Ngăn chặn hành vi mua bán pháo trái phép

Những năm gần đây, hành vi vận chuyển, tàng trữ, buôn bán pháo nổ đã được xử lý rất mạnh tay, tuy nhiên, vì lợi nhuận cũng như nhu cầu trong nước khá lớn, các đối tượng vẫn bất chấp để vi phạm.

Liên tiếp triệt phá, bắt giữ nhiều đối tượng

Càng gần đến thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo diễn biến càng phức tạp, nhất là hoạt động chế tạo, sản xuất, sử dụng pháo trái phép.

Cùng với sự quyết liệt đấu tranh với tội phạm liên quan đến pháo nổ trên cả nước, lực lượng Công an TP Hà Nội đã ra quân triệt phá hàng chục vụ tàng trữ, vận chuyển trái phép pháo nổ, pháo hoa, khởi tố, bắt giữ nhiều đối tượng, thu giữ số lượng lớn pháo nổ ngay trong những ngày đầu ra quân đảm bảo an ninh Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Đơn cử, ngày 22/12/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Đào Văn Quý (sinh năm 1983), Đào Đức Hiển (sinh năm 1982), cùng ở thôn An Duyên, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín và Trần Văn Luân (sinh năm 1992, ở xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín) về hành vi "Buôn bán hàng cấm", "Vận chuyển hàng cấm" là pháo nổ theo quy định tại Điều 190 và Điều 191 Bộ luật Hình sự.

Các bị cáo trong vụ Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm và Sản xuất buôn bán hàng cấm được đưa ra xét xử tại Tòa án Nhân dân TP Hà Nội. Ảnh: L.V

Các bị cáo trong vụ Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm và Sản xuất buôn bán hàng cấm được đưa ra xét xử tại Tòa án Nhân dân TP Hà Nội. Ảnh: L.V

Trước đó, ngày 17/12/2023, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội phối hợp với Công an huyện Thường Tín bắt quả tang Đào Đức Hiển khi Hiển đang vận chuyển một thùng xốp bên trong có 25 hộp pháo, 5 cuộn pháo dây mang đi tiêu thụ theo chỉ đạo của Đào Văn Quý.

Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận, khoảng tháng 7/2023, thông qua mạng xã hội, Quý đã liên lạc và mua các loại pháo nổ với giá 600.000 đồng/hộp pháo hoa và 300.000 đồng/cuộn pháo dây. Quý thuê một ngôi nhà tại thôn An Duyên, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín để làm kho cất giấu pháo nổ. Ngoài ra, Quý bàn với Trần Văn Luân (là em vợ của Quý) về việc cất giấu pháo tại nhà của Luân. Sau đó, Quý bán pháo nổ cho những người có nhu cầu sử dụng và thuê Đào Đức Hiển làm người vận chuyển pháo đi giao cho người mua.

Tiến hành khám xét khẩn cấp kho tại nhà do Quý thuê, lực lượng chức năng phát hiện 314 hộp pháo hoa, 41 cuộn pháo dây, 19 pháo thanh dây. Kiểm tra nhà của Trần Văn Luân, phát hiện 127 hộp pháo hoa, 5 pháo cuộn dây. Trưng cầu Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an TP giám định đối với số pháo đã tạm giữ, kết quả xác định toàn bộ số pháo tạm giữ đều là pháo nổ; tổng trọng lượng 808,3kg.

Ngày 5/1/2024, Công an huyện Thường Tín phát hiện, bắt quả tang Đặng Văn Thinh, sinh năm 1990, thường trú tại thôn Hạ Giáp xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, có hành vi mua bán trái phép hàng cấm (pháo hoa nổ) tại khu vực chợ Hà Vỹ thuộc thôn Hà Vỹ, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín.

Tang vật thu giữ gồm 6 khối hình hộp có cùng kích thước, bên trong có 49 ống hình trụ, là pháo hoa nổ loại giàn 49 quả. Đối tượng khai mang đi bán để kiếm lời. Khám xét trang trại nuôi cá của Đặng Văn Thinh tại khu vực cánh đồng thôn Hạ Giáp, xã Thắng Lợi, lực lượng chức năng thu giữ 71 khối, tổng trọng lượng hơn 80kg.

Xử nặng với các hành vi liên quan đến pháo

Đồng thời với việc thu giữ, bắt quả tang, Tòa án Nhân dân các cấp tại Hà Nội cũng đã đưa ra xét xử các vụ án liên quan đến pháo nổ. Theo đó, ngày 1/2, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đưa các bị cáo Đỗ Văn Thanh (SN 1992, ở Ba Vì), Đặng Phương Nam (SN 1992, ở Thạch Thất), Khuất Văn Đạt (SN 1994, ở Phúc Thọ) ra xét xử về tội Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm và Sản xuất buôn bán hàng cấm. Theo cáo trạng, Đỗ Văn Thanh biết Hạ Văn Quân (SN 1990, ở Vĩnh Phúc) qua mạng internet.

Ngày 11/12/2023, Thanh mua của Quân pháo hoa nổ (loại 49 quả/hộp với giá 800.000 đồng/hộp. Sau khi mua, Thanh mang số pháo hoa về nhà ở xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội.

Do có mối quan hệ từ trước với Đỗ Văn Thanh nên Khuất Văn Đạt hỏi mua 30 hộp pháo hoa nổ chơi Tết. Thanh đồng ý bán cho Đạt pháo hoa nổ với giá 950.000 đồng/hộp. Chiều tối ngày 11/12/2023, Thanh điện thoại thuê Đặng Phương Nam đến nhà Thanh nhận pháo hoa nổ và giao cho Đạt.

Tiếp đó, Thanh vào ứng dụng Facebook, sử dụng tài khoản cá nhân đăng thông tin mua bán pháo nổ phục vụ Tết Nguyên Đán 2024. Thanh bị cơ quan chức năng bắt giữ trên đường giao pháo hoa cho khách. Sau khi xem xét, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Thanh mức án 6 năm tù. Hai bị cáo Nam và Đạt lần lượt nhận mức án 9 và 18 tháng tù.

Cùng ngày, Tòa án Nhân dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã tuyên B.Đ.L (sinh năm 2005, ở Hà Tĩnh) 12 tháng tù về tội "Buôn bán hàng cấm" theo quy định tại điểm c khoản 1 điều 190 Bộ luật Hình sự. Trước đó, ngày 23/1, Tòa án Nhân dân quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã tuyên Triệu Văn Hưng (sinh năm 2003, ở xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) 12 tháng tù giam vì tội Buôn bán hàng cấm là pháo hoa nổ.

Tang vật của vụ án tàng trữ, buôn bán, vận chuyển… hơn 800kg pháo nổ. Ảnh: CACC

Tang vật của vụ án tàng trữ, buôn bán, vận chuyển… hơn 800kg pháo nổ. Ảnh: CACC

Về tình hình, diễn biến cũng như tính phức tạp của những vụ việc liên quan đến pháo, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an nhận định, pháo chủ yếu được thẩm lậu qua biên giới Lào, Campuchia, nhất là biên giới các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Tây Ninh, Bình Phước, Long An…

Trong hơn 1 tháng cao điểm (từ ngày 15/12/2023 đến ngày 28/1/2024), Công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện, bắt giữ hơn 1.000 vụ, hơn 2.000 đối tượng, thu hơn 26 tấn pháo các loại. Trong đó, tâm điểm của tập kết pháo lậu vẫn là các tỉnh miền Trung, đặc biệt là các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh với số lượng “hàng” được vận chuyển lên đến hàng tấn pháo.

Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội khuyến cáo, người dân thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và pháo. Thực hiện nghiêm Nghị định 137/2020 của Chính phủ; nếu phát hiện được trường hợp cố ý vi phạm các quy định này cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng địa phương xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

Các hành vi liên quan đến pháo nổ là hành vi bị nghiêm cấm, được quy định tại Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm thì hành vi tự ý chế tạo pháo nổ trái phép có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật về tội “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” theo Điều 305, với mức án cao nhất là tù chung thân. Hoặc “Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm” theo Điều 190 của Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Luật sư Nguyễn Phương Tuyến

Về ngăn ngừa, đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho rằng, việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn thanh thiếu niên vi phạm về pháo không thể phó mặc cho bất cứ một lực lượng, ban, ngành nào mà cần có sự vào cuộc của toàn xã hội. Để đón một năm mới an toàn, bình yên, Bộ Công an khuyến cáo người dân cần nâng cao nhận thức, đồng thời quản lý giáo dục con em trong gia đình chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.

Minh Dương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ngan-chan-hanh-vi-mua-ban-phao-trai-phep.html