Ngại tiêm vaccine, nhiều thai phụ diễn biến nặng khi mắc Covid-19
'Ở cùng một mức độ tổn thương phổi, cơ thể người bình thường sẽ có sức chịu đựng lớn hơn nhiều so với phụ nữ mang thai', bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết.
Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cơ sở này đang điều trị tổng cộng 581 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong số này, 34 người đang mang thai.
Đáng chú ý, phần lớn bệnh nhân Covid-19 đang mang thai có diễn biến nặng, phải thở máy. Nhiều người trong nhóm này chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine phòng bệnh Covid-19.
Khó khăn trong điều trị thai phụ mắc Covid-19
Trao đổi với Zing, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết dù không phải tất cả, cơ sở y tế này đang ghi nhận một tỷ lệ lớn thai phụ không tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi vaccine phòng bệnh Covid-19.
Nguyên nhân thường thấy nhất là người dân sợ vaccine sẽ ảnh hưởng đến thai nhi cũng như sự phát triển của trẻ trong tương lai. Bên cạnh thai phụ, quyết định không tiêm thậm chí có thể đến từ chồng, người thân trong gia đình,...
“Ở cùng một mức độ tổn thương phổi, cơ thể người bình thường sẽ có sức chịu đựng lớn hơn nhiều so với phụ nữ đang mang thai. Cũng từ đây, việc điều trị cho các bệnh nhân đang mang thai cũng khó khăn hơn rất nhiều”, bác sĩ Cấp cho hay.
Vị chuyên gia cho biết khi điều trị Covid-19 cho thai phụ, các bác sĩ phải tính toán rất kỹ lưỡng nhằm cung cấp đủ oxy cho cả mẹ và con.
Ông giải thích: “Với người bình thường, độ bão hòa oxy trong máu khoảng 90% là có thể tạm chấp nhận được, ngưỡng an toàn của bệnh nhân chỉ cần trên 92%. Tuy nhiên, với phụ nữ đang mang thai, các bác sĩ sẽ phải luôn đảm bảo chỉ số này của bệnh nhân đạt trên 95% để nuôi cả đứa bé. Lúc này, chúng ta sẽ cần can thiệp bằng các kỹ thuật phức tạp hơn nhiều”.
Ngoài ra, nhiều trường hợp cố gắng can thiệp không đủ còn buộc nhân viên y tế phải mổ lấy thai sớm nếu muốn cứu cả 2 người.
“Song, một đứa bé sinh non, yếu, quá trình nuôi nấng trong tương lai sẽ rất vất vả. Với những trẻ dưới một kg, khả năng nuôi được là rất khó khăn. Dẫu nuôi được, một số trẻ cũng sẽ kém phát triển được như trẻ sinh bình thường”, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thừa nhận.
Một số trường hợp may mắn hơn, có thể đáp ứng được với thở máy. Tuy nhiên, việc thở máy ở thai phụ cũng khác so với những bệnh nhân còn lại.
“Những tháng cuối của thai kỳ, tử cung to có thể đè đẩy và gây chèn ép phổi lại. Do đó, thở máy và thở oxy ở phụ nữ mang thai cũng gặp nhiều khó khăn hơn”, bác sĩ Cấp giải thích.
Một vấn đề khác là các loại thuốc kháng virus - có hiệu quả làm giảm nguy cơ diễn biến nặng - lại không được sử dụng cho bệnh nhân Covid-19 đang mang thai. Nguyên nhân là những loại thuốc này có thể ảnh hưởng tới thai nhi.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), mang thai về mặt lý thuyết được coi là tình trạng bệnh lý tiềm ẩn khi nói đến Covid-19. Cơ quan này khuyến cáo những người mang thai và gần đây mang thai (ít nhất 42 ngày sau khi kết thúc thai kỳ) có nhiều khả năng bị bệnh nặng do Covid-19 hơn những người không mang thai.
Hiệp hội Y học Bà mẹ - Thai nhi (SMFM) cũng khuyến cáo phụ nữ mang thai mắc Covid-19 có nguy cơ phải điều trị ICU (hồi sức cấp cứu) gấp 3 lần; phải sử dụng ECMO (tim phổi nhân tạo) gấp 2,4 lần và khả năng tử vong gấp 1,7 lần so với bệnh nhân không mang thai có triệu chứng.
Chưa có nghiên cứu cho thấy vaccine ảnh hưởng xấu tới thai nhi
Theo Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 dành cho người từ 18 tuổi trở lên mới nhất của Bộ Y tế (ngày 21/12), cơ quan này chỉ quy định 2 đối tượng cần trì hoãn tiêm chủng gồm người đang mắc bệnh cấp tính và phụ nữ mang thai dưới 13 tuần.
Mặt khác, phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên chỉ thuộc nhóm người cần thận trọng khi tiêm chủng. Do đó, nhóm này hoàn toàn có thể tiêm vaccine phòng bệnh Covid-19.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khẳng định: “Một số loại vaccine đã được nghiên cứu và khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ mang thai. Nhiều nước trên thế giới cũng đã chấp nhận tính hiệu quả cũng như an toàn của chúng với nhóm đối tượng này”.
Trong khi đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội truyền nhiễm TP.HCM, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cũng khẳng định phụ nữ mang thai nên tiêm vaccine Covid-19 bởi những lợi ích của chúng.
“Thậm chí kháng thể được cơ thể phụ nữ mang thai tạo ra sau khi tiêm vaccine còn có thể đi qua nhau thai để bảo vệ trẻ ở thời điểm bé chào đời”, vị chuyên gia này nói thêm.
Theo tạp chí Time, Hội Sản phụ khoa Mỹ (ACOG) còn khuyến cáo những người mang thai, 6 tuần sau sinh, bao gồm cả nhân viên y tế, nên tiêm liều vaccine tăng cường sau khi hoàn thành các mũi vaccine ban đầu.