Ngẫm vặt: Tiền lẻ…

Cán bộ Sở ném 25k tiền lẻ trong quán ăn

Cán bộ Sở ném 25k tiền lẻ trong quán ăn

1. Mỗi khi đi chợ bán rau về, mẹ tôi thường ngồi trước hiên nhà, bỏ nón ra để quạt, rồi cẩn thận lần chiếc túi vải, lôi mớ tiền lẻ trong đó ra, đếm đi đếm lại. Đó là những tờ tiền có mệnh giá 100 đồng, 200 đồng, 500 đồng, 1000 đồng, 2000 đồng, 5000 đồng. Tuyệt nhiên tôi chưa hề thấy trong túi vải của mẹ có tờ mệnh giá 10.000 đồng nào cả. Trong số tiền lẻ mẹ tôi đang đếm đó, có tờ đã chớm bạc màu, có tờ nhàu nhĩ, có tờ cáu bẩn, có tờ đã rách bươm. Hẳn những tờ tiền kia đã trải qua không biết bao nhiêu tay người cầm nắm, bao nhiêu cuộc mua bán, bao nhiêu giọt mồ hôi, bao nhiêu phiên chợ, bao nhiêu gánh hàng… Nó cũng nếm bao mùi vị trầm luân của chốn “chợ đời”.

Đếm xong, mẹ tôi tỉ mẩn vuốt từng tờ tiền lẻ lại phẳng phiu, rồi xếp nó theo đúng mệnh giá, mỗi loại mệnh giá thành mỗi tệp, rồi lại cất vào túi vải, buộc dây lại cẩn thận, cất vào chiếc rương gỗ cũ kĩ đặt nơi góc nhà. Có hôm đếm xong, mẹ tôi ngồi bần thần hồi lâu, rồi nói bâng quơ như nói với chính mình: “Rau hôm nay rẻ quá, ở chợ hàng nào cũng ế. Đành phải bán cất để về sớm. Cả gánh rau khoai lang hơn ba chục bó, mà chỉ bán được mỗi ba nghìn rưỡi”. Rồi mẹ tôi thở dài. Tiếng thời dài của mẹ hằn sâu vào tâm trí tôi đến tận bây giờ.

Câu chuyện trên cách nay đã mấy chục năm rồi. Giờ mẹ tôi đã không còn nữa. Nhưng tiếng thở dài của bà khi tỉ mẩn vuốt thẳng những đồng tiền lẻ sau phiên chợ quê đã rách bươm, cáu bẩn trên tay sẽ ám ảnh tôi suốt cả cuộc đời.

2. Có lần đi làm, khi qua đường Giải Phóng, sát cổng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi đã suýt nữa thì tông xe phải một chị buôn đồng nát. May sao, tôi phanh kịp, nhưng cũng suýt ngã. Bực lắm, chưa kịp buông lời cáu gắt thì đã thấy chị ấy miệng toe toét cười và chạy lại xin lỗi rối rít.

Hóa ra chị ấy đạp xe đi nhặt ve chai, đang đi trên đường thì có đám tang đi qua, người trên xe tang rải tiền lẻ xuống đường, những tờ 1000 đồng, 2000 đồng, 5000 đồng cứ thế mà theo gió cuốn bay tứ tung. Thấy vậy, chị ấy bèn dừng xe lại để nhặt. “Chịu khó nhặt có khi được dăm chục đấy chú, chứ có hôm nhặt vỏ lon cả buổi đem ra cân bán cũng chị được hai chục”, chị đồng nát phân trần. “Nhưng nguy hiểm lắm, chị phải chú ý quan sát xe cộ qua lại”, tôi nói rồi lên xe đi tiếp.

Vừa đi tôi vừa nghĩ, không hiểu sao đám tang họ lại phải rải tiền lẻ trên đường để làm gì? Người Việt bắt đầu thói quen này hay cái phong tục này du nhập vào Việt Nam từ khi nào nhỉ? Kể cũng lạ.

3. Có lần cùng đứa em họ đi siêu thị mua đồ. Lúc thanh toán, còn dư lại ít tiền lẻ. Em nhân viên ở quầy thanh toán bảo: “Anh lấy kẹo nhé”. “Anh không, em đưa lại tiền lẻ cho anh”. Em nhân viên không nói gì, nhưng có vẻ cũng hơi khó chịu, cúi xuống rút ngăn kéo, trả lại cho tôi 6.000 đồng tiền lẻ. Lúc ra cửa, đứa em họ tôi véo tay tôi: “Anh ki quá, như em thì chả lấy lại mấy đồng lẻ ấy làm gì”. Tôi cười bảo: “Tiền lẻ thì cũng là tiền mà, mà nó là của mình, mình lấy lại thì có làm gì sai đâu”.

Lúc về, dừng lại chỗ ngã tư, tôi rút mấy đồng tiền lẻ ấy ra, bỏ vào chiếc mũ của người ăn xin đang ngồi bên vỉa hè. “Tiền lẻ cũng có giá trị của nó. Đó là khi biết dùng đúng chỗ”, tôi nhấn ga rồi nói với đứa em họ. Tôi thấy nó im lặng, không nói gì.

Có thể, với nhiều người, những đồng tiền lẻ không có giá trị gì nhiều (đối với họ), nhưng với nhiều người, nhiều phận đời, nó sẽ mang lại nhiều ý nghĩa. 5000 đồng, không đáng gì ư? Lạm phát, trượt giá, cầm tờ 5000 đồng cũng như không ư? Không đâu. 5000 đồng là giá một chiếc bánh mì, một chai nước uống, một niềm vui, một hạnh phúc nho nhỏ cho một người vô gia cư đang phải chịu nhịn đói nhịn khát lâu ngày đấy. Ai bảo nó không giá trị?

4. Lại một lần khác, tôi ngồi cà phê. Đối diện quán tôi ngồi là một trường cấp ba. Đang ngồi thì có một nhóm các em học sinh ra ngồi uống nước. Gọi đồ uống xong, một vài em còn gọi cả thuốc lá để hút. Nhìn những gương mặt trẻ măng, quả thực tôi không dám nghĩ đây là những học sinh cá biệt. Càng ngạc nhiên hơn, lúc thanh toán, có em học sinh nam rút ra cả xấp tiền mệnh giá 500.000 đồng ra để thanh toán (tôi đoán xấp tiền đó có thể lên đến cả dăm triệu đồng). “Nay dày đạn thế?”, một học sinh trong nhóm hỏi. “Rút được của ông bà già”. “Không biết à?”. “Để cả tủ đầy, tao rút mỗi tệp một tờ, biết thế chó nào được”.

Đoạn thoại giữa mấy cậu học sinh ngắn, không dài. Nhưng có lẽ đủ để người nghe trong quán (gồm cả tôi) phải ngẫm ngợi nhiều. Hẳn thói quen “rút” (lấy cắp) tiền của bố mẹ của cậu học sinh nói trên không phải lần đầu. Và hẳn bố mẹ cậu học sinh ấy cũng rất nhiều tiền nên mới không để ý đến những cú “chôm chỉa” kia (mà thực ra có biết thì với họ không đáng bao nhiêu, không đáng phải để ý). Nhưng thói quen đó, hẳn sẽ trở thành tai họa sau này. Tự nhiên tôi lại tưởng tượng ra sau này cậu học sinh kia trở thành một vị quan chức nhà nước, có chức tước, giữ tay hòm chìa khóa, thì rồi… sẽ ra sao nhỉ? Quả thực, tôi không muốn nghĩ tiếp.

5. Cũng lâu rồi, người đời đã quen và nói với nhau về những tầng lớp – mà câu cửa miệng dành cho tầng lớp này là: “tiêu cả quyển”. Đó là chỉ những tầng lớp những người giàu mới nổi và muốn thể hiện, những người bỗng nhiên trúng quả (đất đai giải phóng mặt bằng được đền bù, những cú buôn xuyên biên giới chẳng hạn), và cả một nhóm “không nhỏ” là giới công chức nhà nước. “Tiêu cả quyển” là chi tiêu không cần suy nghĩ, mỗi khi đi đâu, làm gì là họ vung vãi tiền bạc ra chi tiêu vô tội vạ để thể hiện “đẳng cấp” của mình. Thứ “đẳng cấp” đó như là thứ để họ che đậy đi quá khứ (từng) nghèo khó của mình. Tầng lớp này, họ đã quên những đồng tiền lẻ. Họ không bao giờ đếm xỉa đến nó. Nên, họ cũng không biết những câu chuyện thấm đẫm mồ hôi (và cả nước mắt) đằng sau những đồng tiền lẻ.

Những đồng tiền lẻ bị hắt hủi, bị bỏ rơi, bị đẩy xuống nấc thang cuối cùng của thang giá trị tiền tệ. Nó đành cam lòng gắn bó, làm phương tiện trao đổi cho tầng lớp dân nghèo dưới đáy của xã hội. Có khi nào đó, chúng ta thử cầm những tờ tiền lẻ lên ngắm nghía, hẳn sẽ cảm thấy được vòng đời trầm luân của nó cũng gắn với với bao phận người cũng… trầm luân.

Câu chuyện một vị công chức ở nơi “thành phố đáng sống” (theo câu slogan mà địa phương này quảng cáo trên tivi) hành hung nhân viên quán ăn, ném tiền tung tóe vì nhân viên quán ăn này đã “dám/trót/nhỡ” thối lại cho con anh ta hơn hai chục nghìn đồng toàn là tiền lẻ đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Tất nhiên, sự “quan tâm” ở đây chính là bất bình, phẫn nộ.

Việc đúng – sai của vị công chức này, hẳn để cho cơ quan quản lý ông ta và cơ quan hành pháp minh định, xem xét, xử lý. Nhưng việc anh ta vung tay ném lại cả mớ tiền lẻ trước quán ăn đủ để cho thấy thân/vị thế anh ta dứt khoát không tầm thường. Rất có thể anh ta thuộc vào tầng lớp “tiêu cả quyển” (như vừa nói trên). Nên tay anh ta không quen… cầm tiền lẻ.

Hà Nội, ngày 03-10-2022 - NPQ

Người Phủ Quảng

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ngam-vat-tien-le-a15596.html