'Ngấm' đòn trừng phạt, gã khổng lồ LNG Nga đình chỉ dự án ở Bắc Cực?
Nếu đúng Novatek phải đình chỉ sản xuất tại dự án ở Bắc Cực, đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào tham vọng LNG toàn cầu của Nga.
Novatek, nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất của Nga, được cho là đã đình chỉ sản xuất tại dự án LNG 2 ở Bắc Cực, Reuters đưa tin hôm 2/4.
Dự án LNG ở vòng Cực Bắc gồm 3 dây chuyền sản xuất, công suất 20 triệu tấn mỗi năm, đóng vai trò chủ chốt trong mục tiêu của Chính phủ Nga về mở rộng xuất khẩu LNG sau khi Moscow mất thị phần xuất khẩu khí đốt qua đường ống sang châu Âu.
Arctic LNG 2 có kế hoạch bắt đầu giao hàng thương mại trong quý I năm nay. Nhưng kế hoạch đã bị làm phức tạp hóa sau khi phương Tây áp đòn trừng phạt lên dự án để phản ứng với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, buộc các cổ đông nước ngoài phải rút lui và Novatek phải ban hành tình trạng bất khả kháng.
Nếu đúng Novatek đình chỉ sản xuất tại dự án Arctic LNG 2, đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào mục tiêu chiếm lĩnh 1/5 thị trường LNG toàn cầu của Nga vào năm 2030-2035. Quốc gia liên lục địa Á-Âu này hiện là nhà sản xuất LNG lớn thứ 4 thế giới với lượng xuất khẩu hàng năm là 32,6 triệu tấn.
Novatek không trả lời yêu cầu bình luận. “Dây chuyền sản xuất T1 sẽ ngừng hoạt động cho đến ít nhất là cuối tháng 6”, một nguồn tin nói với Reuters, và cho biết thêm rằng hoạt động xây dựng dự án vẫn đang được tiến hành.
Hai dây chuyền sản xuất còn lại, T2 và T3, dự kiến sẽ được chuyển đến địa điểm này bằng đường biển từ cảng Murmansk. Cùng với nhau, 3 dây chuyền sản xuất của Arctic LNG 2 có công suất dự kiến là 19,8 triệu tấn LNG mỗi năm và 1,6 triệu tấn khí ngưng tụ ổn định mỗi năm.
Nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất LNG ở Bắc Cực được cung cấp bởi mỏ khí Utrenneye trên Bán đảo Gydan ở Tây Siberia. Tuy nhiên, báo Vedomosti có trụ sở ở Moscow dẫn lời các quan chức trong Bộ Năng lượng Nga cho biết, sản lượng của mỏ Utreneye đã giảm xuống 83 triệu m3 trong tháng 2 – không đủ để duy trì sản lượng LNG tối thiểu của dây chuyền T1, vốn đi vào hoạt động từ tháng 12 năm ngoái.
Nhưng vấn đề chính mà Nga phải đối mặt là thiếu tàu chở hàng chuyên dụng có khả năng vận chuyển LNG – được làm lạnh đến âm 163 độ C – và xuyên qua lớp băng biển dày. Theo Novatek, 15 tàu Arc7 có khả năng xuyên qua lớp băng dày 2 m, sẽ được chế tạo tại nhà máy đóng tàu Zvezda của Nga để phục vụ dự án Artic LNG 2.
Sáu tàu Arc7 nữa dự kiến sẽ được đóng ở Hàn Quốc bởi Hanwha Ocean, trước đây là Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering, bao gồm 3 chiếc cho tập đoàn Sovcomflot của Nga và 3 chiếc cho Mitsui O.S.K. Lines. Tuy nhiên, 3 tàu do Sovcomflot đặt hàng đã bị hủy do các lệnh trừng phạt chống lại Nga, Hanwha cho biết hồi năm ngoái.
Theo các thông tin công khai, cho đến nay, đội tàu chở hàng cho Artic LNG 2 chỉ gồm 3 chiếc là Alexei Kosygin, Pyotr Stolypin và Sergei Witte.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, khi trả lời câu hỏi về thời điểm lô hàng LNG đầu tiên sẽ được chuyển giao từ dự án ở Bắc Cực, cho biết hôm 29/3 rằng “công ty đang giải quyết các vấn đề và các cuộc đàm phán tương ứng đang được tiến hành”. “Vấn đề chính của họ là ở tàu chở hàng”, vị quan chức Nga nói thêm.
Ông Ronald Smith, nhà phân tích dầu khí cấp cao tại công ty môi giới BCS có trụ sở tại Moscow, cho biết vẫn chưa rõ khi nào Novatek có thể nhận được các tàu chở hàng mới, hoặc liệu khả năng đó có xảy ra hay không.
“Novatek có thể phải tìm cách để đưa những con tàu hoàn thiện về cho dự án trong tương lai gần, hoặc những con tàu đó có thể bị mắc kẹt trong xưởng đóng tàu trong một thời gian dài”, ông Smith nói.
Novatek nắm giữ 60% cổ phần trong Arctic LNG 2. Các cổ đông khác là TotalEnergies của Pháp, CNPC và CNOOC của Trung Quốc, và Japan Arctic LNG – một liên doanh của Mitsui & Co, Ltd. và JOGMEC, mỗi bên nắm giữ 10% cổ phần.
Minh Đức (Theo Reuters, Upstream Online)