Ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển, tàng trữ trái phép lâm sản
Ngày 30/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết đang tiếp tục điều tra làm rõ một số lượng lớn gỗ không có hồ sơ lâm sản hợp pháp.
Trước đó, qua công tác nắm tình hình, các trinh sát Phòng Cảnh sát kinh tế đã kiểm tra đột xuất cơ sở đồ gỗ Đức Thanh do ông Trần Đức Thanh (SN 1975, trú thôn Tây Thành, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) làm chủ sở hữu, phát hiện 15 phách gỗ không có hồ sơ lâm sản hợp pháp.
Cùng ngày, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh tiếp tục phát hiện 36 phách gỗ chưa xác định được khối lượng, chủng loại nằm tại khu vực hồ cá thuộc thôn Tây Thành (xã Quảng Thành). Qua điều tra, toàn bộ 51 phách gỗ này đều do ông Trần Đức Thanh làm chủ sở hữu. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, số gỗ này đều không có hồ sơ lâm sản hợp pháp.
Tại huyện miền núi Nam Đông, Công an huyện và đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh cũng phát hiện một số đối tượng liên quan đến hành vi vận chuyển và tàng trữ lâm sản trái phép. Cụ thể, ngày 20/12, Công an huyện Nam Đông bắt giữ 2 đối tượng là Lê Hữu Hòa (SN 1981) và Ngô Văn Chung (SN 1983, đều trú phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) về hành vi vận chuyển lâm sản trái phép. Thời điểm đó, Hòa lái xe ôtô tải BKS 75C-089.64 chở Chung đến địa bàn huyện Nam Đông để mua lâm sản. Sau đó, Chung xuống xe ôtô đứng tại khu vực đường lên xuống cao tốc La Sơn – Túy Loan để Hòa chạy xe ôtô một mình vào thôn Xuân Phú, xã Hương Phú (huyện Nam Đông) chở 11 phách gỗ dạ chồn.
Khi đối tượng Hòa đang vận chuyển số gỗ trên đến đoạn đường Km13 thuộc cao tốc La Sơn – Túy Loan thì bị Công an huyện Nam Đông phát hiện bắt quả tang hành vi vận chuyển lâm sản trái phép.
Qua điều tra mở rộng, Công an huyện Nam Đông đã phối hợp với Văn phòng cơ quan CSĐT Công an tỉnh, Công an thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) tạm giữ tại nhà Ngô Văn Chung 21 phách gỗ kiền; tạm giữ tại nhà Ngô Văn Lanh (SN 1960, trú phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy) 60 phách gỗ gồm: kiền, dạ chồn, chò, gội, sến; tạm giữ tại nhà Ngô Viết Tùng (SN 1972, trú phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy) 25 phách gỗ chũa. Tổng số tang vật thu giữ gồm 117 phách gỗ quý các loại với khối lượng khoảng gần 8m3.
Đáng lưu ý, toàn bộ số gỗ này không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Cũng theo một nguồn tin riêng cho biết, mới đây, một đường dây vận chuyển gỗ lậu khác vừa được Công an triệt phá và vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng.
Theo lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế, thời gian qua, tại một số địa bàn, tuy có nhiều chuyển biến trong công tác bảo vệ rừng nhưng tình trạng phát phá, xâm lấn đất rừng, đặc biệt là xâm lấn đất rừng tự nhiên, khai thác lâm sản nhỏ lẻ trái pháp luật vẫn còn diễn ra, nhất là tại các khu vực còn nhiều tài nguyên rừng, khu rừng đặc dụng, khu vực giáp ranh giữa các địa phương.
Ông Hoàng Văn Chúc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông cho biết, trong năm 2023, trên địa bàn xảy ra 13 vụ vi phạm chặt phá rừng, xâm lấn rừng lấy đất sản xuất với diện tích hơn 1,4 ha. Hạt kiểm lâm tổ chức nhiều đợt tuần tra, truy quét ngăn chặn khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên địa bàn. Tính đến cuối năm 2023, Hạt kiểm lâm huyện Nam Đông đã tổ chức và phối hợp với các đơn vị bắt giữ 21 vụ khai thác, mua bán, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; tịch thu 12,934m3 gỗ các loại, 3 máy cưa xăng; xử phạt vi phạm hành chính 12 vụ, 18 đối tượng và khởi tố 1 vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.
Thông thường cuối năm, hoạt động khai thác, vận chuyển lâm sản và động vật rừng trái phép trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thường diễn biến phức tạp. Các đối tượng khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản trái phép lợi dụng sự lơ là của đơn vị chức năng và chính quyền địa phương, các chủ rừng để tăng cường hoạt động, nhất là ở các địa phương còn giàu tài nguyên rừng. Trước tình hình này, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp cơ quan chức năng, Công an địa phương tăng cường kiểm tra các cơ sở chế biến gỗ, kiểm tra rà soát thực hiện truy xuất nguồn gốc gỗ để quản lý lâm sản hợp pháp.
Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các lực lượng liên ngành của huyện (Kiểm lâm, Công an, Quân đội) phối hợp với chính quyền cơ sở, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị chủ rừng tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng và thực hiện có hiệu quả phương án PCCCR tại cơ sở. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng với các hộ dân, cộng đồng dân cư thôn, bản trên địa bàn...; hỗ trợ các chủ rừng tăng cường kiểm tra, truy quét để phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi lấn chiếm, tái lấn chiếm đất rừng, chặt phá, khai thác rừng trái phép; mua bán lâm sản, động vật hoang dã, khai thác lâm sản trái pháp luật.
Ông Hoàng Văn Chúc - Hạt trưởng HKL huyện Nam Đông cho biết, trước thực tế như kể trên, đơn vị đã xây dựng kế hoạch truy quét tại những khu vực trọng điểm, tổ chức thực hiện chốt chặn; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát lâm sản tại các vùng trọng điểm, các vùng giáp ranh với các địa phương khác cũng như các địa bàn trọng điểm có nguy cơ xâm hại đến rừng.