Ngai vàng - Bảo vật quan trọng bậc nhất triều Nguyễn để lại
Ngai vàng triều Nguyễn đặt tại Điện Thái Hòa là bảo vật quan trọng bậc nhất của triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam còn sót lại. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận chiếc ngai này là Bảo vật quốc gia.

Ngai vàng triều Nguyễn đặt tại Điện Thái Hòa. Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh/VisitHue.
Ngai vàng, hay còn gọi là ngôi vua, ngôi báu, cửu đỉnh là một loại ghế được chạm trổ tinh xảo, được nạm các loại ngọc quý, dát vàng và trang trí điêu khắc tinh vi, được đặt nơi trang trọng nhất trong chính điện hoặc sảnh lớn để dành cho vị Hoàng đế ngồi mỗi khi thiết triều hoặc tiếp kiến quan chức trong những dịp quan trọng. Ngai vàng tượng trưng cho quyền lực của người đứng đầu triều đình, là biểu tượng sự trị vì của vị quân chủ quốc gia.
Bảo vật quan trọng bậc nhất
Ở Việt Nam, ngai vua triều Nguyễn, niên đại 1802 - 1945, hiện lưu giữ tại điện Thái Hòa thuộc di tích Cố đô Huế, do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, là chiếc ngai cuối cùng trong lịch sử các triều đại phong kiến ở Việt Nam, còn được bảo tồn cho đến tận ngày nay.
Theo sử sách, ngai vua triều Nguyễn được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong điện Thái Hòa, nơi nhà vua thiết đại triều mỗi tháng 2 lần vào ngày mồng 1 và ngày 15 âm lịch, cũng là nơi tổ chức các nghi lễ quan trọng của triều đình (lễ đăng quang của nhà vua, lễ sinh nhật, lễ tiếp kiến các sứ thần...).
Ngai được làm bằng gỗ, sơn son thếp vàng. Phía trên ngai là bửu tán thếp vàng, chạm trổ hình rồng rất sinh động. Các mảng trang trí chạm khắc và thếp vàng rực rỡ không chỉ mang vẻ đẹp lộng lẫy, uy nghiêm của chốn hoàng cung mà còn thể hiện sự tinh xảo trong kỹ nghệ chạm khắc của nghệ nhân đương thời.
Trong cuốn Một chiến dịch ở Bắc Kỳ (Đinh Khắc Phách dịch), bác sĩ Quân Y người Pháp Hocquard đã có những miêu tả về Ngai vua Nguyễn và khu vực đặt ngai ở Điện Thái Hòa. Tác giả viết: “Điện Thái Hòa thật nguy nga chiếm hết mặt bằng của một cung lớn ba tầng mái, các mái đua và nóc được trang trí [...] Hàng dãy cột lớn sơn son thếp vàng, nhiều hoa văn chạm khắc cao đến tận mái. Các bức tường được ốp ván gỗ xoi khắc tuyệt đẹp từ mặt sàn lên trần điện.
Trong cùng, giữa hai hàng cột, trên một bệ ba bậc là ngai vua được sơn son thếp vàng, hình dáng như chiếc ghế bành, phía trước có hai chỗ đặt bàn chân hình hổ nằm. Sau ngai là một bức tường sang trọng thêu nổi hình con rồng bốn móng, biểu tượng của vua. Trên đầu là một tán lụa vàng thêu nhiều màu sắc. Đây là nơi vua thiết đại triều trước bá quan tập họp ở hai bên sân phải và trái ngoài điện”.

Ngai vàng - "Chứng nhân" đặc biệt chứng kiến 143 năm thăng trầm của triều Nguyễn. Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh / VisitHue.
'Chứng nhân' đặc biệt
Theo hồ sơ Bảo vật quốc gia, ngai vàng triều Nguyễn cao 101 cm, rộng 72 cm, dài 87 cm. Phần đế dài 118 cm, rộng 90 cm, cao 20 cm. Phía trên ngai có bửu tán thếp vàng lộng lẫy. Tất cả đều được làm bằng gỗ với các hình ảnh trang trí rồng mang ý nghĩa cầu phúc, cầu thọ, cầu may mắn.
Ngai vàng không phải được làm từ vàng hoàn toàn, mà bằng gỗ được sơn son thếp vàng. Ngai vàng của nhà vua ngày xưa được thếp vàng ở những chỗ chạm trổ hoa văn. Đây là quá trình trang trí rất kỳ công, đòi hỏi thợ có tay nghề cao.
Trong suốt 143 năm của triều Nguyễn, một lần ngai vàng được trùng tu dưới thời vua Khải Định (1916 - 1925). Khi làm vua, ông cho làm lại bửu tán phía trên ngai, chuyển từ chất liệu gấm lụa sang gỗ sơn son thếp vàng và chạm khắc tinh xảo.
Bảo vật quốc gia ngai vàng triều Nguyễn là một trong những hiện vật “chứng kiến” những thăng trầm lịch sử 143 năm của vương triều này.
Nhà Nguyễn chỉ thực sự độc lập kéo dài 56 năm qua bốn đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Đến năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta, triều Nguyễn rơi vào một cuộc khủng hoảng kéo dài, với rất nhiều biến cố.
Sau khi vua Tự Đức qua đời (1883), triều Nguyễn trải qua thời kỳ rối ren, trong vòng 4 tháng, có tới 3 vị vua thay nhau trị vì, gồm Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc. 4 tháng thay 3 vua, vua Thành Thái, vua Duy Tân bị phế truất.
Năm 1885, Kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi rút khỏi kinh thành, bỏ lại ngai vua trống. Quân Pháp đã dựng vua Đồng Khánh lên ngôi để lập ra chính quyền Nam triều dưới sự bảo hộ của Pháp.
Năm 1097, vua Thành Thái bị phế truất vì có tư tưởng chống Pháp. Năm 1916, con trai ông là vua Duy Tân cũng bị phế truất sau kế hoạch nổi dậy nhằm giành lại độc lập cho đất nước bất thành.
Mặc dù triều Nguyễn trải qua rất nhiều biến cố lịch sử, chiếc ngai vẫn không xê dịch khỏi điện Thái Hòa. Từ xưa người Huế không bao giờ dám lấy một viên ngói hay gạch ở Hoàng cung về để sử dụng. Khi triều Nguyễn cáo chung, không người bình thường nào dám phạm thượng tự ý ngồi lên ngai vàng hay xâm phạm bất cứ thứ gì.