Ngăn chặn thực phẩm 'bẩn' trên tuyến biên giới Lạng Sơn

Từ đầu năm đến nay, khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, các cửa khẩu trên tuyến biên giới Lạng Sơn dần trở lại hoạt động bình thường. Lợi dụng thực tế này, các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách vận chuyển thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh qua biên giới để đưa vào thị trường nội địa tiêu thụ. Nhiều vụ vận chuyển thực phẩm 'bẩn', không rõ nguồn gốc, xuất xứ đã bị bắt giữ.

Lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn kiểm tra, thu giữ gần 10 tấn sản phẩm thịt trâu đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn kiểm tra, thu giữ gần 10 tấn sản phẩm thịt trâu đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tỉnh Lạng Sơn, chỉ trong ba tháng đầu năm 2022, các lực lượng chức năng (công an, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường...) đã phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ 29 vụ buôn lậu, vận chuyển thực phẩm nhập lậu, tăng 12 vụ so với cùng kỳ năm trước.

Ồ ạt nhập lậu thực phẩm

Nổi bật là năm vụ vận chuyển nội tạng động vật với số lượng lớn đã bị ngăn chặn. Cụ thể, đêm 10/3/2023, tại khu vực thôn Lăng Xè, xã Đồng Bục (huyện Lộc Bình), Đội Quản lý thị trường số 6 (đội cơ động của Cục Quản lý thị trường tỉnh) chủ trì, phối hợp với lực lượng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) và các lực lượng chống buôn lậu của huyện Lộc Bình đã kiểm tra một xe ô-tô tải đang trên đường vận chuyển gần 10 tấn sản phẩm thịt trâu đông lạnh.

Qua kiểm tra ban đầu, lô hàng này không có chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Toàn bộ số hàng hóa này trên bao bì không có thông tin thể hiện nguồn gốc, xuất xứ, không có tài liệu kèm theo hoặc bất cứ thông tin nào khác. Tại thời điểm kiểm tra, Đỗ Văn T (sinh năm 1992) trú tại thôn Trại Trang, thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ (tỉnh Hưng Yên) là người trực tiếp điều khiển phương tiện không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hay giấy tờ gì liên quan đến hàng hóa được vận chuyển trên xe.

Mới đây, ngày 21/3, Đội Quản lý thị trường số 7 phối hợp với Công an huyện Tràng Định tiến hành kiểm tra, kiểm soát tại khu vực thôn Nà Nưa, xã Quốc Khánh (huyện Tràng Định), phát hiện xe ô-tô đông lạnh biển kiểm soát 29H-275.65 dừng tại lề đường có biểu hiện nghi vấn. Quá trình kiểm tra cho thấy hàng hóa trên xe là chân gà rút xương đông lạnh được hút chân không đóng trong hộp các-tông, với tổng trọng lượng 2.000kg, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa...

Anh Cao Xuân Đoàn, cán bộ Đội Quản lý thị trường số 6 (Cục Quản lý thị trường tỉnh) chia sẻ: Lạng Sơn là điểm thu hút du khách thập phương tham gia các lễ hội đầu năm, do vậy nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm thực phẩm tăng cao. Cục Quản lý thị trường tỉnh đã liên tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát… Nếu để số thực phẩm không rõ nguồn gốc này được đưa ra lưu thông trên thị trường thì rất nguy hiểm.

Do đường biên giới dài, có nhiều đường mòn, lối tắt, nên các đối tượng đã lợi dụng, vận chuyển sản phẩm gia súc, gia cầm “bẩn”, không rõ nguồn gốc, xuất xứ từ biên giới vào nội địa tiêu thụ. Những loại thực phẩm “bẩn” như nội tạng lợn, thịt gia cầm... bên Trung Quốc có giá rất rẻ, thậm chí họ vứt bỏ, nên khi vận chuyển trót lọt qua biên giới sẽ mang lại lợi nhuận cao.

Hiện nay, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vận chuyển thực phẩm “bẩn” rất tinh vi, như thuê cư dân biên giới vận chuyển qua đường mòn, nếu trót lọt sẽ tập kết tại các xã giáp biên, sau đó dùng xe máy hoặc ô-tô vận chuyển vào khu vực thành phố, rồi xé lẻ, tìm cách găm hàng vào ô-tô chở khách, ô-tô du lịch, ô-tô chở hàng, để vận chuyển về các tỉnh tiêu thụ.

Đại tá Nông Quang Tám, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn cho biết: Từ đầu năm 2023, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, các đồn biên phòng tăng cường lực lượng ở các tổ chốt, trạm kiểm soát nhằm siết chặt công tác kiểm soát xuất, nhập cảnh và xuất, nhập khẩu ở khu vực cửa khẩu, cùng các đường mòn, lối mở trên biên giới.

Các đồn biên phòng hiện đã duy trì 49 lán, chốt dọc tuyến biên giới. Qua tuần tra, lực lượng biên phòng đã ngăn chặn tám vụ vận chuyển các mặt hàng thực phẩm nhập lậu...

Ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép thực phẩm “bẩn”

Trước những diễn biến phức tạp nêu trên, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã ban hành kế hoạch gửi Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thành phố và các lực lượng chống buôn lậu của tỉnh về việc tăng cường ngăn chặn thực phẩm nhập lậu. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường và công an tăng cường kiểm tra trên khâu lưu thông, nhất là sử dụng biện pháp trinh sát để nắm rõ những xe ô-tô có dấu hiệu hoạt động vận chuyển hàng từ khu vực biên giới về khu vực nội địa, để kịp thời ngăn chặn.

Theo dự báo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, thời gian tới, tình hình buôn bán, vận chuyển thực phẩm nhập lậu sẽ tiếp tục gia tăng, bởi những loại thực phẩm như: nội tạng lợn, sản phẩm gia cầm, các loại bánh kẹo, gia vị… nhập từ Trung Quốc rất rẻ, nếu vận chuyển trót lọt vào nội địa thì sẽ mang lại lợi nhuận cao.

Ông Đặng Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn cho biết: Để tiếp tục ngăn chặn thực phẩm nhập lậu, ngày 3/3, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh ban hành Công văn số 09 về việc ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép các loại gia súc, gia cầm và các sản phẩm thực phẩm gia súc, gia cầm từ nước ngoài vào Việt Nam.

Thực hiện chỉ đạo này, thời gian tới, lực lượng bộ đội biên phòng, hải quan sẽ quyết liệt, tăng cường triển khai hoạt động kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở, cánh gà các cửa khẩu, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các tuyến đường mòn trọng yếu nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép thực phẩm qua biên giới.

Bên cạnh đó, lực lượng trong khu vực nội địa như công an, quản lý thị trường sẽ tiếp tục phối hợp kiểm tra trên khâu lưu thông, tổ chức kiểm tra đột xuất các khu vực tập kết hàng, các cơ sở kinh doanh thực phẩm trong khu vực nội địa.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ngan-chan-thuc-pham-ban-tren-tuyen-bien-gioi-lang-son-post747324.html