Ngăn chặn hành vi mua bán, nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã

Theo bạn đọc phản ánh, mặc dù các cơ quan chức năng đã triệt phá thành công nhiều vụ án, khởi tố và bắt tạm giam nhiều bị can về hành vi nuôi nhốt, mua bán trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) và các sản phẩm từ động vật hoang dã, nhưng tình trạng này chưa có dấu hiệu 'hạ nhiệt' và để đối phó với lực lượng chức năng, loại tội phạm này thường sử dụng rất nhiều 'chiêu trò', thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó lường.

Hai cá thể hổ do Đồng Xuân Công ở thôn Chuẩn Thừng, xã Kim Đính, huyện Kim Thành nuôi nhốt trái phép, bị cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương phát hiện. (Ảnh MINH HẢO)

Hai cá thể hổ do Đồng Xuân Công ở thôn Chuẩn Thừng, xã Kim Đính, huyện Kim Thành nuôi nhốt trái phép, bị cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương phát hiện. (Ảnh MINH HẢO)

Mua hổ trên mạng về nuôi

Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đồng Xuân Công (SN 1980, ở thôn Chuẩn Thừng, xã Kim Đính, huyện Kim Thành) về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.

Trước đó, các cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an tỉnh Hải Dương phối hợp Chi cục Kiểm lâm tỉnh kiểm tra, phát hiện ông Đồng Xuân Công nuôi, nhốt trái phép 2 cá thể hổ tại khu vực ao cá ở bãi ngoài đê Đầm Châm, thuộc xã Đại Đức, huyện Kim Thành. Mỗi cá thể hổ nặng khoảng 70 kg, tình trạng sức khỏe bình thường, được nuôi nhốt trong cùng một lồng thép.

Bước đầu ông Công khai nhận đã mua 2 cá thể hổ trên qua mạng xã hội để về nuôi. Theo kết luận giám định của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 2 cá thể có tên khoa học Panthera Tigris, nằm trong danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ... Hiện các cán bộ Công an tỉnh Hải Dương đang tiếp tục điều tra, mở rộng.

Trước đó, tại khu vực trước cổng Khu công nghiệp Phúc Sơn, đường Trần Nhân Tông, phường Ninh Sơn, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, các cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an tỉnh Ninh Bình phát hiện, lập biên bản bắt giữ người có hành vi phạm tội quả tang đối với Nguyễn Văn Dũng (SN 1995, trú tại Thôn 6, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk), khi đang trên đường vận chuyển 1 bình thủy tinh chứa dung dịch màu vàng, trong đó có 2 cá thể rắn hổ mang chúa… từ Đắk Lắk ra thành phố Ninh Bình để bán cho một người tên Thịnh với giá 20 triệu đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Dũng về tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo Khoản 1, Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)…

Thực tế cho thấy, để thực hiện hành vi phạm tội, loại tội phạm này thường sử dụng các phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, như: Chỉ bán hàng hóa đặc biệt này cho khách hàng quen, khách “ruột” thông qua mạng xã hội. Khi vận chuyển thường giấu vào các hàng hóa nông sản, may mặc...

Lợi dụng hoạt động gây nuôi sinh trưởng để hợp thức hóa thủ tục giấy tờ, đồng thời che giấu hành vi vận chuyển, buôn bán, giết mổ trái phép ĐVHD. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa chưa nhận thức đầy đủ, thậm chí hám lợi đã tiếp tay cho hoạt động săn bắt, giết mổ, mua bán, vận chuyển thuê ĐVHD trái phép.

Hoạt động cấp phép nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng ĐVHD còn nhiều bất cập trong việc truy xuất nguồn gốc và kiểm soát đặc điểm sinh học của từng cá thể. Giấy xác nhận nguồn gốc, xuất xứ của ĐVHD không quy định thời gian hết hạn và không ghi mục đích xuất, bán ĐVHD. Việc khai thác lâm sản và buôn bán động vật, sản phẩm ĐVHD thường đem lại lợi nhuận cao đã khiến một số đối tượng bất chấp, liều lĩnh thực hiện hành vi phạm tội.

Trường hợp bị phát hiện, truy bắt các đối tượng thường tỏ ra manh động, liều lĩnh, sẵn sàng chống đối lại lực lượng chức năng. Trong một số vụ án, các đối tượng còn sử dụng xe ô-tô mang BKS nước ngoài để vận chuyển trái phép số lượng lớn ĐVHD từ bên kia biên giới vào Việt Nam. Tuy nhiên, khi xác minh nguồn gốc tang vật (ĐVHD và phương tiện phạm tội) tại nước bạn thường rất khó khăn, bởi nếu áp dụng hình thức hỗ trợ tư pháp quốc tế để xử lý các hành vi vi phạm này thì thường kéo dài, trong khi thời hạn điều tra vụ án ngắn.

Ngoài ra, công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng trong phòng, chống tội phạm về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ ĐVHD có lúc, có thời điểm chưa chủ động, kịp thời. Nguồn kinh phí để trang bị phương tiện cho lực lượng đặc biệt này còn hạn chế, trong đó kinh phí để tiêu hủy vật chứng là ĐVHD trong các vụ việc, vụ án lại không có.

Ngăn chặn bằng nhiều biện pháp

Theo Thiếu tá Vũ Hữu Hoàn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường Công an tỉnh Ninh Bình, để ngăn chặn có hiệu quả loại tội phạm này, lãnh đạo phòng đã kiến nghị với Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các huyện, thành phố phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 17/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài ĐVHD trái pháp luật, trong đó, chú trọng huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và toàn dân đối với công tác này; đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của công dân trong phòng ngừa, đấu tranh với hành vi vi phạm và xâm hại các loài ĐVHD trái pháp luật; tạo thành dư luận xã hội lên án nghiêm khắc các vi phạm này, đồng thời xử lý nghiêm nhằm tạo tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung; thực hiện tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, nắm chắc tình hình địa bàn, thường xuyên điều tra, khảo sát, lập danh sách các đối tượng có dấu hiệu, hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, từ đó có đối sách phòng ngừa và đấu tranh cụ thể; tăng cường công tác phối hợp trong hoạt động kiểm tra, đấu tranh, xử lý kết hợp các biện pháp nghiệp vụ công an tại các cơ sở, địa bàn có nguy cơ cao trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, các cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh cũng kiến nghị Bộ Công an tăng cường mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng trực tiếp làm công tác phòng ngừa, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật liên quan ĐVHD, qua đó, từng bước góp phần nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng công an các đơn vị địa phương.

Hai nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng săn bắt, mua bán trái pháp luật ĐVHD vẫn tồn tại là do nhận thức, nhu cầu sử dụng ĐVHD cũng như các sản phẩm ĐVHD để trang trí, vật phẩm phong thủy và làm thuốc chữa bệnh. Ngoài ra, việc mua bán trái pháp luật ĐVHD, nhất là các loài nguy cấp, quý hiếm thường mang lại giá trị lợi nhuận rất cao...

HÀ HẢI BÌNH

Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm,

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Từ năm 2018 đến 2023, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường và công an các địa phương đã phát hiện 2.806 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD, trong đó xử lý hình sự 971 vụ/1.153 đối tượng; xử lý vi phạm hành chính 1.475 vụ/1.550 cá nhân/121 tổ chức với tổng số tiền hơn 21 tỷ đồng.

(Nguồn: Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm

về môi trường, Bộ Công an)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ngan-chan-hanh-vi-mua-ban-nuoi-nhot-trai-phep-dong-vat-hoang-da-post813553.html