Ngăn chặn lao động 'chui'
Theo thống kê, trung bình mỗi năm Việt Nam đưa khoảng 80.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, chiếm hơn 5% tổng số lao động được giải quyết việc làm hàng năm.
Cả nước có khoảng 500.000 lao động đang làm việc tại trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau. Tuy nhiên, dù thời gian qua tỷ lệ lao động đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) theo kênh chính thức tăng nhưng cùng với đó, tỷ lệ lao động đi “chui” cũng tăng theo đáng kể
Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo cách "tự đi" thường không thuộc đối tượng điều chỉnh của các Bản ghi nhớ (MOU) về phái cử và tiếp nhận lao động được ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước tiếp nhận lao động và họ cũng không thông qua các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ. Riêng khu vực châu Âu hàng năm có khoảng 18.000 lao động bất hợp pháp từ Việt Nam sang qua các đường dây đưa người trái phép.
Trong thời gian gần đây, rất nhiều lao động “chui” phải bỏ tính mạng của mình ở nơi “đất khách quê người”. Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Lào Cai, 6 tháng đầu năm 2018, Công an Trung Quốc đã bắt giữ, trao trả tỉnh Lào Cai 452 lao động và lực lượng biên phòng tỉnh xử lý 17 lao động. Trong đó, chủ yếu là lao động tỉnh Lào Cai và một số tỉnh lân cận sang Trung Quốc làm thuê nhưng không làm thủ tục xuất - nhập cảnh theo pháp luật hiện hành của 2 nước...
Việc người lao động đi làm việc theo các kênh không chính thống đồng nghĩa với việc họ có thể gặp rủi ro về tính mạng, sức khỏe, tiền bạc mà không được cơ quan chức năng bảo vệ. Hiện trong các bộ luật của Việt Nam chưa có quy định rõ ràng trách nhiệm của cơ quan nào trong việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ số lao động này để có thể đảm bảo quyền, lợi ích của họ được bảo vệ khi làm việc ở ngước ngoài cũng như khi về nước.
Bên cạnh các đường dây đưa lao động chui ra nước ngoài là tình trạng lao động bỏ trốn. Trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc lao động Việt Nam ra nước ngoài bỏ trốn, lao động chui, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua Bộ và các doanh nghiệp trong nước đã thực hiện cơ bản tốt việc này.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, số lượng người Việt Nam ra nước ngoài tăng nhanh, năm 2017 xấp xỉ 100.000 người, năm 2018 là 143.000 người. Địa bàn xuất khẩu lao động được mở rộng ra một số địa bàn tiềm năng, có hiệu quả như Đức, Úc, Romania, Séc... Lĩnh vực lao động cũng phù hợp, thuận lợi với tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi để người lao động sau khi hết thời hạn quay về phục vụ đất nước.
Thời gian qua Bộ LĐ-TB&XH đã siết rất chặt việc môi giới lao động ra nước ngoài. Hiện có khoảng 345 doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu lao động. Doanh nghiệp ngoài việc môi giới, đưa người lao động ra nước ngoài phải có trách nhiệm quản lý, thậm chí tham gia xử lý nếu có vụ việc sai phạm xảy ra.
Qua 3 năm thực hiện quyết liệt các giải pháp, đến nay tỷ lệ lao động Việt Nam ra nước ngoài bỏ trốn chỉ còn 33%. Bộ LĐ-TB&XH đang khẩn trương chỉnh sửa hoàn thiện để trình Chính phủ luật về đưa người Việt Nam đi lao động nước ngoài.
Để giải quyết triệt để tình trạng này, đòi hỏi lực lượng chức năng của nhiều cấp, ngành như du lịch, công an, hải quan, quản lý thị trường lao động... phải cùng vào cuộc để ngăn chặn, triệt phá các đường dây đưa người đi lao động chui.
Nguồn Công Lý: http://congly.vn/tam-diem-du-luan/ngan-chan-lao-dong-chui-318542.html