Ngẫm chuyện thi cử

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Quyết định về việc phê duyệt 'Phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025'.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2023 tại điểm thi Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội). Ảnh minh họa: INT

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2023 tại điểm thi Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội). Ảnh minh họa: INT

Theo đó, thí sinh thi bắt buộc 2 môn, gồm: Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12. Kỳ thi được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Tại sao phải thi?

Phương án thi nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận. Phụ huynh học sinh và đội ngũ thầy cô giáo - nhóm chịu ảnh hưởng trực tiếp đến sự thay đổi này đều thể hiện sự ủng hộ phương án thi như trên. Tuy nhiên, cũng có bộ phận không nhỏ trong xã hội lại mong muốn xóa bỏ hoàn toàn Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Họ lập luận, rằng Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông tỷ lệ đậu gần 100% nên tổ chức thi sẽ gây lãng phí cả tiền bạc và thời gian; dẫu là “thủ khoa nhưng vẫn trượt đại học”…

Theo tôi, bất kỳ nền giáo dục nào trên thế giới trong quá trình dạy học đều cần phải kiểm tra, đánh giá và phương thức tổ chức một kỳ thi - ở cuối mỗi cấp học quan trọng vẫn cần thiết. Vấn đề đặt ra là, kỳ thi ấy phải thực sự nghiêm túc, công bằng và có tính phân hóa cao.

Danh ngôn có câu “Học vấn là chùm rễ đắng cay nhưng hoa quả ngọt ngào”. Con đường chinh phục tri thức bao giờ cũng phải “thấm đau vì những mũi gai”, con đường vinh quang nào cũng “đi qua muôn ngàn sóng gió”. Và thi cử là một trong những khó khăn thử thách cần thiết để học trò có thể nỗ lực vượt qua và chinh phục những đỉnh cao của tri thức.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Kỳ thi công bằng, nghiêm túc cần được duy trì

Chúng ta có thể suy ngẫm về nền giáo dục ở Hàn Quốc để thấy được sự hiếu học cũng như nghiêm túc trong các kỳ thi như thế nào. Đối với người hiếu học và yêu ngành sư phạm, Hàn Quốc có thể gọi là đất nước lý tưởng. Ở Hàn Quốc, người có học được tôn trọng hơn người giàu có. Khi nói chuyện với một giáo sư, nhà triệu phú phải ngả mũ cúi chào.

Một người kiếm tiền bằng chính tài năng của mình được đánh giá cao hơn hàng trăm lần so với người trúng số độc đắc. Thành công bằng mọi giá không được coi trọng ở Hàn Quốc. Một công việc được trả lương cao và một công việc có uy tín không giống nhau ở đây. Uy tín xã hội nhờ con đường học vấn luôn được coi trọng hơn.

Giáo dục trung học được bảo đảm cho mọi người Hàn Quốc tốt nghiệp trường phổ thông. Nhưng nếu định thi vào một trường đại học, bạn phải vượt qua một kỳ thi chuyển cấp. Kỳ thi này quyết định vị thế của bạn trên bậc thang xã hội.

Đối với người Hàn Quốc, thi cử rất thiêng liêng. Trong thời gian diễn ra các cuộc thi, cả nước im lặng, người ta cấm làm ồn bên cạnh các trường phổ thông và đại học. Chính quyền địa phương chặn các con đường xung quanh trường để tiếng ồn của xe cộ không ảnh hưởng tới sự tập trung của thí sinh. Máy bay cũng bị cấm bay trên phạm vi trường học lúc học sinh đang thi.

Người Hàn Quốc thậm chí không nghĩ đến việc gian lận thi cử (trong ngôn ngữ Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc không có từ biểu thị hiện tượng này). Trong các kỳ thi, giáo viên từ trường khác đến coi thi. Phong bì đựng các câu hỏi và bài tập được mở theo hiệu lệnh cùng một lúc ở tất cả trường phổ thông trên cả nước. Thí sinh được phép mang theo bút bi, bút chì, tẩy và chứng minh thư. Đồng hồ, thiết bị điện tử bị cấm.

Ở nước ta, thi cử là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Học và thi trở thành mối bận tâm không chỉ của những ai đi học, người có con em đến trường mà còn liên quan đến mọi lĩnh vực nghề nghiệp trong đời sống.

Đối với người Việt Nam hiếu học đã trở thành truyền thống. Nhìn ở hiện tại ôn lại quá khứ, ta thấy việc học và thi cử ngày nay vẫn còn dễ dàng so với thời xưa. Nhìn chung ngày xưa có hai kỳ thi chính: Thi hương (từng vùng) để chọn lấy cử nhân (hoặc hương cống) và tú tài (hoặc sinh đồ), thi hội chọn tiến sĩ (trước gọi là Thái học sinh) và phó bảng.

Thi hương được tổ chức ở nhiều nơi. Thi hương tổ chức thành bốn kỳ, đỗ kỳ trước mới được tham dự kỳ sau. Đậu cả bốn kỳ thì được gọi là cử nhân, đậu ba kỳ gọi là tú tài. Đậu cử nhân rồi mới được thi hội.

Thi hội cũng tổ chức thành bốn kỳ hay còn gọi là trường. Thi đậu cả bốn trường mới được vào thi đình. Đó là thể thức thi còn chương trình thi thì mỗi triều đại có những quy định nghiêm ngặt riêng. Người xưa cho rằng muốn thành người tử tế, nhân hậu, biết trọng đạo lý thì phải học, còn muốn thành danh thì phải thi. Nghìn năm trước, người Việt đã chăm học và thi cử thành đạt.

Ngày nay, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội), ta còn thấy 82 bia văn Tiến sĩ, ghi danh những nhà khoa bảng đã đỗ đạt trong khoảng 300 năm (từ năm 1442 đến năm 1779) qua những khoa thi dưới triều Lê và Mạc. Đó là pho “sử đá” đồ sộ của quốc gia, là di sản tư liệu thuộc chương trình “Ký ức thế giới” (Memory of the world) của UNESCO.

Chiêm ngưỡng những tấm bia lịch sử đó, ta lại càng cảm thấy sự nghiệp xây dựng xã hội học tập ngày nay quan trọng đến dường nào. Và thi cử đảm bảo công bằng, khách quan, nghiêm túc sẽ phải duy trì để tuyển chọn được nhân tài phục vụ cho sự phát triển của đất nước.

Nguyễn Đình Ánh (Trường THPT Nghi Lộc 2 - Nghi Lộc – Nghệ An)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ngam-chuyen-thi-cu-post667765.html