Nga và Việt Nam là đối tác ổn định trong lĩnh vực an ninh hàng hải
Tiến sỹ Alexander Korolev cho rằng, trong số tất cả các nước Đông Nam Á, Việt Nam là đối tác ổn định nhất của Nga trong lĩnh vực quân sự-kỹ thuật, bao gồm cả lĩnh vực an ninh hàng hải.
Ngày 9/8, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức cuộc họp chính thức với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”.
Phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao về an ninh biển, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẵn sàng đóng góp thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, hợp tác với các nước để duy trì an ninh trên biển và nêu 3 đề xuất quan trọng để ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh biển. Sáng kiến của Việt Nam thu hút sự quan tâm của học giả trong và ngoài nước, trong đó có học giả Nga.
Tiến sỹ Alexander Korolev – trường Kinh tế cao cấp nhận định, bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính cho thấy quan điểm nhất quán trong đường lối đối ngoại của Việt Nam. Nhìn chung, cả 3 đề xuất trong bài phát biểu đều phù hợp với đường lối ngoại giao của Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông.
Quan điểm đầu tiên về việc tăng cường trách nhiệm chính trị và xây dựng lòng tin. Việc xây dựng lòng tin và xây dựng các cơ chế hợp tác hiệu quả phản ánh cam kết của Việt Nam đối với các cơ chế hướng tới mục tiêu, trước hết là đối thoại, một phương thức đồng thuận để đưa ra quyết định và đóng góp vào các nền tảng đối thoại như Diễn đàn Khu vực ASEAN, nhằm tăng cường lòng tin giữa các bên.
Điểm thứ hai về việc coi an ninh hàng hải là một vấn đề toàn cầu. Đây rõ ràng là một vấn đề mang tầm quốc tế, đặc biệt khu vực Biển Đông là tuyến hàng hải quan trọng. Do đó, vấn đề này cần sự tham gia thảo luận của các bên, bao gồm các nền tảng và cấu trúc quốc tế như Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Ủy ban ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc, Tòa trọng tài quốc tế.
Điểm thứ ba là kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Công ước là nguồn luật cơ bản và tối cao của pháp luật, có tính ràng buộc và áp dụng đối với tất cả các thành viên của Công ước. Đây được coi là công cụ pháp lý quan trọng nhằm duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực Biển Đông. Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung đã tuân thủ nghiêm túc Công ước. Ngược lại một số quốc gia có đòi hỏi đi ngược lại Công ước. Cụ thể các yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử, quyền chủ quyền hoặc quyền tài phán đối với các phần của vùng biển thuộc Biển Đông mâu thuẫn với UNCLOS 1982 và không có hiệu lực pháp lý, vì nó vượt xa ranh giới địa lý của vùng biển dựa vào luật pháp quốc tế.
Liên quan đến hợp tác Nga – Việt Nam trong đảm bảo an ninh hàng hải. Tiến sỹ Alexander Korolev cho rằng, trong số tất cả các nước Đông Nam Á, Việt Nam là đối tác ổn định nhất của Nga trong lĩnh vực quân sự-kỹ thuật, bao gồm cả lĩnh vực an ninh hàng hải.
Hiện nay, Việt Nam và Nga tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác toàn diện trong lĩnh vực hải quân, bao gồm việc mua vũ khí và thiết bị của Nga. Ngoài ra, hai bên tiến hành các cuộc diễn tập chung như hỗ trợ khẩn cấp tàu ngầm tại cảng Cam Ranh, hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia Nga tại các nhà máy đóng tàu Việt Nam, trao đổi theo kênh Hải quân, các tàu chiến thăm viếng lẫn nhau, các cuộc tập trận chung chống cướp biển tại eo biển Malacca và các một loạt các tương tác khác./.