Ngắm nhìn Việt Nam từ tàu lửa
Thử trải nghiệm hành trình du lịch chậm trên tàu lửa ở Việt Nam, Natalie Compton, cây viết của báo Washington Post, đã cảm nhận được nhiều điều hứng thú cũng như vẻ đẹp nên thơ của đất nước hình chữ S.
Theo Natalie Compton, ở những nơi như Nhật Bản và Tây Âu, tàu lửa có thể là cách đi lại hiệu quả nhất. Không phải như đi máy bay, phải mất vài giờ có mặt ở sân bay trước khi khởi hành, tàu lửa ít thủ tục an ninh và giảm thiểu khả năng hủy chuyến.
Nhưng với Đông Nam Á, nơi các chuyến bay giá rẻ đang thịnh hành, lựa chọn di chuyển bằng máy bay là ưu tiên số một. Bạn có thể bay từ Bangkok đến Lào trong 70 phút với giá chỉ 50 USD hoặc đến Bali trong khoảng 4 giờ với 100 USD. Và khi bạn đi du lịch từ Mỹ với số ngày nghỉ hạn chế, những chuyến bay đó sẽ cho phép bạn khám phá nhiều hơn trong thời gian ngắn.
Nhưng Compton muốn trải nghiệm mới lạ hơn trong chuyến đi đầu tiên trở lại châu Á kể từ sau đại dịch Covid-19 và cũng là chuyến trở lại Việt Nam kể từ năm 2016.
Chia sẻ trên báo Washington Post, cô nói: “Tôi muốn nhìn đất nước này theo một cách khác. Vì vậy, tôi quyết định bỏ chuyến bay ngắn từ TPHCM đến Hà Nội và thay vào đó là đi 2 chuyến tàu đêm trong 3 ngày”.
Theo cô, chuyến tàu rất lãng mạn khi di chuyển chậm, đi qua những vùng nông thôn xanh ngát của Việt Nam và cũng là cơ hội để thử một số món ăn trên tàu (một trò tiêu khiển yêu thích của cô).
Đầu tiên là chuyến đi xuyên đêm kéo dài 22 giờ 44 phút trên chuyến tàu tốc hành Thống Nhất, với vé giường nằm mềm giá 64 USD đi từ TPHCM đến cố đô Huế - một điểm nóng ẩm thực hiện nay. Trong suốt hành trình, các nhân viên thường xuyên bán cà phê, đồ ăn nhẹ và các bữa ăn như cơm đùi gà, súp và cháo thịt heo.
Tàu cũng thỉnh thoảng dừng đủ lâu đón trả khách và để khách mua đồ ăn nhẹ từ những người bán hàng trong ga, cả đồ đóng gói và đồ ăn nóng. Khi tàu dừng ở Đà Nẵng khoảng 10 phút, Compton nhảy xuống ăn món kem khoai môn ngon lành.
Sau một đêm ở khách sạn và một ngày ở Huế, cô lên đường đi Hà Nội trên tàu Lotus Express, loại tàu du lịch giường nằm đẹp hơn gồm giường nằm (phòng 4 giường) và “phòng VIP” (phòng 2 giường). Cô chọn giá phòng 4 giường, thời gian di chuyển 15 giờ, giá 72 USD. Khoang tàu có vẻ giống với tàu tốc hành Thống Nhất, nhưng có WiFi, nệm dày hơn, nhiều đồ trang trí đẹp hơn, một ly rượu vang miễn phí, một túi đồ ăn nhẹ. Đa số khách du lịch chọn phương án này.
Cả hai sáng trên tàu, Compton đều thức dậy từ lúc bình minh và đi bộ trên hành lang tàu. Đây là những khoảnh khắc yêu thích của cô trong cuộc hành trình. Tàu đi qua những tán lá rừng rậm rạp, bãi gỗ, trang trại ngỗng, cánh đồng lúa, những đầm trâu, thuyền đánh cá và đại dương xanh mát mắt.
Đó chính xác là những gì cô đã hình dung về chuyến đi - điều mà cô sẽ không bao giờ nhìn thấy trên các chuyến bay. Cô đã dán mắt vào cửa sổ hàng giờ liền.
Từ kinh nghiệm của riêng mình, Compton chia sẻ, nếu có thể thực hiện lại chuyến du lịch bằng tàu lửa ở Việt Nam, cô sẽ không đi liên tục trên tàu mà sẽ chia hành trình thành nhiều chặng và nhiều ngày hơn, dành nhiều thời gian hơn ở Huế và sẽ chọn nhiều loại tàu để có thêm nhiều trải nghiệm.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ngam-nhin-viet-nam-tu-tau-lua-post689584.html