Ngắm hai cung đường đẹp ở Quảng Ngãi
Đường Hoàng Sa - Trường Sa như hai cánh tay ôm lấy sông Trà Khúc xuôi về phía biển, giữ vài trò trục 'xương sống' định hình kết nối chiến lược và mở ra không gian phát triển rất lớn cho đô thị Quảng Ngãi.

Đường Hoàng Sa chạy dọc bờ Bắc sông Trà khúc, được khởi công xây dựng năm 2010, hoàn thành sau đó 5 năm. Có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, đây là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Quảng Ngãi thời điểm đó.

Tuyến có chiều dài 12,4km, nền đường 36m tổ chức 6 làn xe chạy, mặt đường 23m, vỉa hè mỗi bên 5m và dải phân cách giữa 3m trồng cây xanh cảnh quan, đèn trang trí, hai bên bố trí đèn đường chiếu sáng.

Khi thông xe, đường Hoàng Sa trở thành trục giao thông chiến lược, kết nối trung tâm đô thị phía Bắc sông Trà Khúc với vùng biển phía Đông, giảm tải đáng kể cho quốc lộ 24B - tuyến giao thông huyết mạch đi cảng Sa Kỳ - đảo Lý Sơn.

Bên cạnh hoàn thiện mạng lưới giao thông, tuyến còn mở ra không gian phát triển mới, trực tiếp định hình đô thị ven sông, thúc đẩy đô thị hóa và thu hút đầu tư cho cả vùng phía Bắc tỉnh Quảng Ngãi.

Theo người dân địa phương, nơi họ sống trước đây vốn là dải đất ven sông, chủ yếu làm nông nghiệp và "trắng" hạ tầng. Từ ngày mở đường, cuộc sống bỗng chốc "sang trang", đi lại thuận tiện, nhà cửa bề thế mọc lên san sát, dáng dấp phố xá dần hiện ra.

Khởi công sau đường Hoàng Sa gần 2 năm, đường Trường Sa là tên gọi sau này của dự án đường bờ Nam sông Trà Khúc.

Tuyến chạy uốn lượn dọc dải đất phía bờ Nam sông Trà Khúc, nối trung tâm thành phố với các xã biển đông đúc dân cư phía Đông. Điểm đầu tuyến giao cắt với đường tránh quốc lộ 1 qua thành phố Quảng Ngãi, cuối tuyến giáp nút giao cầu Cổ Lũy.

Công trình được đưa vào sử dụng năm 2016, chiều dài tuyến 8,7km, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường phố chính cấp II đô thị với 6 làn xe, nền đường rộng 36m, mặt đường rộng 22m, bố trí cây xanh bóng mát, điện chiếu sáng hai bên và nhiều sàn vọng cảnh, công viên mini dọc tuyến.

Dự án được đầu tư với kinh phí gần 1.000 tỷ đồng với mục tiêu hoàn thiện mạng lưới giao thông đô thị, tạo điều kiện để hiện thực hóa quy hoạch đô thị Quảng Ngãi ven sông - hướng biển, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Khi hoàn thành, tuyến tạo trục cảnh quan ven sông đặc sắc, chia sẻ phần lớn lưu lượng với đường Quảng Ngãi – Thu Xà chật hẹp, khó mở rộng. Đồng thời, kết nối các tuyến nhánh, tuyến gom của khu vực phía Đông – Nam đô thị Quảng Ngãi, giúp người dân đi lại, thông thương hàng hóa thuận tiện, rút ngắn đáng kể thời gian tiếp cận vùng lõi đô thị.

Song song sứ mệnh kết nối, hình thành hạ tầng khung và kiến thiết đô thị, đường Trường Sa đã phát huy tối đa hiệu quả đầu tư khi trực tiếp làm thay đổi diện mạo nhiều xã thuần nông, làng chài ven biển, từ đó cải thiện sinh kế và đời sống người dân vùng dự án đi qua.

Bên cạnh sự thuận tiện và thoáng đãng khi lưu thông, điều làm người dân Quảng Ngãi đánh giá cao ở đường Trường Sa là chất lượng công trình rất tốt. Thông xe gần 10 năm, rất khó tìm thấy ổ gà trên đường. Mặt đường phẳng, không bong tróc, dù luôn gánh lưu lượng lớn, thường trực xe tải trọng lớn từ các mỏ khoáng sản lưu thông.



Là trục cảnh quan ven sông, dọc tuyến được bố trí nhiều mảng xanh, không gian công cộng. Hiện, những sàn vọng cảnh, hóng mát và công viên mini đang được chăm sóc tốt để mang lại diện mạo hiện đại, xanh – sạch – đẹp cho đô thị, nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Gần hai thập kỷ trước, Quảng Ngãi đã xác định lấy sông Trà Khúc làm trung tâm, đưa đô thị lớn nhất tỉnh chuyển mình về phía biển. Để làm được điều đó, tỉnh đã huy động các nguồn lực, tập trung xây dựng hai trục cảnh quan chính đô thị phía Đông, xây thêm cầu bắc qua sông để định hình phát triển trăm năm.

Dưới góc nhìn của chuyên gia quy hoạch, Kiến trúc sư Trần Thị Thanh Hiền, Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Angkora cho rằng, Quảng Ngãi đã tạo dựng được hai tuyến đường định hình phát triển đô thị theo hướng toàn diện, bền vững và thích ứng với tương lai.

Hai cung đường đã mở mới không gian phát triển và kéo đô thị Quảng Ngãi từng bước dịch chuyển về phía Đông - Đông Bắc, theo hướng mở ra biển. Chính việc mở rộng không gian đô thị đã góp phần điều chỉnh phân bố dân cư và tạo ra các hành lang phát triển kinh tế - dịch vụ mới.

Từ những quỹ đất hình thành qua đầu tư hạ tầng, Quảng Ngãi đứng trước cơ hội gia tăng nguồn thu ngân sách, mời gọi các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước. Qua đó, thúc đẩy đầu tư các dự án đô thị, thương mại và phát triển du lịch ven sông, biển.

Bên cạnh đó, do nằm dọc bờ sông Trà Khúc, hai tuyến đường còn có tác dụng như những tuyến đê mềm, góp phần phòng chống lũ lụt, sạt lở bờ sông, bảo vệ đất sản xuất và các khu dân cư, nâng cao khả năng chống chịu thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp.

Quảng Ngãi đang tập trung kêu gọi đầu tư để hiện thực hóa quy hoạch dọc trục Hoàng Sa - Trường Sa. Tới đây, nhiều công trình, dự án lớn và các đại đô thị, khu đô thị cao cấp, hiện đại do các nhà đầu tư tầm cỡ sẽ được triển khai bám sát định hướng phát triển, khởi tạo dáng dấp đô thị văn minh, hiện đại hai bên bờ sông Trà Khúc.
Video: Toàn cảnh hai cung đường Hoàng Sa - Trường Sa ở Quảng Ngãi
Kiến trúc sư Trần Thị Thanh Hiền cho rằng, để phát huy hiệu quả của tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa, Quảng Ngãi cần có các giải pháp đồng bộ về quy hoạch và quản lý quy hoạch, như:
Lập thiết kế đô thị cho hai tuyến đường, nhằm kiểm soát chặt chẽ không gian kiến trúc, cảnh quan và hạ tầng kỹ thuật dọc trục.
Ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, có năng lực và tầm nhìn phát triển đô thị ven sông – ven biển.
Kiểm soát nghiêm ngặt việc cấp phép xây dựng, đảm bảo thực hiện đúng định hướng quy hoạch và phát triển bền vững khu vực.
Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/ngam-hai-cung-duong-dep-o-quang-ngai-192250704104533889.htm