Ngắm cảnh Hang Kia - Pà Cò và vui hội Gầu Tào
Hang Kia - Pà Cò là hai xã thuộc diện vùng cao của huyện miền núi Mai Châu tỉnh Hòa Bình. Khoảng mười lăm năm trở về trước hai xã này nổi tiếng là điểm nóng về ma túy. Ngày nay nhắc đến Hang Kia - Pà Cò, hình ảnh u ám về ma túy dường như chỉ còn lại trong ký ức. Thay vào đó người ta thường nghĩ đến là những địa danh du lịch thú vị với những điểm săn mây không khác gì Tà Xùa (Sơn La), Chiêu Lầu Thi (Hà Giang), Fansipan (Lào Cai) cùng những hoạt động sinh hoạt văn hóa dân gian trong vô cùng hấp dẫn mang đậm bản sắc văn hóa tộc người của đồng bào H'Mông mà tiêu biểu là lễ hội Gầu Tào.
Từ trung tâm phố huyện Mai Châu, theo hướng Tây, di chuyển khoảng hơn ba chục cây số theo quốc lộ 6, vượt qua những ngọn núi cao khoảng chừng hơn một ngàn mét so với mực nước biển, chúng tôi có mặt ở xã Pà Cò để vui hội Gầu Tào. Rồi đi khoảng hơn chục cây số nữa thì đến xã Hang Kia để thưởng thức vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc.
Đường đến Hang Kia - Pà Cò bây giờ không gập ghềnh, trơn trượt khó đi như trước đây. Con đường độc đạo đi về hai xã ngày ấy nay đã được trải nhựa và bê tông hóa nên rất dễ đi. Nhưng cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm đã được phủ khắp và đầu tư khá khang trang.
Trên những ngả đường dẫn đến các bản, làng của hai xã Hang Kia - Pà Cò người ta thấy còn nguyên vẹn nét hoang sơ. Từ trên sườn núi cao nhìn xuống là một màu xanh bạt ngàn của cây lá núi rừng. Thấp thoáng, ẩn hiện giữa màu xanh ấy là những nóc nhà màu thâm vách gỗ của đồng bào H’Mông cùng với khói sương bảng lảng nhìn như cổ tích. Suốt dọc đường đi chúng tôi không khỏi nao lòng thích thú khi được mãn nhãn với những đồi chè, đám cải hoa vàng, vườn mận cùng những bờ rào đá rêu phong đẹp đến mơ màng.
Đến Hang Kia - Pà Cò lần này chúng tôi đi vào ngày không có mây nhưng lang thang trên những cung đường giữa lưng chừng núi nối các xóm, các bản; nhất là mỗi khi đi qua những điểm “săn mây” ở Cổng Trời, núi Sảm Thà hay khu Pà Khôm đi Thung Mài mà trong lòng không khỏi xốn xang, ao ước muốn được đắm chìm trong cái biển mây bồng bềnh, trắng muốt lãng đãng trôi đẹp kì ảo như miền tiên cảnh ở chốn bồng lai mà những tay săn ảnh thường hay “khoe hàng”. Nhưng bù lại chúng tôi được ngắm nhìn dưới thung lũng, bên các sườn núi, triền đồi là những thửa ruộng bậc thang uốn lượn như những dải lụa, những ngôi nhà gỗ đơn sơ, cũ kỹ, rêu phong của người H’Mông đẹp như trong tranh vẽ mà không khỏi say lòng.
Trở lại Hang Kia - Pà Cò lần này chúng tôi đi chơi hội Gầu Tào.
Lễ hội Gầu Tào năm nay được tổ chức từ ngày mùng 10 đến hết ngày 12 tháng 01 năm 2025 và vẫn được tổ chức ở xóm Xà Lĩnh, xã Pà Cò như mọi năm. Giữa bãi rộng mênh mông, trong tiết trời cuối năm rét lạnh nên người đến tham dự hội không có cảm giác được tận hưởng cái tiết trời một ngày có bốn mùa với buổi sáng mát mẻ như mùa Xuân, buổi trưa nắng nóng như mùa Hè, buổi chiều se lạnh như mùa Thu, buổi tối lạnh lẽo như mùa Đông. Nhưng cái cảnh quan sương mù bao phủ cố hữu và bầu khí hậu trong lành, thoáng đãng thì không thể mất đi đâu.
Ngắm nhìn núi đồi Hang Kia - Pà Cò tôi thoảng nghĩ, đúng là trời không cho vùng đất nào tất cả. Ở miền đồng bằng, phố thị giao thông thuận lợi, người đi lại dễ dàng, không phải vượt núi băng ngàn thì phải chịu hà hít ít nhiều cái bầu không khí đầy khói bụi. Ngược lại trên núi cao Hang Kia – Pà Cò đi lại có khó khăn hơn thì lại được trời phú cho bầu không khí trong lành, tươi mát. Chưa kể những ngày nắng nóng, cả miền núi xanh nơi đây còn được ví như chiếc máy điều hòa khổng lồ mà mẹ thiên nhiên ban tặng.
Có lẽ thế mà đến Hang Kia - Pà Cò ai cũng có cảm giác nhẹ nhõm, thoải mãi. Dường như mọi căng thẳng, ưu phiền được trút bỏ. Người ta được thỏa sức thả hồn hòa với núi rừng mênh mông. Trong bầu dưỡng khí của Hang Kia - Pà Cò người ta dễ dàng cảm nhận được những giá trị của rừng xanh. Những người đến đây như đang được bà mẹ thiên nhiên tiếp thêm cho nguồn năng lượng để tạo nên một sức sống mới với một tinh thần thoải mái hơn, phấn chấn hơn.
Đến với Hang Kia - Pà Cò người ta không chỉ được tái tạo tâm hồn trong bầu dưỡng khí của núi ngàn xanh biếc mà còn được đắm mình trong lễ hội văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa của người H’Mông. Đó là lễ hội Gầu Tào. Lễ hội Gầu tào là một trong những lễ hội lớn nhất của đồng bào H’Mông ở Hang Kia - Pà Cò. Đây là một sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống thể hiện tín ngưỡng của người H’Mông, có từ rất lâu đời, không phải chỉ ở Hang Kia - Pà Cò mà của cả cộng đồng người H’Mông nói chung.
Theo tiếng của người H’Mông, “Gầu Tào” có nghĩa là “chơi ngoài trời” hay “chơi trên đồi”. Thời xưa, ban đầu, lễ hộ Gầu Tào chỉ được tổ chức ở những gia đình người H’Mông giàu có để cầu sinh con đẻ cái, cầu cho mưa thuận, gió hòa, con người khỏe mạnh, cây cối vật nuôi phát triển, cuộc sống ấm no. Nhưng rồi theo thời gian, lễ hội Gầu Tào được mở rộng dần ra. Bây giờ nó đã trở thành lễ hội của cả bản làng, của cả tộc người H’Mông trên khắp mọi miền đất nước.
Theo phong tục của người H’Mông ở Hang Kia - Pà Cò, lễ hội Gầu Tào có hai phần “lễ” và “hội”. Phần lễ được diễn ra với nghi thức chính là dựng cây nêu. Trong quan niệm của đồng bào cây nêu là một cây thiêng, nối trời với đất. Câu nêu được làm bằng cây tre. Người H’Mông chọn một cây tre thẳng và đẹp, không bị sâu bệnh, chưa ra hoa, có đủ cả gốc, ngọn; cao khoảng gần chục mét; ngọn cây hướng về phía mặt trời mọc.
Để dựng được cây nêu người H’Mông làm khá cầu kỳ. Bắt đầu là nghi lễ chặt tre. Nghi lễ này được tiến hành ngay tại gốc tre. Người chủ lễ làm lễ và cầm ô che, đồng thời hát bài “chía dìn sê” (chặt câu nêu). Chủ lễ đi quanh gốc tre. Đi mỗi vòng lại cầm dao chặt một nhát vào gốc tre. Khi hát hết bài hát, mọi người cùng nhau vào chặt tiếp. Lúc chặt người H’Mông sẽ hướng cho cây tre đổ về phái mặt trời mọc. Chặt xong tre, đồng bào dùng dao làm nhẵn thân tre. Ngọn tre được giữ nguyên cành lá để tượng trưng cho sự linh thiêng. Chủ lễ lại cầm ô che cho cây và hát bài “cứ dìn sê” (vác cây nêu) để cùng mọi người vác ra bãi hội.
Khi vác tre đi người ta vác gốc hướng về phía trước, ngọn phía sau và không chạm đất, không nghỉ giữa đường. Đến bãi hội, những người tổ chức chọn và dựng cây tre giữa bãi đất trống, bằng phẳng, rộng rãi. Người ta đào lỗ cắm cây tre xuống, lúc này cây tre được gọi là cây nêu. Ông chủ lễ buộc lên ngọn cây nêu hai mảnh vải lanh màu đen (thể hiện sự tập hợp lực lượng) và màu đỏ (thể hiện lời mời tổ tiên về dự hội), một bầu rượu, ba bông lúa nếp (thể hiện cho tài lộc) và một túm cây “sưi” (thể hiện cho sự sinh sôi).
Ngoài ra, trên ngọn cây nêu, người ta còn treo một vòng tròn. Trên vòng tròn này có treo lá phướn, những chiếc chuông gió. Đặc biệt, trên cây nêu người ta còn treo một quả bầu, bên trong có để rượu; hạt ngô, lúa (giống cây) và miếng vải lanh màu đỏ để kính báo thần linh, tổ tiên. Khi dựng cây nêu người ta để ngọn cây hướng về phía Đông (hướng mặt trời mọc - hướng sinh, để cầu sinh con cái và mùa màng bội thu).
Trên cây nêu đồng bào còn treo trang trí các hình nộm, các giấy màu nhìn rất sinh động. Người ta tin tưởng rằng cây nêu là cây thiêng. Cây sẽ nghe được những mong muốn của con người qua lời cầu nguyện và truyền tới tổ tiên và những đấng thần linh tối cao để các người che chở, giúp đỡ.
Theo phong tục, trong lễ hội Gầu Tào bà con chuẩn bị lễ vật gồm có gà (lợn, bò - tùy theo lời hứa với thần linh mà chuẩn bị), rượu, cơm (bánh)… và tiền mã. Khi hành lễ, ông thầy cúng thắp hương; cầm đôi gà gồm một con trống, một con mái; đốt tiền mã; đi ngược chiều kim đồng hồ ba vòng quanh cây nêu, rồi lại đi ngược ba vòng nữa. Ông vừa đi vừa cúng, cầu xin; vừa hát bài “Tịnh chay” (Hẹn ngày) để báo cáo với tổ tiên, thần linh biết việc dựng nêu và làm lễ tạ ơn như lời hứa hẹn.
Phần lễ trong lễ hội Gầu Tào trang nghiêm bao nhiêu thì phần hội trong lễ hội này sẽ tươi vui bấy nhiêu. Phần hội Gầu Tào thu hút được nhiều người tham gia nên rất đông vui.
Trong phần hội, đồng bào H’Mông tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao. Đó là sau khi kết thúc phần lễ người ta tiến hành ngay những điệu múa khèn, múa sinh tiền, múa gậy; thi đẩy gậy, ném pao, bắn nỏ, đấu võ, đi cà kheo và hát múa giao duyên…
Lễ hội kéo dài ba ngày đêm nên vào các buổi tối, khi không khí trở nên huyền ảo và lãng mạn, các chàng trai bắt đầu dùng tiếng đàn môi, tiếng sáo để thổ lộ tâm tình của mình tới các cô gái qua những giai điệu kín đáo, êm ái. Và, những đêm hội thơ mộng như thế không chỉ tạo sự kết nối giữa các thế hệ mà còn kết nối nên duyên cho biết bao đôi lứa.
Thưởng thức phần hội của lễ hội Gầu Tào, người ta không chỉ được xem múa, nghe hát, tham gia các trò chơi mà còn được ngắm nhìn những sắc màu thổ cẩm của người H’Mông rực rỡ trên những bộ trang phục truyền thống của những các cô gái tham gia ngày hội. Những thiếu nữ má đỏ hây hây, đôi mắt lúng liếng, xúng xính xiêm y trong những điệu múa, lời hát giao duyên mà không khỏi hút hồn những chàng trai xem hội.
Ngắm nhìn những sắc màu đen, đỏ rực rỡ như thế người ta sẽ thấy mến phục đôi bàn tay khéo léo của các cô gái H’Mông trong cách tạo dáng, trang trí, thêu dệt hoa văn trên áo, đặc biệt là trong những chân váy xòe rộng, dây vải quấn thắt lưng, tạp dề đằng trước và ở phía sau chiếc váy... Tất cả được phối hợp với nhau rất hài hòa để tạo nên một nét duyên rất riêng chỉ có của người thiếu nữ H’Mông vùng cao
Ngắm nhìn những sắc màu thổ cẩm ấy người ta có cảm giác các cô nàng đang mang cả núi rừng rạng rỡ trên mình. Những bộ trang phục ấy như có sắc màu của cánh hoa đào, hoa mơ, hoa mận; mỗi nhịp váy tung xòe uyển chuyển như thể biển mây bồng bềnh trên những thửa ruộng bậc thang. Cứ thế, cùng với điệu múa ô, các sắc màu hoa văn trên những bộ trang phục được mặc sức phô diễn theo mỗi bước chân uyển chuyển của thiếu nữ trong đêm hội. Nó tựa như những cánh hoa nhịp nhàng trong gió, giữa núi rừng Tây Bắc huyền diệu, lung linh làm cho bao khách lãng du mê mẩn không muốn rời.
Trong lễ hội Gầu Tào, sau khi lễ và vui hội xong, người ta còn được thưởng thức những món đặc sản của ẩm thực H’Mông vùng cao. Rượu ngô nếp với men lá rừng kết hợp với nguồn nước và khí hậu miền Tây Bắc, đặc biệt là những bí quyết gia truyền, dưới đôi bàn tay tài hoa của người phụ nữ H’Mông đã trưng cất thành thứ nước ngọt thơm, êm dịu làm du khách mềm môi, say sưa, thích thú hết ngày sang đêm.
Ngoài rượu ngon, người đến hội Gầu Tào còn được ăn thắng cố, bánh giầy, xôi nếp và các loại thì gà, thịt lợn, thịt bò, thịt ngựa và thịt gác bếp… được chế biến theo những cách thức của người H’Mông vùng cao với các món chấm pha trộn thảo quả tạo thành các hương vị đặc biệt khiến ai ăn một lần sẽ còn phải nhớ mãi.
Theo truyền thuyết, lễ hội Gầu Tào được bắt nguồn từ tục cầu con của người H’Mông.
Truyện kể, xưa kia, những cặp vợ chồng người H’Mông nếu kết hôn lâu năm mà vẫn chưa có con thì lên các đồi cao, đất trống để cầu xin thần đồi, thần núi “xanh hấu tào, xanh hấu pề” phù hộ giúp đỡ cho một đứa con và xin cho đứa con ấy được chóng lớn, khỏe mạnh. Nếu ước nguyện của những cặp vợ chồng đó trở thành hiện thực thì họ tổ chức lễ hội Gầu Tào để tạ ơn và chia sẻ niềm vui với bà con trong bản.
Ban đầu lễ hội Gầu Tào chỉ xuất hiện ở các gia đình mang ý nghĩa riêng tư, cá nhân nhằm cầu xin con cái. Trải qua thời gian lễ hội này phát triển trở thành một nghi thức thiêng của cả tộc người và không dừng lại ở việc cầu xin con cái mà còn cầu xin cả trời đất cho mưa thuận gió hòa để con người và cây cối cùng phát triển, nhân khang vật thịnh.
Bây giờ lễ hội Gầu Tào đã trở thành một phần không thể thiếu được trong đời sống văn hóa tinh thần của người H’Mông. Đến xem lễ hội Gầu Tào người ta sẽ dễ dàng nhận ra chiều sâu văn hóa của tộc người đang được ẩn chứa, lắng đọng trong những quan niệm tâm linh và hơn cả là thể hiện sâu sắc cái tinh thần cộng đồng của người H’Mông từ bao đời truyền lại.
Trong thanh âm rộn rã của tiếng sáo, tiếng khèn; qua các động tác dứt khoát, khỏe khoắn của các chàng trai; uyển chuyển, nhịp nhàng của những cô gái đang náo nhiệt, vui tươi xung quanh cây nêu, trong lễ hội, người ta không chỉ được đắm chìm trong một không gian linh thiêng mà còn thấy được vẻ đẹp tài hoa của con người vùng cao Tây Bắc; thấy được cái sức sống mạnh mẽ giữa núi rừng bao la; thấy được lối sống hòa đồng vào thiên nhiên tươi đẹp. Ấy là cái sống thơm thảo giữa đất trời để mê đắm lòng người, khiến bao lãng khách nhớ mãi không quên.
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ngam-canh-hang-kia-pa-co-va-vui-hoi-gau-tao-a27690.html