Ngai vua triều Nguyễn - Báu vật độc bản của triều đại phong kiến cuối cùng
Ngai vua triều Nguyễn là biểu trưng quyền lực của nhà vua, đây là ngai cuối cùng trong lịch sử triều đại Việt Nam còn được bảo tồn nguyên vẹn.
Ngai vua triều Nguyễn được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2025. Đây cũng là chiếc ngai cuối cùng trong lịch sử các triều đại ở Việt Nam còn được bảo tồn nguyên vẹn. Ngai được làm từ gỗ, sơn son thếp vàng, cao 101 cm, dài 87 cm và rộng 72 cm.
Theo hồ sơ của Bảo tàng cổ vật cung đình Huế, ngai vua triều Nguyễn được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong điện Thái Hòa - nơi nhà vua thiết đại triều mỗi tháng hai lần vào ngày 1 và 15 âm lịch. Đây cũng là nơi tổ chức các nghi lễ quan trọng của triều đình như lễ đăng quang của nhà vua, lễ sinh nhật, lễ tiếp kiến các sứ thần....

Ngai vua triều Nguyễn là bảo vật quốc gia, luôn được đặt tại vị trí trang trọng, trung tâm Điện Thái Hòa (Đại Nội Huế). (Ảnh: Nguyễn Hoàng)
Ngai được làm bằng gỗ, sơn son thếp vàng. Trên ngai là bửu tán thếp vàng, chạm trổ hình rồng sinh động. Các mảng trang trí chạm khắc và thếp vàng rực rỡ không chỉ mang vẻ đẹp lộng lẫy, uy nghiêm của chốn hoàng cung mà còn thể hiện sự tinh xảo trong kỹ nghệ chạm khắc của nghệ nhân đương thời.
Là biểu tượng quyền lực của triều đại, ngai vua triều Nguyễn được trang trí các hình ảnh về rồng với cách thể hiện phong phú mang ý nghĩa cầu phúc, cầu thọ. Phía trên ngai vàng có bửu tán bằng gỗ thếp vàng lộng lẫy. Ngai vua có niên đại 1802-1945. Trong 143 năm tồn tại của nhà Nguyễn, ngai vàng chưa bao giờ bị di chuyển khỏi vị trí ban đầu tại điện Thái Hòa.

Bảo Đại Vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều Nguyễn ngồi trên ngai vàng. (Ảnh tư liệu)
Trong đợt trùng tu tổng thể Điện Thái Hòa năm 2021, ngai vàng được di chuyển vào kho bảo quản và sau khi công trình trùng tu xong được đưa ra trưng bày trở lại. Bửu tán phía trên ngai cũng được gia cố để đảm bảo vững chắc, an toàn.
Ngai vàng từng được trùng tu một lần dưới thời vua Khải Định (1916-1925). Khi lên làm vua, ông cho làm lại bửu tán phía trên ngai, chuyển từ chất liệu gấm lụa sang gỗ sơn son thếp vàng và chạm khắc tinh xảo. Để đồng bộ, nhà vua cũng cho trùng tu lại ngai vàng.
Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An (trú TP Huế), giai đoạn nhà Nguyễn độc lập kéo dài 56 năm qua bốn đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Thời nhà Nguyễn trong kinh thành có những đội thợ chế tác đồ dùng cho hoàng gia và triều đình. Do đó, chiếc ngai được đóng tại chỗ chứ không phải đặt làm ở nước ngoài.

Trong 143 năm tồn tại của nhà Nguyễn, ngai vàng chưa bao giờ bị di chuyển khỏi vị trí ban đầu tại điện Thái Hòa. (Ảnh: Lê Hoàng)
Từ xưa, người Huế không bao giờ dám lấy một viên ngói hay gạch ở Hoàng cung về để sử dụng. Khi triều Nguyễn chấm dứt cho đến giai đoạn đất nước bị chia cắt, không ai dám phạm thượng tự ý ngồi lên ngai vàng hay xâm phạm bất cứ thứ gì. Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sắc lệnh yêu cầu các địa phương giữ gìn di vật, bảo vật do các đời trước để lại, không được phá hủy.
Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Tu bổ di tích Huế, ngai vàng cũng như các cổ vật đồ gỗ cung đình thời Nguyễn xưa phần lớn được sơn son thếp vàng. Loại gỗ được sử dụng cho các cổ vật cung đình ngày xưa phổ biến là gỗ gõ (tên dân gian gỗ gụ), về sau, có sự xuất hiện của gỗ trắc (tức huỳnh đàn)... Gỗ gõ phân bố phổ biến ở khu vực rừng Đông Nam Á (ở nước ta hiện nay đã hiếm), gỗ quý nhóm 1, gỗ có độ bền cao, cứng chắc, chịu nước, chống mối mọt.
Ngày nay, các nghệ nhân lành nghề chạm khắc mộc đều có đủ khả năng để làm lại những chiếc ngai tinh xảo không thua gì các bậc thợ tài hoa ngày xưa. Tuy nhiên, giá trị của ngai vua triều Nguyễn là giá trị cổ vật có tính chất nguyên bản, nên việc phục chế rõ ràng sẽ không đáp ứng giá trị bảo tồn nguyên bản. Trừ trường hợp đặc biệt như sự cố vừa xảy ra, buộc phải phục chế phần hư hỏng.

Phần tựa tay bên trái bị Tâm bẻ khỏi ngai và đập gãy thành 3 đoạn. (Ảnh: MXH)
Trưa 24/5, ngai vua triều Nguyễn bị Hồ Văn Phương Tâm (SN 1983, nơi ở hiện tại quận Bình Tân, TP.HCM) lèn vào phá hoại. Ngai bị Tâm bẻ phần tựa tay bên trái và đập phá làm phần tựa tay gãy ra thành nhiều mảnh vỡ.
Đến 12h10, lực lượng bảo vệ Đại Nội khống chế được Tâm và báo cho Công an phường Đông Ba lập biên bản bắt người phạm tội quả tang. Cơ quan Công an thực hiện test nhanh ma túy với Hồ Văn Phước Tâm, kết quả xác định âm tính.
Công an TP Huế cũng chỉ đạo Cơ quan CSĐT huy động lực lượng phối hợp Viện KSND quận Phú Xuân (TP Huế) và các lực lượng liên quan khám nghiệm hiện trường, ghi lời khai của hung thủ, nhân chứng, người liên quan và thực hiện các hoạt động điều tra. Tuy nhiên, thời điểm ấy, lực lượng chức năng chưa thể ghi lời khai của Tâm do gã này có biểu hiện loạn thần, nói nhảm.
Sau sự việc trên, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chỉ đạo Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đưa ngai vua triều Nguyễn về lưu giữ, bảo quản tại kho cổ vật. Đồng thời, đơn vị này đưa ngai phục chế đến trưng bày tại Điện Thái Hòa phục vụ du khách.
Về ngai vàng bị hư hỏng, thời gian tới Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tổ chức thành lập Hội đồng đánh giá tình trạng hiện vật, xây dựng phương án bảo quản, xử lý hiện vật báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng quy định của Luật Di sản Văn hóa.