Ngăn chặn bong bóng giá nhà chung cư
Từ đầu năm 2024 đến nay, giá nhà chung cư ở một số thành phố lớn tăng đáng kể. Theo nghiên cứu mới công bố của đơn vị tư vấn bất động sản, giá nhà chung cư trung bình ở Hà Nội trong quý I-2024 tại thị trường sơ cấp (do chủ đầu tư bán ra) lên đến 56-59 triệu đồng/m2, tăng liên tục trong nhiều quý gần đây.
Mức giá ở thị trường thứ cấp, mua đi bán lại, còn cao hơn nữa. Điều này khiến thị trường có thể rơi vào tình trạng bong bóng, giá nhà được đẩy lên quá cao so với giá trị thực, tiềm ẩn nhiều hệ lụy.
Giá nhà chung cư bị đẩy lên cao trước hết do nguồn cung thiếu hụt, ít dự án mở bán mới, đặc biệt, phân khúc nhà ở bình dân ngày càng vắng bóng. Khan hiếm nguồn cung khiến người dân ít lựa chọn hơn khi muốn tìm chốn an cư. Người bán thì liên tục tăng giá, đẩy thị trường vào tâm lý nếu không mua nhanh thì giá còn tăng nữa. Sản phẩm nhà chung cư dù để bán hay cho thuê đều phục vụ trực tiếp nhu cầu của đại bộ phận người dân, nhất là tại đô thị.
Do vậy, biến động giá của phân khúc này tác động lớn đến đời sống người dân, làm chi phí sinh hoạt tăng cao, gây khó khăn cho việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu về chỗ ở. Bong bóng giá nhà bị thổi phồng cũng tác động tiêu cực, lâu dài đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản, cung-cầu ngày càng lệch pha, dư thừa nhà ở cao cấp, thiếu hụt trầm trọng nhà vừa túi tiền.
Để ngăn chặn tình trạng bong bóng bất động sản, trong đó có phân khúc nhà chung cư, giải pháp cấp thiết là cần bổ sung nguồn cung, chú trọng các sản phẩm nhà ở bình dân, giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu thị trường. Trước hết, cần đẩy nhanh chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, các đối tượng chính sách, lực lượng vũ trang... Tăng cường giải pháp khuyến khích, hỗ trợ để huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế tham gia vào chương trình này. Hiện nay, nhiều dự án nhà ở thương mại đang gặp vướng mắc về pháp lý, triển khai bị đình trệ, cần phân loại thành các nhóm vướng mắc, gắn với trách nhiệm của từng ngành, từng cấp để khơi thông ách tắc, sớm đưa sản phẩm ra thị trường.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng đang nghiên cứu, xây dựng chính sách cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất khác, không phải đất ở, nếu phù hợp với quy hoạch. Nội dung này nếu được thông qua có thể tăng thêm quỹ đất cho nhà ở thương mại, từ đó cung cấp thêm cho thị trường sản phẩm mới. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở thương mại cần bảo đảm yêu cầu đồng bộ về cơ sở hạ tầng cũng như dịch vụ xã hội, tránh dẫn đến dồn nén, gây tắc đường, quá tải trường học, bệnh viện...
Phát triển nhà ở cần gắn liền với việc kéo giãn không gian đô thị, phân bố dân cư hợp lý, hạn chế dồn nén vào trung tâm. Cần thúc đẩy hơn nữa việc triển khai các dự án giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển, giúp người dân vùng ngoại ô dễ dàng tiếp cận với trung tâm thành phố. Nguồn cung bất động sản nhờ đó sẽ được cải thiện khi quỹ đất tại vùng ven được khai thác, người dân có điều kiện lựa chọn chốn an cư, đồng thời, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/ngan-chan-bong-bong-gia-nha-chung-cu-772932