Ngăn chặn sâu bệnh hại sắn

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên tập huấn phương pháp phòng trừ rệp sáp bột hồng tại xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân). Ảnh: LÊ TRÂM

Hiện rệp sáp bột hồng, nhện đỏ và bệnh khảm lá gây hại trên 20.000ha sắn. Điều đáng lo ngại là sắn ở giai đoạn phát triển thân, lá, tích lũy tinh bột bị sâu bệnh hại đeo bám, nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất, giảm nguồn thu nhập của nông dân.

Bệnh khảm lá tiếp tục gây hại nặng

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, bệnh khảm lá vi rút gây hại 16.447ha sắn, trong đó diện tích nhiễm nặng là 7.370ha. Bệnh khảm lá sắn lây lan qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và qua hom giống. Trong thời gian tới, bệnh khảm lá tiếp tục lây lan, gia tăng cả diện tích và tỉ lệ gây hại.

Hiện nay, bệnh khảm lá gây hại 6.000ha sắn ở huyện Sông Hinh, trong đó diện tích nhiễm nặng 3.600ha. Hầu hết các vùng trồng sắn đang trong giai đoạn phát triển thân, lá, tích lũy tinh bột đều bị bệnh khảm lá. Bà Trần Thị Thúy, nông dân trồng sắn ở xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) chia sẻ: Gia đình tôi trồng sắn trên vùng gò đồi. Mấy năm trước bệnh khảm lá sắn cũng xảy ra, nhưng cây vẫn ra lá. Năm nay thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài cộng với bệnh khảm lá “đè” cây sắn không phát triển nổi.

Tại Đồng Xuân, sắn là cây trồng chính của nông dân, chỉ đứng sau cây lúa và mía, hiện bệnh gây hại với diện tích 4.250ha, trong đó 2.500ha nhiễm nặng, giai đoạn hình thành tán lá, tích lũy tinh bột. Bệnh khảm lá đang lây lan gây hại sắn ở các xã trên địa bàn huyện.

Ông Huỳnh Tuấn Ân, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, cho biết: Bệnh khảm lá sắn là do vi rút gây ra nên rất khó trị, chỉ khi thay thế giống thì mới có thể ngăn chặn được bệnh. Phòng NN-PTNT phối hợp Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển diện tích giống sắn KM94 sạch bệnh cấp phát cho các xã, thị trấn. Cùng với đó triển khai mô hình trồng sắn thâm canh, quản lý tổng hợp phòng trừ bệnh khảm lá do vi rút gây ra với diện tích 20ha tại xã Xuân Quang 2, nếu thành công sẽ triển khai rộng trong vụ đến.

Theo ông Nguyễn Lê Lanh Đa, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, về giải pháp phòng bệnh khảm lá sắn, ngành chức năng hướng dẫn nông dân không vận chuyển cây sắn ra khỏi nơi nhiễm bệnh, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển cây sắn từ nơi khác đến làm giống. Hiện nay một số khu vực có mưa giông, trong điều kiện thuận lợi cần tăng cường chăm sóc, làm cỏ, bón phân giúp cây sắn sinh trưởng tốt, chống chịu bệnh khảm lá, hạn chế ảnh hưởng đến năng suất.

Nhện đỏ, rệp sáp bột hồng đeo bám

Ngoài bệnh khảm lá thì rệp sáp bột hồng gây hại với diện tích nhiễm nhẹ 200ha ở Đồng Xuân. Cùng với đó, nhện đỏ phát sinh gây hại 1.708ha vùng trồng sắn ở các huyện Đồng Xuân, Phú Hòa, Sơn Hòa, Sông Hinh…

Tại xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa), cây sắn đã 3 tháng tuổi nhưng thấp dưới đầu gối. Theo bà Trần Thị Linh, một người trồng sắn ở đây, gia đình bà trồng 5.000m2 sắn nhưng bị rệp sáp bột hồng, nhện đỏ gây hại hoàn toàn. Cách đây 3 năm, sắn cũng bị rệp sáp bột hồng, nhện đỏ gây hại, khi nhổ bụi sắn thì củ chỉ bằng ngón tay út, bà phải tiêu hủy hom sắn và cày lại để trồng hoa màu khác.

Còn ông Bùi Văn Tấn ở xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa) cho hay: Mấy năm trước, sắn nhà tôi bị rệp sáp bột hồng gây hại, cuối vụ nhổ lên có bụi chỉ được 1 củ bằng ngón chân cái. Tôi được tập huấn phương pháp phòng trừ rệp sáp bột hồng, áp dụng vào thực tế có hiệu quả. Theo đó, khi sắn bị rệp sáp bột hồng, nhện đỏ, tôi bẻ đọt gom đốt rồi phun thuốc; từ chỗ bẻ, đọt cây sắn ra nhánh khác, khi thu hoạch vẫn có củ lớn, tuy nhiên năng suất không bằng cây sắn phát triển bình thường.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, nếu sắn phát triển bình thường, đến vụ thu hoạch năng suất đạt 17 tấn/ha, sau khi trừ chi phí người trồng lãi từ 20-25 triệu đồng/ha. Nếu sắn bị rệp sáp bột hồng mà không phòng trừ kịp thời thì không cho năng suất. Nhện đỏ cũng là một dịch hại khác của cây sắn, gây hại mặt dưới lá sắn, chúng chích hút gây vàng, xoăn và rụng lá sắn làm giảm năng suất.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên khuyến cáo, hiện cây sắn đang trong giai đoạn phát triển thân, lá, tích lũy tinh bột, là giai đoạn quyết định năng suất, vì vậy nông dân cần tích cực theo dõi và phòng trừ rệp sáp bột hồng, nhện đỏ khi chúng phát sinh gây hại nặng. Bón phân hữu cơ, luân canh và xen canh là các giải pháp sẽ làm giảm sự gây hại của sâu bệnh, bao gồm cả rệp sáp bột hồng.

Đối với bệnh khảm lá, tuyệt đối không trồng giống LHS11, bởi đây là giống sắn ngoài cơ cấu bị nhiễm bệnh nặng. Đồng thời không dùng sắn bị nhiễm bệnh để làm giống, chỉ chọn hom giống từ những vùng trồng sắn sạch bệnh để trồng. Cùng với đó, tiêu hủy kịp thời diện tích sắn bị rệp sáp bột hồng khi diện tích và tỉ lệ hại còn thấp nhằm ngăn chặn nguồn lây lan. Người trồng phải tiêu hủy triệt để các thân cây sắn và tàn dư của cây bị bệnh. Còn đối với nhện đỏ thì khoanh vùng xử lý kịp thời. Sở đang có phương án nhân nhanh giống sắn sạch bệnh để thay thế giống bị nhiễm nặng.

Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT

MẠNH HOÀI NAM

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/262805/ngan-chan-sau-benh-hai-san.html