Ngai vàng triều Nguyễn bị phá, ai chịu trách nhiệm?

Vụ phá hỏng ngai vàng triều Nguyễn ngay giữa điện Thái Hòa không chỉ là sự việc nghiêm trọng, mà còn là lời cảnh tỉnh về những lỗ hổng trong công tác bảo vệ di sản văn hóa quốc gia.

Vào trưa 24.5, tại điện Thái Hòa, ông Hồ Văn Phương Tâm (sinh năm 1983, trú tại phường Hương Long, TP.Huế) đã xâm nhập khu vực trưng bày ngai vàng triều Nguyễn và gây hư hỏng phần tựa tay bên trái của hiện vật. Ông Tâm có tiền sử loạn thần, từng sống lang thang và mới trở về Huế từ TP.HCM.

Trước đó, người này mua vé vào tham quan như khách du lịch bình thường, được ghi nhận có biểu hiện bất ổn và đã bị mời ra khỏi khu vực chính. Tuy nhiên, ông quay lại, lẻn vào khu vực cấm, la hét và có hành vi phá hoại. Lực lượng bảo vệ đã khống chế và bàn giao ông cho Công an phường Đông Ba. Do không tỉnh táo, ông Tâm đã được trưng cầu giám định tâm thần. Ngai vàng bị hư hại đã được chuyển về kho lưu trữ của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế để đánh giá mức độ tổn thất và xây dựng phương án phục chế. Một bản sao ngai vàng đã được đưa ra trưng bày tạm thời thay thế tại điện Thái Hòa.

Người đàn ông phá ngai vàng triều Nguyễn trong điện Thái Hòa - Ảnh: Facebook Thời sự Huế 24/7

Người đàn ông phá ngai vàng triều Nguyễn trong điện Thái Hòa - Ảnh: Facebook Thời sự Huế 24/7

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.Huế, cho biết: “Đây là sự cố hết sức hy hữu, mặc dù thời gian qua Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có nhiều giải pháp đảm bảo an ninh trong khu di sản như tăng cường lắp đặt camera giám sát, xây dựng quy chế phân công trực bảo vệ, có bộ phận cơ động thường xuyên kiểm tra các địa bàn di tích”.

Vụ việc này là cú sốc không chỉ với ngành bảo tồn mà với cả cộng đồng có ý thức gìn giữ văn hóa và lịch sử. Một hiện vật biểu tượng của vương quyền Việt Nam suốt hàng trăm năm, từng được tôn kính như linh hồn của triều Nguyễn, lại bị phá hoại ngay giữa ban ngày, giữa chốn linh thiêng và giữa lòng cố đô. Câu hỏi đặt ra là: chúng ta đã thực sự làm gì để bảo vệ những di sản của đất nước mình?

Phần tựa tay có đầu rồng của ngai vàng bị gãy, rơi hẳn ra ngoài - Ảnh: MXH

Phần tựa tay có đầu rồng của ngai vàng bị gãy, rơi hẳn ra ngoài - Ảnh: MXH

Không thể chỉ dừng lại ở sự phẫn nộ. Phẫn nộ mà không soi lại cơ chế bảo vệ thì chỉ là phản ứng cảm tính. Đáng buồn thay, đây không phải lần đầu tiên di sản văn hóa bị xâm hại ngay trong không gian linh thiêng. Tượng đá bị đập đầu, chuông cổ bị đánh cắp, tấm bia bị mài nhẵn, đình chùa bị trùng tu theo kiểu phá đi làm lại cũng đã từng xảy ra. Và giờ đây, là ngai vàng bị gãy phần tựa tay.

Người gây ra sự việc không đột nhập vào khu di tích. Ông ta mua vé hợp lệ và bước vào Đại Nội như bao du khách khác. Điều đáng lo là một cá nhân có dấu hiệu loạn thần vẫn có thể dễ dàng quay lại khu vực trưng bày, tiếp cận hiện vật quý giá và phá hoại nó mà không bị ngăn chặn kịp thời. Điều này cho thấy không chỉ là sơ suất của lực lượng bảo vệ, mà là lỗ hổng trong tư duy tổ chức an ninh di tích.

Ngai vàng triều Nguyễn không đơn thuần là một món cổ vật. Đó là biểu tượng quyền lực, là vật chứng của lịch sử, là ký ức dân tộc kết tinh qua từng nét chạm khắc. Khi một hiện vật như vậy bị "tổn thương", xâm phạm, chúng ta không chỉ mất một báu vật, mà còn đánh mất một phần hồn vía của lịch sử.

Ngai vàng các vua triều Nguyễn bị gãy phần tựa tay phía bên trái - Ảnh: MXH

Ngai vàng các vua triều Nguyễn bị gãy phần tựa tay phía bên trái - Ảnh: MXH

Vụ việc lần này là hồi chuông cảnh tỉnh. Không thể bảo vệ di sản bằng cảm tính và thói quen cũ. Những hiện vật có giá trị đặc biệt cần được phân tầng bảo vệ nghiêm ngặt hơn. Lực lượng làm nhiệm vụ phải được đào tạo chuyên sâu, không thể chỉ là người giữ cửa. Cần lắp đặt hệ thống giám sát hiện đại, có phương án ứng phó với những tình huống bất thường. Quan trọng hơn cả là thay đổi tư duy: di sản không phải là vật trưng bày, mà là một phần của bản sắc sống, cần được canh giữ bằng cả ý thức cộng đồng và trách nhiệm chuyên môn.

Di sản nếu không được bảo vệ đúng mức, khi đã mất, sẽ không gì thay thế được.

Sự cố lần này một lần nữa đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xây dựng hệ thống bảo vệ di sản bài bản, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Quan trọng hơn, không một di sản nào được phép bị bỏ ngỏ, lặng lẽ chịu tổn thương ngay giữa trung tâm của những công trình mang tên lịch sử.

Tiểu Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ngai-vang-trieu-nguyen-bi-pha-ai-chiu-trach-nhiem-232985.html