Ngăn chặn tình trạng trẻ em thừa cân, béo phì: Giải pháp thông qua chính sách thuế?

Theo các chuyên gia y tế, hạn chế đồ uống có đường bằng cách đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm này là một trong những biện pháp hiệu quả để ngăn chặn thừa cân, béo phì ở trẻ em.

Hội thảo “Góp ý Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt về áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, phòng, chống thừa cân, béo phì ở trẻ em” ngày 24/11. (Ảnh: quochoi.vn)

Hội thảo “Góp ý Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt về áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, phòng, chống thừa cân, béo phì ở trẻ em” ngày 24/11. (Ảnh: quochoi.vn)

Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ tăng cao

Những năm qua, tỷ lệ thừa cân, béo phì tại Việt Nam vẫn đang tăng cao bất chấp mọi khuyến cáo, nhất là ở lứa tuổi trẻ em. Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ 5 - 19 tuổi đã tăng gấp đôi (từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020). Trong đó, khu vực thành thị 26,8%, cao hơn tỷ lệ trung bình của khu vực Đông Nam Á (17,3%), cao hơn tỷ lệ tại các quốc gia có mức thu nhập thấp và trung bình của khu vực.

Đây là tỷ lệ đáng lo ngại bởi thừa cân, béo phì là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh không lây nhiễm - nhóm bệnh tật có tỷ lệ tử vong cao nhất hiện nay. Trẻ em bị thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ cao mắc nhiều bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, tim mạch, ung thư và các bệnh mãn tính khác. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tình trạng này còn tác động tiêu cực đến tâm lý và xã hội, khi trẻ phải chịu các định kiến về cân nặng, bị cô lập, trầm cảm, thiếu tự tin.

Mới đây, tại Hội thảo “Góp ý Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt về áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, phòng, chống thừa cân, béo phì ở trẻ em”, các đại biểu, chuyên gia đã cùng thảo luận về thực trạng, những nguyên nhân dẫn đến thừa cân, béo phì của trẻ em và ảnh hưởng của đồ uống có đường đối với thực trạng này. Bà Đỗ Hồng Phương - Chuyên gia dinh dưỡng Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) nhấn mạnh: “Thừa cân, béo phì là một vấn nạn với trẻ em”. Đồng thời, bà Hồng Phương đưa ra dự báo, nếu không có các can thiệp hiệu quả, kịp thời, ước tính đến năm 2030, gần 2 triệu trẻ em trong độ tuổi 5 - 19 tuổi bị thừa cân, béo phì.

Còn theo PGS.TS.BS. Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia: “Béo phì ở trẻ em là một vấn đề toàn cầu cần hành động khẩn cấp”. Đáng chú ý, PGS.TS.BS. Trương Tuyết Mai nêu rõ tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe, đặc biệt là tác động tới trẻ em. Theo đó, tiêu thụ đồ uống có đường trong thời thơ ấu có liên quan đến nguy cơ béo phì và thừa cân cao hơn ở 5 tuổi. Nếu uống thêm mỗi 100ml đồ uống có đường mỗi ngày có liên quan đến chỉ số BMI cao hơn và tăng nguy cơ thừa cân/béo phì lên 1,2 lần ở tuổi lên 6.

Biện pháp giảm sử dụng đồ uống có đường

Trước những mối nguy hại của đồ uống có đường tới tình trạng thừa cân, béo phì nói riêng và sức khỏe nói chung ở trẻ em, thời gian qua, dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) với nội dung bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam, có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đã và đang nhận được sự quan tâm. Theo đó, áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với các sản phẩm nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml, nhằm góp phần chống béo phì, bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Chuyên gia dinh dưỡng Đỗ Hồng Phương của UNICEF Việt Nam nhấn mạnh, béo phì không chỉ là vấn đề của một cá nhân hay gia đình mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Do đó, việc hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường thông qua các chính sách thuế là một bước đi quan trọng.

Đồng tình với ý kiến này, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm - chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, hiện đã là thời điểm rất thích hợp, cần thiết để áp thuế đối với đồ uống có đường. Tuy nhiên, BS Nguyễn Tuấn Lâm đánh giá mức thuế 10% giá bán của nhà sản xuất, áp trong 1 năm là rất nhỏ, ít tác động. Việt Nam nên xem xét áp dụng lộ trình tăng thuế hàng năm để thuế đồ uống có đường ở mức 40% giá bán nhà sản xuất (tức là 20% giá bán lẻ theo khuyến nghị của WHO) vào năm 2030 để bảo vệ sức khỏe cho thế hệ tương lai.

Mức áp thuế 40% cũng là mức áp thuế từng được Bộ Y tế đề xuất với lý do mức thuế 10% là chưa đủ để làm thay đổi hành vi tiêu dùng, giảm tỉ lệ thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng nên giữ nguyên mức thuế 10% như dự kiến. Chưa kể, việc bổ sung nước giải khát có đường vào dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) vẫn đang có nhiều ý kiến trái chiều từ các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia cũng như người tiêu dùng.

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận ở Tổ về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội, chuyên gia cho rằng, cần cân nhắc lợi ích và chi phí khi bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam, có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế cũng như đề xuất nghiên cứu thêm các biện pháp kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì cho phù hợp… Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ định nghĩa rõ nước giải khát là gì, nghiên cứu áp thuế theo hàm lượng đường với nước ngọt và có lộ trình khi đưa mặt hàng này vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Linh Chi

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/ngan-chan-tinh-trang-tre-em-thua-can-beo-phi-giai-phap-thong-qua-chinh-sach-thue-post532952.html