Ngắm 'Làng nghề Truyền thống Việt Nam' dưới ống kính hiện đại

'Làng nghề Truyền thống Việt Nam' không chỉ là một cuốn sách ảnh mà còn là khát vọng lan tỏa vẻ đẹp Việt đến gần hơn với thế giới của tác giả.

Chân nhang đang được nhuộm, sau đó đem đi phơi khô trước khi se bột nhang.

Chân nhang đang được nhuộm, sau đó đem đi phơi khô trước khi se bột nhang.

Sáng 10/5, tại Hà Nội đã diễn ra sự kiện ra mắt cuốn sách ảnh mang tên "Làng nghề truyền thống Việt Nam" của nữ nhiếp ảnh gia quốc tế Helena Vân thu hút nhiều công chúng thủ đô tới tham dự.

Helena Vân tên thật là Nguyễn Ngọc Vân (Hà Nội), trưởng thành qua nhiều năm học tập và làm việc ở nước ngoài. Năm 2022, chị bắt đầu cầm máy, khởi đầu một hành trình đặc biệt: dùng nhiếp ảnh để lưu giữ vẻ đẹp Việt Nam, đặc biệt là những giá trị đang dần bị lãng quên như các làng nghề truyền thống. Hiện Helena Vân đang là Đại sứ PSA (Hiệp hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ) tại Việt Nam.

Nữ nhiếp ảnh gia chia sẻ: "Với tôi, nhiếp ảnh không đơn thuần là một bộ môn nghệ thuật, mà còn là cách kể chuyện, chạm đến tâm hồn và gợi mở ký ức văn hóa dân tộc. Qua từng khung hình, tôi muốn truyền tải niềm tự hào, yêu thương với đất và người Việt, góp phần gìn giữ những 'hạt ngọc' truyền thống đang dần phai mờ trong dòng chảy hiện đại".

Về cuốn sách ảnh "Làng nghề truyền thống Việt Nam", Helena Vân cho biết, cuốn sách được thực hiện trong suốt hai năm (2022-2024), gồm 170 trang với khoảng 200 bức ảnh đầy tính nghệ thuật và tư liệu, khắc họa chân thực 14 làng nghề tiêu biểu từ Bắc tới Nam.

 Hình ảnh người dân làng chài ra khơi đánh bắt.

Hình ảnh người dân làng chài ra khơi đánh bắt.

Từ làng gốm cổ Phù Lãng (Bắc Ninh), làng chạm bạc Đồng Xâm (Thái Bình), đến nghề làm muối Hòn Khói (Khánh Hòa) hay nghệ thuật in sáp ong của người Dao Tiền và người Mông – mỗi khung hình là một câu chuyện, một lát cắt sinh động về đời sống lao động, văn hóa và niềm kiêu hãnh nghề nghiệp của người Việt.

Làng nghề truyền thống Việt Nam không chỉ là tập hợp những khuôn hình đẹp mà còn là hành trình đầy cảm xúc với những trải nghiệm sống động mang theo hơi thở của đất, của người, của những vùng quê Việt. Tác phẩm là lời tri ân đến những nghệ nhân đồng thời cũng là lời kêu gọi giữ gìn những giá trị truyền thồng để chúng không bị phai mờ giữa nhịp sống hiện đại đầy hối hả.

 Những bức ảnh chân thực.

Những bức ảnh chân thực.

 Cuốn sách không chỉ tôn vinh bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, những bức ảnh còn đánh thức trong lòng người xem ký ức tuổi thơ, gợi nhắc về một Việt Nam mộc mạc, dung dị và bền bỉ giữ gìn truyền thống giữa guồng quay hiện đại.

Cuốn sách không chỉ tôn vinh bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, những bức ảnh còn đánh thức trong lòng người xem ký ức tuổi thơ, gợi nhắc về một Việt Nam mộc mạc, dung dị và bền bỉ giữ gìn truyền thống giữa guồng quay hiện đại.

"Đặc biệt, cuốn sách còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc khi một phần doanh thu sẽ được trích để xây dựng tủ sách miễn phí cho trẻ em vùng sâu, vùng xa – tiếp thêm ánh sáng tri thức và nuôi dưỡng tình yêu quê hương qua từng trang sách", nữ nhiếp ảnh gia chia sẻ.

Qua từng bức ảnh, Helena Vân không chỉ ghi lại vẻ đẹp thị giác mà còn khơi gợi sự thấu cảm và kết nối. Đó là một lời tri ân sâu sắc với di sản Việt, là tiếng lòng của người con xa xứ trở về để kể câu chuyện đất nước bằng ánh nhìn chan chứa yêu thương và đầy tinh thần gìn giữ.

“Làng nghề Truyền thống Việt Nam” không chỉ là một cuốn sách ảnh, đó là hành trình của trái tim, của nghệ thuật và của khát vọng lan tỏa vẻ đẹp Việt đến gần hơn với thế giới.

Hà Trang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ngam-lang-nghe-truyen-thong-viet-nam-duoi-ong-kinh-hien-dai-post730560.html