viên cấp cao tại Trung tâm Carnegie về Âu Á của Nga cho biết, Tổng thống Putin đã dự đoán rằng các tuyến phòng thủ của Ukraine sẽ sụp đổ sau khi suy yếu dần.
"Nếu điều đó xảy ra, thì đây sẽ là đòn tâm lý nghiêm trọng đối với chính quyền Ukraine, có thể làm sụt giảm sự ủng hộ đối với Tổng thống Zelensky, bà Stanovaya nhấn mạnh.
“Tổng thống Putin tin vào kịch bản này. Nhưng ông cũng muốn xây dựng quan hệ với ông Trump – vị tổng thống Mỹ được cho là thân thiện nhất với Nga trong nhiều năm qua. Ông Putin có khả năng muốn theo đuổi cả hai mục tiêu. Việc Tổng thống Putin đề xuất đàm phán hòa bình với Ukraine tại Istanbul có thể là nỗ lực nhằm giữ chân ông Trump tiếp tục làm trung gian hòa giải”, nhà phân tích Stanovaya nhận định.
Theo giới phân tích, kết quả cuộc đàm phán sẽ rất khó đoán bởi cả Nga và Ukraine theo đuổi các mục tiêu khác xa nhau.
Tổng thống Zelensky ngày 14/5 cho rằng, đàm phán sẽ được coi là thất bại nếu hai bên đề cập đến những vấn đề khác thay vì lệnh ngừng bắn. Về phần mình, Tổng thống Putin nhấn mạnh, ngoài khả năng thảo luận về lệnh ngừng bắn, các cuộc đàm phán sẽ cần loại bỏ "nguyên nhân gốc rễ" của cuộc xung đột.
Những lần Nga nhắc đến "nguyên nhân gốc rễ" của cuộc xung đột thường ám chỉ việc "phi phát xít hóa" Ukraine, bảo vệ người nói tiếng Nga ở phía đông Ukraine, ngăn chặn sự mở rộng của NATO. Không mục tiêu nào trong số này có thể thương lượng với Ukraine hoặc các đối tác của Kiev.