Ngăn cản phụ nữ tham gia học tập là hành vi bạo lực gia đình?

ĐBQH đề nghị Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) bổ sung các hành vi bạo lực gia đình: Ép tự tử, làm nhục người khác, ngăn cản phụ nữ tham gia học tập.

Hành vi bạo lực gia đình áp dụng cả với người đã ly hôn, sống như vợ chồng?

Chiều ngày 26/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị khoản 1 quy định khái quát thành các nhóm hành vi bạo lực gia đình.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị xếp loại theo các nhóm hành vi bạo lực về thể xác, bạo lực về tinh thần, bạo lực về tình dục và các loại bạo lực khác; một số ý kiến góp ý về nội dung các điểm quy định về hành vi bạo lực gia đình.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, hầu hết các hành vi bạo lực gia đình đều được thể hiện dưới dạng cụ thể của bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục hoặc bạo lực kinh tế.

“Tuy nhiên, có hành vi bạo lực tác động đến người bị bạo lực gia đình dưới dạng đan xen nhiều hình thức khác nhau, nên nếu quy định khái quát thành 4 nhóm hành vi bạo lực gia đình thì có thể trùng lắp, bỏ sót hoặc không bao quát hết các hành vi bạo lực gia đình” - bà Nguyễn Thúy Anh nêu.

Do vậy, dự thảo Luật tiếp tục quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình và được rà soát, chỉnh lý các điểm quy định về hành vi bạo lực gia đình tại khoản 1 Điều này trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý để làm rõ nghĩa hơn một số hành vi bạo lực gia đình tại khoản 1.

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với quy định tại khoản 2, song đề nghị rà soát kỹ bởi một số hành vi bạo lực gia đình quy định tại khoản 1 không áp dụng được đối với đối tượng được quy định tại khoản 2. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị bỏ khoản này.

Có ý kiến đề nghị bỏ đối tượng áp dụng là người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người là anh, chị, em của người đã ly hôn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng là “người tình” của vợ, chồng đã ly hôn và con riêng của vợ, chồng hoặc của người đang chung sống với nhau như vợ chồng, con riêng của người đã ly hôn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, trong thực tế có nhiều trường hợp nam, nữ không hoặc chưa kết hôn nhưng vẫn sống với nhau như vợ chồng, hoặc có trường hợp vợ chồng tuy đã ly hôn, mối quan hệ giữa họ không là quan hệ gia đình theo Luật Hôn nhân và gia đình song là mối quan hệ rất đặc thù dễ nảy sinh các tương tác, tiếp xúc trong cuộc sống, từ đó gia tăng nguy cơ xảy ra hành vi bạo lực.

Ngoài ra, còn có nhiều vụ việc bạo lực gia đình liên quan đến thành viên gia đình của người đã ly hôn hoặc người chung sống với nhau như vợ chồng. Xuất phát từ nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình “lấy người bị bạo lực gia đình là trung tâm” thì mọi hành vi bạo lực xuất phát từ mối quan hệ gia đình giữa những đối tượng này và giữa những đối tượng này với người thân của hai bên cũng cần thiết phải áp dụng quy định của Luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình; xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình.

Do vậy, để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn và bảo đảm tính khả thi, trên cơ sở nghiên cứu và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật như thể hiện tại khoản 2 Điều 3 và giao Chính phủ quy định chi tiết khoản này để tăng tính chặt chẽ của quy định.

Ngoài ra, tại khoản 1, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung các hành vi: “ép tự tử, bức tử”, “làm nhục người khác”, “ngăn cản phụ nữ tham gia học tập”, “cưỡng ép mang thai hộ” và “các hành vi bạo lực khác được quy định trong pháp luật”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, các điểm a, b, d, e, h và m đã bao hàm các hành vi nêu trên. Ngoài ra, dự thảo Luật đang được xây dựng và chỉnh lý theo hướng quy định rõ các hành vi bạo lực gia đình để dễ nhận diện, thuận tiện cho công tác tuyên truyền, bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch của văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, xin Quốc hội cho giữ quy định như dự thảo Luật.

Có nên giữ người bạo lực gia đình trong 6 giờ ở trụ sở công an?

Đại biểu Bế Minh Đức - đoàn đại biểu Quốc hội Cao Bằng cho rằng, thời gian tối đa người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an xã giải quyết vụ việc không quá 6 giờ. Tuy nhiên ngoài thời hạn trên nên bổ sung quy định thời hạn người có hành vi bạo lực gia đình có mặt ở trụ sở công an xã tính từ thời gian nhận được yêu cầu của công an xã.

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Để đảm bảo tính kịp thời trong giải quyết, tránh chây ì kéo dài thời gian thì thời hạn 12h kể từ khi người có hành vi bạo lực gia đình nhận được yêu cầu đối với trường hợp người ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

Trong thực tế có việc người có hành vi bạo lực gia đình không chỉ gây ảnh hưởng, đe dọa đến tính mạng người bị bạo hành, mà còn đe dọa đối với những người xung quanh, cũng như người chống lại hành vi bạo lực gia đình.

Do đó, cần miễn trách nhiệm trong trường hợp người chống lại hành vi bạo lực gia đình chống lại hành vi bạo lực gia đình có thể đe dọa đến tính mạng con người. “Theo đó, người tham gia phòng chống bạo lực gia đình không phải bồi thường về tài sản liên quan đến người có hành vi bạo lực gia đình trong trường hợp hành vi bạo lực gia đình đe dọa đến tính mạng con người” - ông Đức cho hay.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - đoàn Quảng Bình nêu ý kiến về các biện pháp ngăn chặn bạo lực gia đình và bảo vệ người bị bạo lực gia đình.

Đại biểu đoàn Quảng Bình cho biết, theo dự thảo, công an cấp xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an để làm rõ thông tin, giải quyết vụ việc. Nếu người có hành vi bạo lực không đến, thì công an xã có trách nhiệm đưa người đến trụ sở công an.

Thời gian yêu cầu là không quá 6 giờ cho mỗi lần yêu cầu, tức là giữ lại trụ sở không quá 6 giờ. So với luật hiện hành thì đây là biện pháp mới được bổ sung.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, cơ quan công an cần can thiệp kịp thời những hành vi bạo lực gia đình để bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người bị bạo lực. Tuy nhiên, đại biểu cũng rất băn khoăn, việc cơ quan công an yêu cầu người bạo lực gia đình đến trụ sở công an trong 6 giờ, không giới hạn số lần là biện pháp tương tự như tạm giữ hành chính của Luật Xử lý hành chính, thậm chí vượt trên cả biện pháp tạm giữ hành chính.

Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định rất rõ: Với các hành vi gây rối, gây thương tích cần ngăn chặn, thì thời hạn quy định tạm giữ là không quá 12 giờ, cần thiết gia hạn thì cũng không quá 24 giờ. Khi tạm giữ thì phải có thông báo cho gia đình, cơ quan, tổ chức, người tạm giữ có chế độ ăn, ở…

"Còn đối với dự thảo thì chúng ta đang đưa ra rất đơn giản, giữ người có hành vi bạo lực gia đình lại trụ sở công an không quá 6 giờ, không giới hạn số lần, không có quy định về thẩm quyền. Người có hành vi bạo lực gia đình thì công an có trách nhiệm đưa đến trụ sở nhưng không biết công an đưa bằng cách nào, có phải là áp giải không" - đại biểu Cường phân tích.

Những quy định nêu trên cần phải hết sức thận trọng, nhất là trong điều kiện chúng ta đang đề cao xây dựng nhà nước pháp quyền, bảo vệ quyền con người, quyền công dân tránh việc sơ hở, lạm dụng của các quy định. Theo đó, không cần phải quy định biện pháp tạm giữ người có hành vi bạo lực gia đình trong 6 giờ, không giới hạn số lần tại trụ sở công an, vì pháp luật đã có quy định về tạm giữ hành chính.

Quỳnh Nga - Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngan-can-phu-nu-tham-gia-hoc-tap-la-hanh-vi-bao-luc-gia-dinh-224697.html