Ngăn chặn nguy cơ bùng phát bệnh dịch tả lợn châu Phi
Từ đầu năm 2025 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại nhiều tỉnh, TP, đặc biệt là ở nhiều địa phương khu vực miền Bắc. Dù hầu hết các ổ dịch đều ở quy mô nông hộ nhỏ lẻ và cơ bản được kiểm soát tốt, tuy nhiên nguy cơ bùng phát diện rộng là không thể chủ quan.
14 tỉnh thành phía Bắc đang có dịch
Tại khu vực miền Bắc, Lạng Sơn là địa phương ghi nhận số lượng ổ dịch lớn nhất với 108 ổ dịch tại các thôn, xã. Tổng số lợn mắc bệnh thống kê từ đầu năm 2025 đến nay là 4.817 con. Toàn bộ lợn mắc bệnh đã được chính quyền địa phương tiêu hủy theo đúng quy định.
Có số ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi ít hơn Lạng Sơn, nhưng Cao Bằng lại là tỉnh có số lợn bị mắc bệnh lớn hơn nhiều. Thống kê từ đầu năm 2025 đến nay, trên địa bàn tỉnh này ghi nhận đến 7.201 con lợn bị mắc bệnh và phải tiêu hủy.

Lực lượng chức năng tỉnh Phú Thọ kiểm soát vận chuyển lợn.
Ngay tại Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết từ đầu năm 2025 đến nay cũng ghi nhận một số ổ dịch tả lợn châu Phi, thuộc địa bàn huyện Ba Vì cũ (nay là các xã: Bất Bạt, Cổ Đô, Ba Vì). Tổng số lợn bị mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy từ đầu năm 2025 đến nay của các nông hộ là 56 con.
Cùng với Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Nội, thống kê của Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho thấy, bệnh dịch tả lợn châu Phi còn được ghi nhận tại 11 tỉnh, TP phía Bắc khác. Cụ thể là: Bắc Ninh, Ninh Bình, Hưng Yên, Lào Cai, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Quang Ninh, Lai Châu, Điện Biên và Sơn La.
Kiểm soát giết mổ, vận chuyển lợn bệnh
Theo Cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Dương Tất Thắng, bên cạnh một số ổ dịch lớn xảy ra tại Lạng Sơn, Sơn La, Cao Bằng, hầu hết các ổ dịch tả lợn châu Phi đều ở quy mô nông hộ nhỏ lẻ. Các số liệu thống kê cho thấy, số ổ dịch, số thôn xã có dịch và tổng đàn lợn bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi từ đầu năm 2025 đến nay đều giảm so với cùng kỳ năm 2024.
Tuy nhiên, trước diễn biến không thể chủ quan của bệnh dịch tả lợn châu Phi, đại diện Cục Chăn nuôi và Thú y cho biết đã thành lập hàng chục đoàn công tác, tiến hành kiểm tra, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh tại một số tỉnh thành. Cục cũng đã tổ chức hội nghị, có văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh động vật nói chung, đặc biệt là tăng cường truyền thông phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
“Trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục thành lập các đoàn kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại một số tỉnh chăn nuôi lợn trọng điểm và các địa phương có dịch bệnh kéo dài. Bên cạnh đó, sẽ triển khai các chương trình giám sát nhằm phát hiện sớm, cảnh báo kịp thời nguy cơ dịch bệnh...” - ông Dương Tất Thắng cho biết thêm.
Trước diễn biến còn phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, các địa phương trên cả nước nói chung, khu vực miền Bắc nói riêng, đang tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; khoanh vùng, kiểm soát, xử lý ổ bệnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Hà Nội Nguyễn Đình Đảng cho biết, hiện nay đơn vị đang phối hợp với chính quyền cơ sở đảm bảo cung ứng đầy đủ hóa chất, triển khai thực hiện phun khử trùng, rắc vôi bột, tiêu hủy lợn nhiễm bệnh theo đúng quy định. Đồng thời, tiếp tục lấy mẫu giám sát và rà soát diện rộng các khu vực có nguy cơ cao nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương và Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các tỉnh, TP (trong đó có Hà Nội) đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tuyệt đối nghiêm cấm việc giết mổ, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết ra khỏi vùng dịch, đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi để ngăn chặn nguy cơ bùng phát, lây lan dịch bệnh.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho thấy, tổng đàn lợn từ đầu năm 2025 đến nay tăng khoảng 3,8%; sản lượng thịt lợn ước tính, 2,7 triệu tấn (tăng 5,9%) so với cùng kỳ năm 2024. Bộ cũng đánh giá chăn nuôi lợn những tháng qua tương đối thuận lợi nhờ dịch bệnh được kiểm soát; giá bán sản phẩm duy trì ở mức có lợi cho người chăn nuôi.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ngan-chan-nguy-co-bung-phat-benh-dich-ta-lon-chau-phi.768472.html